Monday, December 14, 2009

Giới trẻ xứ tôi








Trong những làng quê ở các nước đang phát triển, người ta phát hiện ra một hiện tượng rất phổ biến, đó là trong làng dường như chỉ thấy người lớn và trẻ em. Thành phần giới trẻ tuổi 16 đến 35 rất ít. Lý do là đa số những người trong lứa tuổi này đã rời khỏi thôn làng để học tập hoặc kiếm việc làm. Vào các thành thị người ta thấy dân lao động đến từ vùng quê rất đông, âu cũng vì ở quê thì công ăn việc làm quá ít ỏi. Người ta chỉ sống được nếu sẵn sàng toại nguyện với đời sống chân lấm tay bùn. Mà muốn như vậy đôi khi cũng khó vì tại vùng quê như ở đông bắc Thái Lan nơi tôi đang truyền giáo, 6 tháng trong một năm thì đồng ruộng khô cằn vì thiếu nước, nên người dân phải bỏ không, chờ lúc nào đến mùa mưa, có nước mới trở lại với việc canh tác.

Đời sống xã hội như thế nên hoàn cảnh nhà thờ cũng bị ảnh hưởng theo. Vào các nhà thờ Công giáo ngày Chúa Nhật, người ta thấy đa số người đi lễ là cụ già và con nít. Vì thế nhiều khi không khí trong nhà thờ buồn tẻ. Người già thì hát không ra tiếng, con nít thì hát lộn tông. Còn lứa tuổi nhiều sức lực, tuổi trẻ tài cao thì khan hiếm. Đứa nào học giỏi, có năng khiếu thì đi học xa để thăng tiến trong xã hội. Đứa nào học kém nhưng biết chịu khó thì cũng đi làm việc trong thành phố để kiếm sống. Còn lại là thành phần ít cầu tiến, và không ít là thích lối sống ngồi chơi sơi nước. Mà thành phần đó thì cũng chẳng màng gì đến việc nhà thờ nhà thánh.

Chính vì thế mà điều thấy được tại xứ đạo nhỏ bé của tôi tại Thái Lan trở nên rất lạ thường, đó là ở đây hơn một nửa nhà thờ là thiếu nhi và giới trẻ. Một phần là do ngay sau nhà thờ có một nhà trẻ mồ côi bị nhiễm HIV. Điều này càng thấy rõ rệt hơn khi trong nhà thờ thành phần cao niên lại rất ít. Ngay cả số lượng trung niên cũng không bao nhiêu, đó là nếu không tính 5 seour thuộc dòng Mẹ Têrêxa và hai sư huynh dòng Ngôi Lời.

Từ ngày đến nhận trách nhiệm quản xứ nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micael tại tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng đông bắc Thái Lan cách đây gần hai năm, tôi đã nhận ra rằng ở đây thành phần giới trẻ dường như là tất cả. Giới trẻ ở đây là nguồn sinh lực cho cộng đoàn và là niềm hy vọng của tôi cho tương lai của giáo xứ.

Trong khi nhiều người giáo dân (người lớn cũng như con cái họ), do bị ảnh hưởng của lối sống của người Phật giáo, xem việc lễ lạt ngày Chúa Nhật chỉ là một sinh hoạt mà họ có thể thỉnh thoảng làm tùy theo cảm hứng và nhu cầu, nhiều bạn trẻ trong giáo xứ của tôi lại xem đây là một điều không thể thiếu. Có bạn trẻ khi đi xa để thi cử phải tìm cho bằng được nhà thờ gần đó để khỏi bỏ lễ cả. Có bạn trẻ ngày Noel phải xin nghỉ học một buổi để đi cho được lễ trọng. Có bạn trẻ mặc dầu phải đi làm ngày Chúa Nhật nhưng luôn dành thời giờ cho việc lễ lạt trước. Có bạn trẻ đi lễ sáng rồi buổi chiều còn lên nhà thờ chánh tòa cách nhà 50 cây số để giúp trong thánh lễ vì ở đó giới trẻ không tham gia vào sinh hoạt giáo xứ!

Tinh thần này càng đáng nêu cao khi thấy rằng có nhiều giáo dân chỉ ở cách nhà thờ năm ba phút lái xe mà năm thuở mười thì mới thấy đến nhà thờ một lần. Khi tôi hỏi những người ấy lý do tại sao không đi lễ thì thường nhận được câu trả lời rằng bận việc, phải lo quán xá, lo mở cửa tiệm, hoặc phải đi họp hay đi ăn đám cưới đám giỗ ở đâu đó. Chung quy lại, tất cả mọi sinh hoạt khác đều quan trọng hơn việc nhà thờ nhà thánh.

Quả thực giữa cái lạnh nhạt trong cuộc sống đạo đức của nhiều người ngày càng bị ảnh hưởng bởi văn hóa thực dụng đang xâm nhập vào ngay cả những thôn làng của người dân Thái Lan, các bạn trẻ trong giáo xứ của tôi làm cho tôi thêm niềm hy vọng. Khi ở các giáo xứ khác có chương trình lễ quan thầy, bất kể đường xá xa xôi như thế nào, các bạn luôn luôn muốn đi tham dự. Trong chương trình cầu nguyện thứ bảy đầu tháng, giới trẻ luôn luôn là thành phần có mặt đông nhất. Vào ngày Chúa Nhật các bạn trẻ là những người đến sớm nhất và về nhà muộn nhất. Khi tôi mời nhóm giới trẻ đi cầu nguyện cho một bệnh nhân AIDS đang hấp hối trên giường bệnh, hoặc đi lau chùi nhà cửa cho một cụ già neo đơn, các bạn không bao giờ từ chối.

Mặc dầu giáo xứ được hỗ trợ bởi một hội đồng giáo xứ bao gồm 7 người, nhưng thành phần giới trẻ mới là sức sống của cộng đoàn. Trong Thánh Lễ, các bạn trẻ chia bổn phận phục vụ trong các việc giúp lễ, đọc bài đọc, đọc kinh, hát và đánh đàn. Các bạn trẻ cũng là những huynh trưởng cho các em thiếu nhi. Đồng thời các bạn trẻ cũng là người làm vệ sinh nhà thờ, nhà xứ, chuẩn bị thức ăn nhẹ để phục vụ giáo dân sau Thánh lễ Chúa Nhật. Ngoài ra, những ngày lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh, hoặc mừng lễ quan thầy thì không thể nào thiếu sức lực của các bạn trẻ.

Nói đến đây nhiều người có lẽ cũng chưa hẳn ấn tượng lắm với những người trẻ trong giáo xứ của tôi. Trên thực tế thì giáo xứ nào cũng có một số bạn trẻ hăng say và nhiệt huyết như thế. Nhưng sự đặc biệt của nhóm giới trẻ trong giáo xứ của tôi ở chỗ có những bạn trẻ chỉ mới theo đạo một thời gian rất ngắn. Trong khi bố mẹ vẫn theo Phật giáo thì các bạn đã can đảm đến nhà thờ xin học đạo và đã quyết định trở nên những người Công giáo. Vì các bạn tự chọn cho mình con đường đức tin nên các bạn luôn hăng say và hạnh phúc trong những sinh hoạt tâm linh. Các bạn đã nhận ra rằng đức tin giúp cho mình sống tốt hơn, sống tích cực hơn, và sống dấn thân hơn. Tèng, một bạn gái học lớp 11 đã từng khẳng định rằng cách sống của em trước đây và bây giờ rất khác nhau. Đức tin Kitô giáo đã giúp em trở nên một con người đạo đức và thánh thiện hơn.

Có những bạn trẻ trong xứ đạo của tôi là những em mồ côi mắc bệnh HIV đang sống trong viện mồ côi phía sau nhà thờ. Giờ đây chúng đã lớn lên tới tuổi 14, 15. Nhiều người thương hại chúng. Nhưng tôi không xem chúng khác những bạn trẻ khác. Tôi luôn tìm cách huấn luyện cho chúng sống một cách tự tin, cố gắng thăng tiến bản thân, và biết làm những gì bổ ích cho chính mình và người khác. Bị nhiễm HIV không thể làm cho người ta mất đi lý tưởng sống và không nên biến họ trở thành những người chỉ để cho người khác nhìn vào để thương hại mà không biết phát triển chính mình để giúp đỡ người khác.

Trong nhóm giới trẻ còn có một số bạn trẻ chẳng phải là người Thái vì thực ra họ là những người trẻ Việt Nam đến đất Thái Lan để mưu sinh. Khi biết ở đây có linh mục người Việt Nam đang phục vụ các bạn đã tìm đến nhà thờ để đi lễ, sinh hoạt và học giáo lý. Các bạn trẻ Việt Nam cũng thổi một làn gió mới vào tinh thần của giáo xứ vì mặc dầu họ ở tuổi thanh niên nhưng luôn tỏ ra sùng đạo và biết tôn trọng người lớn, đặc biệt là linh mục.

Mặc dầu đa dạng như thế, nhưng vào mỗi thứ bảy và Chúa Nhật, khi đến nhà thờ của tôi, người ta có thể thấy nhóm bạn trẻ này sinh hoạt với nhau, nấu ăn chung với nhau, và ngồi cùng bàn ăn với nhau trong tinh thần bè bạn và huynh đệ. Không có sự phân biệt đối xử giữa văn hóa, tôn giáo, hoặc hoàn cảnh sống.

Là một cha xứ, mặc dầu tôi rất cố gắng để giúp giáo dân thêm đức tin và sống đời sống Kitô hữu một cách tích cực hơn, nhưng cũng có nhiều khi tôi cảm thấy buồn lòng khi từ ghế chủ tế của tôi, tôi thấy có những chỗ ngồi còn trống trong các hàng ghế giáo dân. Nhiều khi tôi cảm thấy nản lòng mỗi khi tôi đến thăm một giáo dân nào đó mà họ xem tôi như một người “tiếp thị” tôn giáo đến để quấy rầy họ. Tuy thế những nỗi buồn luôn luôn đi kèm theo niềm an ủi. Chính các bạn trẻ đã từng nói với tôi rằng, “Cha đừng buồn. Nếu không có ai đến nhà thờ, bọn con vẫn có mặt ở đó.” Cũng chính những bạn trẻ đó khuyên tôi rằng, “Cha ạ, cha đang làm việc của Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ trợ giúp chúng ta.” Nhưng không chỉ lời nói của các bạn trẻ, mà chính hành động của họ làm cho tôi cảm thấy an ủi và thêm niềm hy vọng. Các bạn trẻ ấy cảm thấy hạnh phúc khi được đến nhà thờ, đến tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, và làm những công việc thiện nguyện. Vì thế chính tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi được đồng hành với các bạn và có phần trong cuộc hành trình đức tin và tâm linh của chúng.

>