Saturday, April 21, 2007

GIỚI TRẺ ĐÔ THỊ: MỘT HIỆN TƯỢNG LỘN XỘN CÓ ĐƯỜNG HƯỚNG

"Trật tự xã hội không do thiên nhiên.
Nó xây dựng trên quy ước".
(Rousseau
)


LTG: Viết về giới trẻ Việt Nam không phải dễ dàng vì thật sự những công trình nghiên cứu về giới trẻ còn quá khiêm tốn. Sự nhận xét mà chúng tôi đưa ra ở đây là theo lối thực nghiệm (empirical), trong đó có sự quan sát về thực trạng và từ đó có thể đưa ra những kết luận hợp lý với kinh nghiệm đó, với mục đích suy đoán được những cảm xúc, mong ước, tham vọng và tầm nhìn của thế hệ này. Một điều chắc chắn nếu các nhà dự thảo kế hoạch về xã hội đo lường được những yếu tố trên thì việc tổ chức sẽ có phần chính xác và có hiệu quả hơn.
Những tương phản
Trên đường Đồng Khởi, Quận 1, T.P. Hồ Chí Minh, vũ trường Mưa Rừng là nơi tụ tập hàng trăm thanh niên nam nữ tìm cảm giác mạnh bất cứ đêm nào trong tuần. Ở đây những chai bia Heinekein, Corona, và rượu Hennesy được phục vụ đầy bàn, những chàng D.J. chơi những bài nhạc techno, rave, hip hop cập nhật nhất; âm thanh cực mạnh phát ra từ những giàn loa khổng lồ, và ánh đèn vũ trường lấp láy trên các cô cậu phô trương những bộ trang phục hàng hiệu chính mác, với những điệu nhảy uốn éo gợi tình. Du khách thả mình vào không gian này thật khó biết là mình đang ở một nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay là ở một vũ trường tại một quốc gia tư bản như Mỹ hay các nước phát triển ở Châu Á. Trong các quán bar khắp thành phố như Thông Xanh và Café 261 ở Phú Nhuận, và No. 1 và 131 ở Quân 1, giá bia khoảng 50.000 đồng một chai và rượu Hennesy (phần lớn nhập lậu) được bán với giá mà dưới trung lưu không giám mơ tới. Ở những nơi này, âm nhạc, trang trí, điệu nhảy, áo quần, tất cả đều ngược lại với những hình ảnh giản dị, chất phác và mềm mại của văn hóa người dân Việt Nam mà người nước ngoài thường được biết qua sách báo, phim ảnh và các truyền thông đại chúng.


Việt Nam có nhiều hiện tượng lạ thường bao gồm những tương phản cực độ. Đối với một đất nước có hàng ngàn năm lịch sử, sở dĩ Việt Nam có sức hấp dẫn và lôi cuốn sự chú ý của người khác là vì sự trẻ trung của nó. Theo cuộc tổng kiểm tra dân số vào năm 1999, trên 60% trong 78 triệu dân (bây giờ trên 80 triệu) có độ tuổi dưới 28. Gần đây chị gái tôi ở Mỹ về thăm quê, và tôi đã đưa chị đi tham quan thành phố HCM. Điều mà chị ngạc nhiên và luôn trầm trồ là tại sao dân thành phố này "toàn là người trẻ”. Mặc dầu chị chưa đến tuổi tam thập nhưng vẫn cảm thấy mình già đi khi nhìn chung quanh hầu hết là các bạn trẻ. Sự trẻ trung của dân Việt tạo ra những bất ngờ cho du khách, đặc biệt là khách Tây đến Việt Nam. Người ta thường hình dung Việt Nam là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và đời sống nhân dân luôn bị ám ảnh bởi những kinh nghiệm chết chóc và tang thương. Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn vì những ký ức về chiến tranh đang nhanh chóng trở thành một kinh nghiệm mà giới trẻ chỉ biết đến qua các trang sách lịch sử và những thước phim tài liệu được chiếu trên đài truyền hình. Cuộc "chiến" mang tầm vóc quốc tế gần nhất mà giới trẻ trong nước biết đến xẩy ra cũng giữa Việt Nam với Mỹ; nhưng trên thực tế đó chỉ là cuộc tranh chấp thương mại, trong đó Mỹ cho rằngViệt Nam bán phá giá cá tra và cá basa qua thị trường họ. Lần này, phe ta, đặc biệt là những người dân chăn nuôi cá bị thiệt hại nặng nề; nhưng rồi cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến thế hệ trẻ. Còn tiếng bom đạn mà giới trẻ nghe thì có lẽ đang phát ra từ bộ phim hành động hoặc trò chơi điện tử bạo lực nào đó mà thôi.
Đến Việt Nam nhiều người Tây phương mang những hình ảnh lãng mạn về những cậu bé nhà quê cỡi trâu ngoài đồng. Những cậu bé quần đùi chân đất đang đánh khăng thả diều, đang tung tăng đùa giỡn thật hồn nhiên. Nhìn xa xa phía sau những cánh đồng bao la là những dãy núi chập chùng, và những lũy tre xanh thắm. Thế nhưng trước khi chứng kiến những cảnh vật ấy thì du khách khi bước ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài sẽ không khỏi ấn tượng với cảnh các cậu ấm cô chiêu Việt Nam đang cỡi trên những chiếc xe gắn máy của Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc trong những thành phố đông đúc và chật hẹp. Ngoài ra, người nước ngoài hình dung một lối sống trật tự, nghiêm khắc trong một đất nước xã hội chủ nghĩa. Trên các sân trường, học sinh đeo khăn quàng đỏ xếp hàng thẳng băng cất lên những bài hát ca ngợi các vị anh hùng đất nước. Hình ảnh này vẫn hiện thực. Nhưng bên cạnh những bài hát này còn có những bài nhạc trẻ và những điệu nhảy hip hop, techno, disco… không kém phần hấp dẫn đối với lứa tuổi cắp sách đến trường.
Tuy nhiên, các thành phố lớn ở Việt Nam chưa hoàn toàn giống hệt như Tokyo hay Hồng Kong, hoặc bất cứ thành phố Á Châu nào khác đang bị rơi vào tình trạng toàn cầu hóa do sự hiện diện của những thương hiệu quốc tế như Nike, Kentuky Fried Chicken hay McDonald's; chúng đang tìm mọi cách để xâm nhập mọi nơi trên thế giới, biến mọi thành phố thành những tấm bản sao như nhau. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận là các thành phố Việt Nam cũng đang bị cuốn hút mãnh liệt bởi các thương hiệu đó. Đất nước Việt Nam chủ yếu vẫn là một quốc gia nông nghiệp, trên 75% dân số sinh sống ở vùng nông thôn và bằng nghề nông. Theo các nhà nghiên cứu cho thấy đến năm 2050 Việt Nam mới đạt được mức 50% đô thị hóa, tương đương với Nhật Bản vào năm 1970. Nhưng hiện tượng đô thị hóa hiện nay là một xu hướng đang tiến triển và hình như không có sức mạnh nào ngăn cản được.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, chúng ta vẫn thấy những khẩu hiệu nhắc nhở người dân cũng như các du khách: Việt Nam vẫn là một nước đi theo chủ nghĩa xã hội. Nhiều băng rôn, biểu ngữ treo đầy các con đường nhằm ca ngợi đường lối, lý tưởng chủ nghĩa, hoặc cảnh báo về những tệ nạn xã hội như mại dâm, tội phạm, xì ke ma túy, đại dịch HIV cũng như những lời khuyên bảo về kế hoạch hóa gia đình, những lời hứa hẹn nghiêm túc xây dựng những khu phố văn hóa và đời sống văn minh đô thị. Những khẩu hiệu giao thông (thường quá dài, nếu đọc hết một lúc người điều khiển xe có thể gây tai nạn), nhắc dân rằng tai nạn là kẻ thù của hạnh phúc gia đình, cấm lái xe cẩu thả, phóng nhanh vượt ẩu và con đường này buộc phải đội nón bảo hiểm, v.v. Tuyên truyền là lối làm việc, là điều cần thiết ở Việt Nam, không phải là một dụng cụ tẩy não mà ở phương Tây hay sánh ví.
Ở Việt Nam, nhân dân vẫn luôn được nhắc nhở về tầm quan trọng của đường lối của Đảng cũng như tình nghĩa của Đảng đối với dân. Hàng năm, vào dịp tết nguyên đán, chúng ta được nghe lại ca khúc “Đảng đã cho ta một mùa xuân” và đón chào những băng rôn “Mừng Đảng, Mừng Xuân” treo rực rỡ trên những con đường đầy cây xanh. Bác Hồ vẫn là thần tượng yêu quý nhất của toàn dân - hình ảnh, tư tưởng, và đời sống của Bác đi vào mọi khía cạnh của cuộc sống người Việt. Còn đối với giới trẻ thì có những đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổ chức Thanh niên Xung phong. Về truyền thông có báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Phụ Nữ …, là những tờ báo chiếm được lòng độc giả.
Mặc dầu chúng ta thấy những điều mà xã hội chủ nghĩa phác họa cho người dân, thế nhưng khi nói đến thế hệ trẻ, đều có chung nhận xét: “Giới trẻ bây giờ có thái độ bất cần trước đường hướng chủ nghĩa và tự chọn một lối sống vô mục đích”. Những vị lãnh đạo chính phủ lo lắng giới trẻ không còn đề cao tinh thần độc lập đã từng giúp đất nước dành lại tự do khỏi ách nô lệ người Trung Quốc và không yêu quý những lý tưởng cách mạng chủ nghĩa đã giúp đồng bào chiến thắng đế quốc Mỹ. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo tôn giáo thì ưu tư về giới trẻ đang trên đà trở nên ngày càng yêu chuộng lối sống vật chất phóng đãng giống như giới trẻ ở phương Tây. Các bậc cha mẹ lại lo lắng cho con cái mình vì chúng ít quan tâm đến việc học hành và không biết lúc nào sẽ trở thành nạn nhân của ma túy, rượu chè và cờ bạc. Những nhà xã hội học cũng có những phàn nàn rằng giới trẻ Việt Nam hiểu biết quá nông cạn về thời sự thế giới và kém ý thức về giá trị xã hội. Trong khi xã hội đang gặp phải nhiều vấn nạn thì sinh viên Việt Nam, thay vì tích cực góp phần vào các nỗ lực cải cách xã hội, dường như chỉ biết cắp sách đến trường, rảnh rỗi thì đi ăn chè, uống cà phê.
Trên những góc độ khác nhau, tất cả những thành phần trên đưa ra phê bình và chỉ trích là có cơ sở. Tuy nhiên, nhận xét trên có lẽ hợp lý nếu đánh giá cách giản lược hóa theo tiêu chuẩn của đường hướng mà các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội đang vạch ra hiện nay. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề thường được đề cập đến khi nói về những "khuyết điểm" của giới trẻ Việt Nam. Nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ đặt câu hỏi: Giới trẻ chỉ có vậy thôi sao? Còn gì khác nữa không? Có cái nhìn nào về giới trẻ từ một góc độ khác và mang tinh thần thông cảm hơn không?

Một thần tượng mới

Một điều báo động cho giới lãnh đạo là thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay ít quan tâm gì đến những biến cố, sự kiện diễn ra trong chính phủ. Cụ thể như các cuộc họp Đại biểu Quốc hội và Đại hội Đảng, bầu cử … Mặc dầu những kỳ họp quan trọng ấy được truyền hình trực tiếp, nhưng phần đông giới trẻ chẳng theo dõi, ngược lại họ lại vùi đầu và gián mắt vào các bộ phim tình cảm Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan hay phim võ thuật Trung Quốc hoặc là thể thao nước ngoài. Vào các thời kỳ bầu cử các cấp, đa số trong họ cũng chẳng quan tâm đến ai là người sẽ là chủ tịch nước khóa này, ai là phó chủ tịch, ai là thứ ký? … mà họ chỉ quan tâm đến nghề nghiệp, công ăn việc làm và cuộc sống của họ hiện tại. Nhiều bạn trẻ không quan niệm rằng tiếng nói của họ là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đất nước và cải cách các hệ thống xã hội.

Tuy nhiên, thái độ hời hợt của giới trẻ trước các biến cố chính trị không hẳn là không có nguyên nhân. Một phần có thể do những quan niệm cao thượng mà những người đi trước muốn truyền đạt lại cho thế hệ mai sau chưa được trình bày một cách sinh động, hấp dẫn khiến vấn đề giáo dục thiếu hiệu quả. Thêm nữa, nhiều bậc đàn anh bị suy thoái đạo đức khiến giới trẻ mất lòng tin tưởng. Phải thừa nhận rằng cái lý tưởng sống, tinh thần dũng cảm và ý chí quyết tâm của thế hệ cha ông trong thời chiến thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục, nhưng điều đó phần nào bị giới trẻ quên lãng trong thời bình do sự tham nhũng, hối lộ và các tệ nạn đồi bại khác nơi những người lợi dụng quyền lực một cách ích kỷ, không mang lại lợi ích cho người dân trong xã hội hiện tại.

Điều đang gây nên phần nào sự lo lắng cho những người quan tâm đến tương lai của đất nước là số người trẻ tham gia vào đoàn thể có xu hướng giảm. Nhiều bạn trẻ phát biểu cách tiêu cực rằng không nhận ra vai trò và giá trị của đoàn thể trong đời sống của họ. Thành phần lớn lên trong môi trường cách mạng, gia nhập Thanh niên Xung phong, rồi vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, cuối cùng là chính thức được kết nạp vào Đảng ngày càng hiếm hoi. Trước đây, gia nhập Đoàn, Đảng là một lối đi mang nhiều ý nghĩa cho những ai có những hoài bão đạt được sự thăng tiến cá nhân và phục vụ đất nước. Nhưng từ ngày có chính sách cởi mở kinh tế đã tạo ra nhiều lối đi khác và giới trẻ đã chớp lấy những cơ hội tiến thân và phát triển ấy; kết cuộc, nhiều người trẻ đã tách những giá trị cộng đồng và xã hội ra khỏi đời sống của họ. Trong một cuộc thăm dò nhỏ với 500 học sinh lớp 12 tại vài trường ở Hà Nội và TP.HCM về đề tài những nghề nghiệp được yêu chuộng nhất. Và kết quả là ngành thương gia đã tìm được vị trí hàng đầu trong danh sách với tỷ lệ 20,0%, sau đó là chuyên viên thông tin (15,0%), nghiên cứu khoa học (12,0%), phóng viên nhà báo (12,0%), và kỹ sư (5,0%). Trở thành những cán bộ nhà nước như công an, một thời được nhiều người ao ước thì bây giờ lại nằm cuối cùng trong danh sách. Nói chung, người trẻ Việt Nam ngày càng ưu tiên cho việc làm ra tiền và đó là tiêu chuẩn quan trọng cho sự lựa chọn nghề nghiệp. Quả thật, điều mà họ quan tâm nhiều nhất như đã trình bày trong đại hội sinh viên tại Hà Nội vào tháng 12, năm 2003 vừa qua, là tìm kiếm một việc làm tốt và có được học vấn cao.

Mặc dù có nhiều mối bi quan về giới trẻ, thế hệ đàn anh vẫn tiếp tục quả quyết vai trò của thế hệ trẻ đối với tương lai đất nước theo niềm tin của Bác Hồ vào giới trẻ: giới trẻ là “mùa xuân của xã hội”. Hồ Chủ tịch đã tuyên bố rằng: Người trẻ là những người chủ tương lai của đất nước và đất nước mạnh hay yếu sẽ lệ thuộc nhiều vào người trẻ. Gần đây, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã gởi lời nhắn đến giới trẻ qua một lá thư trong báo Nhân Dân, khẳng định rằng: Mục tiêu quan trọng của thế hệ trẻ bây giờ là phấn đấu trở nên một lực lượng cộng tác quan trọng đối với những mục tiêu của toàn dân là công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mở mang tinh thần Việt Nam và lòng tự hào dân tộc, thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn và kém phát triển, và xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc thế hệ trẻ có đáp ứng được kỳ vọng của đất nước vào họ là điều chúng ta phải chờ để xem. Tuy nhiên, nếu những xu hướng hiện tại tiếp diễn, giới lãnh đạo cũng như các nhà tổ chức xã hội khó có thể ngồi một chỗ mà cảm thấy yên tâm.

Sáng café, tối cũng "phê"
Tuy nhiên, những chỗ ngồi ở các quán café và quán bar ở các thành phố thì đang được các người trẻ Việt Nam ngồi thoải mái suốt ngày. Số quán café tại TP.HCM lên đến hàng ngàn, được trang trí đủ kiểu cách. Quán rẻ thì năm ba ngàn một ly nước, còn quán cho giới sành điệu thì tới 20.000 đồng. Ở phòng trà ca nhạc thì ly café lên tới 50.000 đồng. Từ sáng đến tối, các quán café lớn bé dường như không bao giờ vắng khách. Ở Việt Nam, những nơi này không chỉ là những nơi tiện lợi để bạn bè cà kê tán gẫu, nhưng còn là nơi hò hẹn, giải trí, phô trương thời trang, thể hiện phong cách, thưởng thức âm nhạc, coi thể thao, và đốt thời gian. Và người khách khi đã vào quán có thể ngồi hàng giờ với một ly café và những ly trà đá tiếp tục được phục vụ sau đó. Điều mà những khách nước ngoài hay đặt vấn đề khi đến Việt Nam là tại sao người Việt lại bỏ quá nhiều thời gian cho việc giải trí và cà kê tán gẫu vô bổ như thế? Điều này hoàn toàn trái ngược với họ vì ở nước họ việc giải trí bên ngoài chỉ dành cho một vài giờ vào dịp cuối tuần.

Tại quán café Windows ở Quận 1, khách bắt đầu bước vào khoảng 7:30 sáng mỗi ngày. Nhưng đến khoảng 9 hoặc 10 giờ, thì quán trở nên đông đúc hơn với những người khách đa số đã bước vào tuổi lao động. Chẳng hiểu họ làm nghề gì mà rảnh rỗi như thế? Và cứ tiếp tục như thế cho đến giờ đóng cửa về khuya. Nhà báo Hoài Trang, trong TTCN viết về loại khách ở quán này như sau: “La cà ở Window là những khách trẻ. Họ đến một cách khá ấn tượng và một chút ồn ào với phong thái toát lên vẻ tự tin và sành điệu. Với trung bình khoảng 20.000 đồng cho một loại nước uống đơn giản, chưa kể đến các khoản khác thì một ‘biu’ cho một nhóm thường không dưới 100.000-200.000 đồng/lần. Đó là cái giá không rẻ. Nhưng đổi lại đó là một giá trị được công nhận là dân ‘biết chơi’. Những cô gái đẹp như người mẫu, ăn mặc thật mốt, điện thoại di động, cách đi đứng, cách ngồi đến cả việc cầm ly nước cũng toát lên vẻ sành điệu…” (15.2.04, tr.21). Trước các quán café cho giới sành điệu là những chiếc xe gắn máy Nhật có giá lên đến 7.000 USD được xếp hàng và phô trương như những biểu tượng địa vị kinh tế của những người khách. Những chiếc xe rẻ tiền hơn, và nhỏ hơn, thường được đem đi gởi ở một bãi gởi xe gần đó và những nhân viên của quán thì luôn luôn sẵn sàng đi lấy xe về cho khách. Một nhân viên quản lý ở quán Sài Gòn Phố mới khai trương gần đây cho hay có ngày đội giữ xe đón tới 1.500 chiếc.

Tối đến, những con đường ở những thành phố lại tấp nập những lớp trẻ chạy vòng vòng để trình diễn kiểu xe, kiểu tóc, và kiểu thời trang quần áo. Đó là các chàng trai choai choai chưa đến tuổi lao động thế mà bọn chúng có những chiếc xe với giá bằng 15 lần thu nhập bình quân mỗi năm của người Việt Nam. Ai cũng biết đó là các quý tử con nhà khá giả và con của các cán bộ lão thành.

Những dấu chỉ về lối sống quá vật chất như thế làm cho nhiều người lo lắng về những gì sẽ xảy ra cho thế hệ mai sau. Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở các đô thị Việt Nam bày tỏ sự bức xúc và lo ngại trước ý thức đạo đức của giới trẻ đang sa sút. Trong đạo Công giáo, số người trẻ đi lễ đang giảm sút trầm trọng và nếu có đi thì hầu hết là đến trễ và về sớm. Có nhiều bạn trẻ đến nhà thờ là vì cha mẹ và cho xong nhiệm vụ chứ không hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh lễ. Một số khác thì đi lễ “ôm”, một danh từ hơi lạ nhưng nó nói lên thực trạng hiện nay của các bạn trẻ nam nữ. Họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp từng cặp ngồi trên xe gắn máy ôm nhau, đùa giỡn, chuyện trò … chẳng quan tâm lễ đến đâu và chủ tế đang làm gì chỉ biết có người ra về là họ nổ máy dọt thẳng. Những hội dòng Công giáo cũng cho biết ơn gọi từ các đô thị đang trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay không thiếu ơn gọi; nhưng phần đông là bắt nguồn từ các vùng nông thôn.

Nhưng giới trẻ ở các đô thị Việt Nam cũng có lý do riêng để tận hưởng những gì trong tầm với của mình. Quả thật, đại đa số người trẻ sinh sau 1975, chỉ có một số rất nhỏ có những ký ức mơ hồ về hoàn cảnh nghèo khổ trong những năm thời bao cấp trước khi chính sách đổi mới giúp cho đời sống của dân trở nên khá hơn. Trong thời kỳ đổi mới, điều mà giới trẻ nghe và thấy là sự thay đổi, và đó là cái đã đi sâu vào tâm lý của thành phần này. Vào những năm 1980, sự quan tâm của dân là lo sao có đủ cơm gạo, nhưng bây giờ điều giới trẻ nghĩ tới là có được việc làm thích hợp, giàu có và xây nhà cửa. Nếu trước đây, người ta tập thể dục chỉ để giữ gìn sức khỏe thì bây giờ giới trẻ chơi thể hình và tập thể dục thẩm mỹ để có những thân hình hấp dẫn thích hợp với những kiểu áo quần mô-đen. Trước đây các bạn trẻ chỉ mặc đồ mới vào dịp tết nguyên đán thì bây giờ việc mua sắm và thay đổi trang phục có thể diễn ra bất cứ lúc nào miễn là trang phục đó vừa ý và hấp dẫn.

Người trẻ vẫn được thôi thúc sống trong sáng và lành mạnh theo tinh thần cách mạng giống như cha ông họ đi trước. Nhưng các bậc đàn anh ngày càng trở nên ít tin tưởng và lạc quan rằng thế hệ trẻ hiện nay có thể can đảm và quên mình như chính bản thân họ và học lấy gương và tinh thần sống của lớp cha anh họ. Thực tế cho thấy hình như các đấng bậc ông bà cha mẹ ta thường lấy làm thỏa mãn nếu họ có thể giữ cho con họ thoát khỏi những tệ nạn nghiêm trọng trong xã hội. Một bà mẹ có đứa con 16 tuổi đang cai nghiện ma túy chia sẻ: “Tôi chấp nhận con trai tôi uống rượu bia và hút thuốc lá, chỉ cần nó bỏ được ma túy”. Đó là một sự chọn lựa điều ít xấu hơn trước những điều xấu nhất. Tệ nạn ma túy tại Việt Nam đang là mối đe dọa trầm trọng sự ổn định của xã hội Việt Nam và đang cướp đi hạnh phúc của vô số gia đình và các bạn trẻ. TP.HCM hiện tại đang có trên 30.000 người nghiện tập trung trong 17 trung tâm, trường trại cai nghiện của nhà nước. Hà Nội có gần 20.000 người và cả nước Việt Nam đang có khoảng 150.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Dĩ nhiên con số thực tế sẽ cao hơn, đa số người nghiện là dưới 30 tuổi. Hình ảnh gợi lên cho chúng ta về một thứ tệ nạn ma túy tại Việt Nam không giống như thời trước: thay vì những hình ảnh người đàn ông nằm nhu nhược ôm chầm ống hút thuốc phiện, thì bây giờ là những thanh thiếu niên tụ tập ở những góc phố tối om, những quán café đèn mờ, những phòng karaoke cùng hút chích heroin còn đắt tiền và tạo cảm giác mạnh hơn những loại ma túy của thế hệ trước.

Những ca nhiễm HIV tiếp tục tăng cao và theo báo cáo của Bộ Y tế, 57% những trường hợp nhiễm là xuyên qua đường sử dụng chung cây kim tiêm khi chơi ma túy. Điều gây nên sự khủng hoảng là hiện giờ gần 60% những trường hợp nhiễm HIV là đối tượng 20-29 tuổi. Xu hướng này đang còn tiếp tục gia tăng. Theo ông Jordan Ryan, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, HIV đang lan tràn ở Việt Nam. Và ông cảnh báo rằng nếu Việt Nam không khắc phục vấn đề, cơn dịch này sẽ cướp đi tương lai tươi sáng và sự thành đạt mà nước Việt Nam đang hướng tới. Ông Ryan cũng cho rằng HIV sẽ bùng nổ ở Việt Nam nếu những người có nhiệm vụ rụt rè đối phó với vấn đề, và không đưa việc ngăn ngừa thành chính sách ưu tiên của quốc gia. Tại Việt Nam con số nhiễm HIV/AIDS được ước lượng là 169.730 người vào năm 2003, và sẽ tăng lên gần 200.000 đến năm 2005. Theo một thành viên của một nhóm làm công tác xã hội tại TP.HCM, 90% các ca của nhóm là những người 30 tuổi trở xuống. Khoảng 70% bệnh nhân là nam, phần nhiều là những người nghiện ma túy. Theo Bác sĩ Quang, bác sĩ tại khoa lạm dụng thuốc ở một bệnh viện trong thành phố, trong 300-400 bệnh nhân đến cắt cơn mỗi năm, khoảng 80% là dưới 30 tuổi, và trên 60% có kết quả dương tính khi xét nghiệm HIV.

Đối diện với những vấn đề nghiêm trọng như vậy các bậc cha mẹ ngày càng lo lắng và sợ hãi ma túy và HIV sẽ giết chết con mình. Nhiều người đổ lỗi cho môi trường xã hội không lành mạnh khiến con họ đi lạc hướng. Phim ảnh, sách báo, những trang web đồi trụy cũng được nhiều người nhắc đến như một ảnh hưởng tiêu cực đối với con em họ. Nhạc nước ngoài, cũng như thời trang, và lối sống phóng đãng Tây phương cũng được xem như những gì đang đưa đến những ảnh hưởng xấu cho giới trẻ trong nước. Mặc dù các bậc phụ huynh có thể xác định những ảnh hưởng tiêu cực đối với con em họ được xuất phát từ những tệ nạn trên, nhưng họ lại cảm thấy bất lực trong phương pháp kiểm soát những gì con cái họ xem và nghe. Khoảng cách tinh vi và lanh lợi về mặt khoa học và công nghệ thông tin giữa thế hệ già và trẻ ngày càng lớn. Nó biểu lộ rõ rệt ở lĩnh vực internet. Mặc dù khả năng sở hữu được một máy vi tính cá nhân vẫn chỉ thuộc về một số nhỏ người tiêu thụ, nhưng trong các thành phố thì không thiếu những dịch vụ internet với giá sử dụng chỉ 3.000-4.000 đ/g. Những người trẻ Việt Nam có thể truy cập được hầu như tất cả những gì mà mọi người trên thế giới đều có thể, ngay cả vô số trang web mang hình ảnh đồi trụy. Chúng ta chỉ cần kiểm soát một internet folder của một máy vi tính ở những dịch vụ internet thì có thể nhận thấy những gì giới trẻ đang download. Một số dịch vụ internet như để “câu khách” và chiều khách sắp xếp các máy vi tính với những bàn ngăn một cách thuận lợi cho khách truy cập những trang web tế nhị mà không cảm thấy bị hổ thẹn. Tuy nhiên, nếu trong một dãy máy vi tính mà mọi người khách đều có sở trường truy cập như nhau thì vấn đề đó trở thành không gì đáng e ngại.

Bởi vì việc truy cập internet ít khi diễn ra ở nhà, nên các bậc cha mẹ ít biết về những gì con cái mình đang tiếp thu. Có thể nói là đa số phụ huynh sẽ không mấy hài lòng khi họ biết được sự thật về vấn đề này. Đối với thế hệ lớn tuổi, họ cảm thấy bối rối trước những kỹ thuật thông tin đang được giới thiệu tới con em họ với tốc độ mà họ không thể tưởng tượng được. Ở một xã hội mà sự thay đổi không phải lúc nào cũng được ưa chuộng, đón nhận, thì sự thay đổi đang diễn ra quá nhanh và có phần ảnh hưởng không tốt đối với con em họ như vậy làm sao họ có thể chấp nhận được. Đó là một sự bức xúc và lưu tâm lớn của xã hội nói chung và đối với các bậc cha mẹ nói riêng.

Bên cạnh vấn đề sách báo, phim ảnh đồi trụy tìm cách xâm nhập giới trẻ Việt Nam, các bậc phụ huynh còn phải đương đầu với những hành vi phản kháng nơi giới trẻ như tệ nạn đua xe. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều xe gắn máy nhất. Với dân số lớn sống trong vùng đất hẹp, xe gắn máy là phương tiện đi lại thích hợp vì nó giúp đi nhanh mà không choán nhiều không gian. Ở thành phố, phương tiện đi lại được yêu thích nhất vẫn là bằng xe gắn máy vì đỡ bị kẹt xe khi lưu thông trên các con đường đông đúc và chật hẹp của thành phố. Tuy nhiên với chiếc xe gắn máy, khi chúng ta mang một não trạng lệch lạc thì nó không chỉ có thể trở thành một biểu tượng địa vị nhưng còn là một dụng cụ phản kháng rất nguy hiểm. Đây là một “đồ chơi” hoàn toàn thích hợp cho một phong cách liều lĩnh và sự khinh bỉ đối với giới chức trách. Mặc dầu ngành công an đã nỗ lực loại trừ tệ nạn đua xe, vấn đề vẫn xảy ra ở các thành phố. Trước SEA Games, những nhà chức trách đã tuyên bố rằng việc ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép là một phần của kế hoạch khôi phục an toàn giao thông trong thời gian diễn ra SEA Games. Nhưng trong các trận bóng đá giữa Indonesia và Việt Nam cũng như Malaysia và Việt Nam, hai trận cầu toàn thắng cho đội nhà, lập tức cảnh đua xe càng thêm rầm rộ và đông thêm như thể hiện một sự ăn mừng chiến thắng. Trong thời điểm này, cảnh sát giao thông ở các thành phố đã phải tịch thu hàng ngàn chiếc xe gắn máy và giữ cho đến sau tết nguyên đán vì đây là những thành phần đã lợi dụng cơ hội ăn mừng chiến thắng trên đường phố để gây nên rối loạn. Các bệnh viện cũng phải đối phó với hàng trăm ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Trong cuộc ăn mừng chiến thắng Indonesia 1-0, riêng Sài Gòn có trên 253 trường hợp cấp cứu, cao gấp 1,5 lần so với ngày thường. Sự náo nhiệt trong tinh thần bóng đá cộng với tính bốc đồng và cuồng nhiệt là đặc tính của giới trẻ. Chiếc xe máy là một trong những phương tiện trực tiếp tạo ra những nguy hiểm cực kỳ nghiêm trọng. Trong trận chung kết giữa Việt Nam với Thái Lan, mặc dầu nhiều người đã rất buồn vì đội nhà bại trận, nhưng họ đã tự an ủi rằng, chung cuộc như thế thì sẽ có ít người bị thương tật và bị mất mạng hơn trong những cuộc diễu hành bằng xe máy nếu đội nhà dành chiến thắng.

Tệ nạn đua xe xuất hiện tại Việt Nam cũng gia tăng theo sự gia tăng mức thu nhập của người dân. Và một số người trẻ không chỉ có xe gắn máy, họ còn có cả xe hơi đời mới với giá cả tỷ đồng. Tháng 5, 2003, bảy quý tử đã bị công an TP.HCM bắt vì đua xe hơi Nhật và Đức đời mới dọc đường Điện Biên Phủ vào đêm khuya. Biến cố này đã tạo ra nhiều dư luận trong cộng đồng. Nhiều người dân đã nêu lên ý kiến tịch thu những chiếc xe này để góp vào công quỹ cho người nghèo. Sau phiên tòa, tất cả các quý tử hưởng án tù treo ngoại trừ một đối tượng. Chỉ một anh chàng con nhà giàu, Trịnh Sâm Mậu, 17 tuổi phải chịu án phạt tù là 3 năm nhưng đến tháng 2, 2004, cũng đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM đổi thành tù treo. Vụ xét xử này khiến không ít người dân bất mãn vì họ cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam dường như đã bị mua chuộc bởi đồng tiền.

Hời hợt
Khi cuộc sống được gắn liền với xe gắn máy, áo quần, karaoke, café, và những nhu cầu thỏa mãn thân xác khác, thì những lý tưởng cao siêu khó chiếm một vị trí quan trọng trong lòng giới trẻ Việt Nam. Những vị lãnh đạo đất nước than phiền rằng người trẻ bây giờ không có tinh thần phấn đấu bảo tồn giá trị hòa bình như những bậc cha ông. Nhiều người, ngay cả các sinh viên đại học, không biết gì về các nhân vật anh hùng trong lịch sử Việt Nam; tên của họ được đặt cho những con đường người dân qua lại hằng ngày. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, so với giới trẻ ở những quốc gia khác thì các bạn trẻ ở nước ta vẫn còn quá thụ động và thiếu nhiệt huyết trước các vấn nạn trên thế giới. Năm ngoái khi nước Mỹ đang chuẩn bị giáng cánh tay quyền lực xuống Iraq, trước sự phản đối của hàng triệu người trên thế giới, những sinh viên Việt Nam cũng quyết định xướng lên điệp khúc chống đối bằng cách tham gia những cuộc mít-tinh và biểu tình. Tuy nhiên, những sự kiện này không xuất phát từ sự chủ động của sinh viên khiến cho sự tham gia của họ mang tính cách như một “bài làm về nhà” mà nhà trường đưa ra. Ở Q. 1, khi người dân thành phố đang uống café trong những quán sành điệu, thì bên ngoài một lực lượng sinh viên đi trên vỉa hè “biểu tình” chống chiến tranh với một vài băng rôn yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc chiến tấn công Iraq. Đa số những sinh viên vẫn đang đeo balô sách vở, một số đi theo phía sau, trò chuyện, nô đùa như đang tham gia một cuộc vui. Cuộc biểu tình kêu gọi hòa bình chiều hôm đó phải nói là khó đạt được mục đích là thuyết phục Hoa Kỳ thay đổi chính sách của họ. Tinh thần và thái độ thể hiện lý tưởng hòa bình mà những người trẻ Việt Nam biểu lộ xem có vẻ không mặn mà lắm, khác với hình ảnh giới trẻ ở những nơi khác đang gào thét hết mình để thể hiện tiếng nói của mình đối với Hoa Kỳ được chứng kiến trên các truyền thông đại chúng.

Hỗn loạn có trật tự
Sau khi trình bày không ít những vấn đề tiêu cực liên quan đến giới trẻ, câu hỏi đặt ra ở đây cho chúng ta là: Có phải tình trạng giới trẻ Việt Nam thật sự xuống cấp như diễn tả trên chăng? Theo chúng tôi, nhận xét như vậy chưa đầy đủ; vì chúng tôi cho rằng, phía sau những tiêu cực chứng kiến nơi giới trẻ là một đường hướng có nhiều điểm có thể nói là thiết thực, thậm chí tích cực và "khéo léo". Tuy nhiên, đó là một đường hướng chưa hoàn toàn được người ngoài cuộc nhận ra, hưởng ứng, và "điều chỉnh". Sự thiếu thông cảm và nhạy cảm đối với ưu tư và đường hướng của họ là một phần nguyên do gây ra một số vấn đề không lành mạnh cho giới trẻ ngày nay.

Nếu quan sát kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ thấy hiện tại điều mà giới trẻ Việt Nam đang lấy làm mục tiêu của mình là giải quyết những mặc cảm thấp kém hơn giới trẻ ở những quốc gia phát triển, đặc biệt là cạnh tranh với giới trẻ ở những quốc gia Châu Á. Ngày nay, mối lo toan đất nước bị các quốc gia khác đô hộ không còn là một yếu tố quan trọng như trước đây. Nếu giới trẻ của những thế hệ thời chống Pháp, chống Mỹ quan tâm đặc biệt đến sự thấp kém trong lĩnh vực chính trị, thì ngày nay giới trẻ Việt Nam lại quan tâm đến những mặc cảm về xã hội và kinh tế. Một số bạn trẻ, do có tầm nhìn hẹp hòi, biểu lộ lòng mong muốn loại bỏ mặc cảm thấp kém bằng cách đòi hỏi có được những chiếc điện thoại di động mắc tiền, hay những cuộc chơi xa xỉ ở các bar và vũ trường: dân nước ngoài chơi tới đâu, mình chơi tới đấy. Tuy nhiên, đối với những bạn trẻ tri thức và có cái nhìn xa hơn thì thể hiện điều này là qua học vấn, công việc, và nỗ lực tiếp thu khoa học và kỹ thuật. Không có bằng chứng gì thuyết phục cho thấy người trẻ Việt Nam đang ưu tư và tham vọng có những thay đổi về cơ cấu chính trị như thời đất nước bị đô hộ hay là bị chia đôi. Họ chỉ mong muốn Đảng và Nhà nước cải tiến, tìm cách dẫn đất nước thoát ra khỏi cảnh nghèo khó quê mùa; loại bỏ những cái nhìn dèm pha và khinh bỉ của những người nước ngoài nhìn vào đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí giới trẻ có thể bỏ qua những sai phạm lớn của giới lãnh đạo, ví dụ tệ nạn tham ô, nếu những cải thiện khác được thi hành để tạo ra một đời sống tươi sáng và hiện đại hơn cho bản thân họ. Trước đây, những người trẻ tham gia cách mạng sẵn sàng hy sinh mạng sống, của cải để giành được độc lập cho đất nước. Nhưng giới trẻ tại Việt Nam hiện nay lại không quan điểm như vậy; điều mà họ không muốn chấp nhận chính là cái cảnh nghèo nàn.

Sự bất cần hoặc vô cảm mà nhiều người gán cho giới trẻ đô thị Việt Nam là thiếu sự nhìn nhận khách quan và người nhận xét cũng chưa nhìn được từ góc độ của chính những người trẻ. Có nhiều người cho rằng giới trẻ Việt Nam không có nghị lực; đó là vì họ chưa nhận ra cách giới trẻ Việt Nam đang thể hiện nghị lực của mình. Ngược lại, có thể nói nghị lực là tài nguyên lớn nhất mà giới trẻ Việt Nam đang có; và họ đang dồn vào để giải quyết vấn đề mặc cảm nêu trên. Điều phải thừa nhận là nghị lực của họ chưa được tận dụng cũng như chuyển vào những việc bổ ích và hợp lý. Đó là do thiếu kinh nghiệm (chuyện đương nhiên đối với tuổi trẻ) và thiếu sự hướng dẫn của thế hệ đi trước. Một số người khi nhìn thấy cảnh những người trẻ xuống đường ăn mừng cuồng nhiệt sau những trận bóng đá thành công của đội nhà cho đó là một điều buồn cười. Có lẽ nếu có một cái nhìn tổng quát về những giá trị cuộc sống thì việc biểu lộ niềm vui ồ ạt như vậy xem có vẻ quá đáng (đặc biệt là những trận bóng này chưa phải là trận chung kết). Nhưng dù sao đi nữa một chiến thắng trong một môn thể thao mà cả thế giới đều hâm mộ, cho dù chiến thắng đó không to lớn, thì đó là một trường hợp cụ thể mà giới trẻ Việt Nam khao khát có để chứng minh với những người trẻ nước ngoài, và có lẽ hơn hết là cho chính bản thân mình rằng thật sự mình đang tiến lên. Qua đội bóng quốc gia, gồm những cầu thủ U23, người trẻ Việt Nam hình như cảm thấy hình bóng mình được phản ảnh trong đó và sự thành đạt của đội bóng chính là sự thành đạt của bản thân họ để được ngang hàng với bạn bè năm châu.

Để đạt được sự bình đẳng với các lớp trẻ trên thế giới, giới trẻ Việt Nam buộc phải thoát khỏi một số kìm hãm mà thế hệ đi trước muốn áp đặt trên họ. Trong việc này, giới trẻ đang tận dụng tất cả những gì đời sống văn minh hiện đại cho phép. Ở đây chúng tôi đưa ra yếu tố âm nhạc như một nhịp cầu nối liền giới trẻ Việt Nam và các đồng bạn trên thế giới. Cách đây khoảng 10 năm, thị trường băng đĩa Việt Nam tràn ngập những phát hành của cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhưng từ những năm 1990 cho đến bây giờ do thêm sự dễ dãi của bộ văn hóa đối với lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc nên thị trường phát hành băng đĩa trở nên sôi nổi. Âm nhạc Việt Nam đã tiếp nhận nhịp điệu, âm thanh, và phong cách của nhạc pop, R&B, hip hop,… của nền nhạc thế giới. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm Việt Nam vẫn còn mang âm hưởng lãng mạn nên thơ trong ca từ, mặc dầu mức độ đó đã giảm khá nhiều so với những tác phẩm trước đây.

Âm nhạc là ngôn ngữ chung của giới trẻ, và luôn gắn liền với nó là những lĩnh vực thời trang và giải trí. Trong một cuộc họp giữa các ca sĩ, thành phần trong giới âm nhạc, Bộ Văn hóa-Thông tin đầu năm 2004, một lãnh vực được đề cập tới rất nhiều là phong cách ăn mặc của các ca sĩ khi trình diễn trên sân khấu. Những phàn nàn về sự hở hang, thiếu tôn trọng khán giả, thiếu thuần phong mỹ tục, v.v. tuy được các ca sĩ đồng cảm, vẫn có một sự thanh minh như ca sĩ Đoan Trang cho rằng: “Ca sĩ muốn sự phong phú, đa dạng trong phong cách, nhất là khi hát những ca khúc ngoại phải mặc cho phù hợp”. Chính vì nhu cầu của giới trẻ Việt Nam phong phú và đa dạng nên sớm bị hấp thụ bởi những phong cách mới của nền nghệ thuật ca nhạc và thời trang giới trẻ thế giới.

Tại Hà Nội, nhạc rock đã trở nên thịnh hành trong những năm gần đây và những cuộc trình diễn của những band The Light, Bức Tường, Gạt Tàn Đầy ngày càng thành công và chiếm được sự ngưỡng mộ của một số bạn trẻ cảm thấy chán chường với những bài hát pop trên thị trường hay những bản nhạc được xem là “mì ăn liền”. Chỉ trong hai tháng từ 26 tháng 8, năm 2003 vừa qua khi band The Light giới thiệu CD đầu tay của mình sau 10 năm xuất hiện, đã có năm chương trình khác tại thành phố thủ đô. Chưa bao giờ giới trẻ Hà Nội được nghe nhiều nhạc rock như bây giờ. Đ.V. Tuấn, một sinh viên ở TP.HCM cho hay, “Khi mình nghe nhạc rock, mình luôn cảm thấy vui. Không cần biết là ý nghĩa bản nhạc ấy đang nói về những gì”.

Giới trẻ Việt Nam không bị hạn chế chỉ nghe nhạc Việt. Nhạc nước ngoài đã chiếm một vị trí quan trọng trong giới hâm mộ âm nhạc tại Việt Nam. Và chính sự quen thuộc của giới trẻ Việt Nam với các ca sĩ quốc tế làm cho khoảng cách giữa họ và đồng bạn ở nước ngoài càng thu hẹp lại. Trong những năm gần đây, nhạc, phim ảnh, và thời trang Hàn Quốc, Trung Quốc đã ảnh hưởng và làm thay đổi rất nhiều điều nơi giới trẻ Việt Nam. Cụ thể là như ăn mặc, dày dép, tóc tai… Âm nhạc trở nên môt phương tiện giải trí thịnh hành và hấp dẫn nhất đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nhu cầu đáp ứng âm nhạc cho giới trẻ Viêt Nam cũng rất đơn giản là chỉ cần 8.000 đồng, người trẻ Việt Nam có thể mua album mới nhất với bất cứ ca khúc của bất kỳ ca sĩ nào mà mình thích trong cũng như ngoài nước. Và một lúc các bạn trẻ có thể chia sẻ những cảm xúc của mình với nhau qua các bài hát ấy, và họ có cảm giác gần nhau hơn và mối quan hệ giữa các thành phần giới trẻ có vẻ bình đẳng hơn.

Lòng mong muốn được ngang bằng giữa giới trẻ Việt Nam và giới trẻ nước ngoài thường xuyên được báo Tuổi Trẻ hưởng ứng qua những bài viết về những học sinh sinh viên đạt được thành tích tốt trong những cuộc thi trong nước và quốc tế. Đây là một sự hãnh diện vì giới trẻ Việt Nam có thể sánh vai với giới trẻ từ những quốc gia khác trên thế giới. Những du học sinh gốc Việt đạt được những thành tích đáng kể đều được đưa lên báo như một tin vui cho toàn dân cùng biết. Một đề tài khác mà báo Tuổi Trẻ thường xuyên khai thác là những người trẻ thành đạt trong các lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật, nghệ thuật,... Trong số ngày 2.5.2004, TTCN đưa ra lý do tại sao đăng những bài về những người trẻ trong báo: "Nếu bạn muốn hiểu những sức mạnh nào đang làm nên bước phát triển của thành phố, xin bạn hãy làm quen với những nhân vật trẻ mà chúng tôi giới thiệu trên những trang báo này…Sự phát triển của xã hội luôn cho thấy: một nhóm người nào đó trong xã hội, bằng hoài bão lớn, tri thức của mình cùng sự quyết tâm thực hiện hoài bão ấy có thể tác động mạnh mẽ trên đông đảo người khác, làm nên động lực lôi cuốn, thúc đẩy mọi người" (tr. 20).

Những bài báo như được đăng trong Tuổi Trẻ không hẳn là những chiếc kim mò dưới đáy biển mang lên để tạo ra một chân dung thiếu xác thực về giới trẻ Việt Nam. Ở các đô thị người trẻ đang thể hiện nghị lực của mình bằng cách đầu tư khá nhiều thời giờ cho việc học, đặc biệt là ngoại ngữ với hy vọng sẽ tìm được một vị trí tốt khi phải cạnh tranh trên thị trường việc làm. Việt Nam có trên một triệu người bước vào “chiến trường” làm việc mỗi năm và sự cạnh tranh dành được vị trí tốt nhất ngày càng trở nên căng thẳng. Hiện tượng trong những năm gần đây các trung tâm ngoại ngữ lớn bé đua nhau mọc lên như nấm tại các thành phố không phải là điều ngẫu nhiên. Ngoài việc học hành ở trường đại học, nhiều sinh viên Việt Nam còn đăng ký học ngoại ngữ ở các trung tâm để trau dồi kiến thức nhằm vượt qua những bài thi như TOEFL để có thể ra nước ngoài du học.

Điều đáng tiếc ở đây là lòng mong muốn thăng tiến của giới trẻ Việt Nam trong việc học ngoại ngữ cũng như chương trình phổ thông và đại học không được đáp ứng với những chương trình giáo dục có hiệu lực. Sự vụng về của ngành giáo dục từ lâu đã là một vấn đề bức xúc đối với dân. Báo chí đã liên tục đăng những bài tin tức và bình luận về hàng loạt thiếu sót về sách giáo khoa, phương pháp dạy, các trường chạy theo thành tích và hy sinh chất lượng, sự lộn xộn trong việc tuyển sinh đại học, v.v. Mặc dầu những học sinh cấp 1 đã bắt đầu phải “ôn thi” sau những giờ học ở trường, việc tiếp thu và hiểu biết rất khiêm tốn. Đa số học vẹt để trả bài chứ không lưu trữ được gì sau khi thi xong, và dĩ nhiên là các học sinh cũng không được dạy cách hòa hợp những gì mình đã học để đưa ứng dụng và phân tích các vấn đề liên quan.

Điều nhức nhối ở đây không phải là giới trẻ Việt Nam không muốn học mà là chất lượng dạy và điều kiện học của học sinh, sinh viên còn quá thấp. Mặc dầu có một số bị áp lực bởi cha mẹ phải đi học thêm, nhưng nhìn chung thì người trẻ Việt Nam đang chịu khó hy sinh để chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.Tuy nhiên, nhược điểm là thời giờ mà học sinh Việt Nam phải trải qua trên ghế nhà trường và các trung tâm đang bị lãng phí bởi những phương pháp học kém chất lượng, cộng thêm sự thiếu thốn những dụng cụ học vấn. Đối với những người trẻ bất cần trước việc học, những người có trách nhiệm phải đặt câu hỏi là liệu phương pháp giảng dạy và điều kiện học hành cho các học sinh, sinh viên của ngành giáo dục có tạo ra sự bất cần và chán nản này không?

Giới trẻ Việt Nam nói chung, và giới trẻ đô thị nói riêng không thiếu nghị lực. Nhưng rất nhiều người trong số họ thiếu điều kiện. Ngay tại các thành phố lớn, không phải người trẻ nào cũng có điều kiện đi học, dù trường có chất lượng thế nào đi nữa. Giới trẻ Việt Nam ở các đô thị như TP.HCM hay Hà Nội, nói một cách chính xác là giống như một cái “lẩu thập cẩm” vì có nhiều người sinh ra và lớn lên ở các thành phố; nhưng không ít người thuộc thành phần “tạm trú”. Tuy nhiên, nhiều người “tạm trú” này định cư với thời gian không xác định, và đến lượt con cái của những người này cũng không có hộ khẩu. Khi nói về đời sống đô thị, chúng ta không thể không đề cập tới hiện tượng di dân từ những vùng nông thôn đến các thành phố, trong đó có rất nhiều người trẻ, với hy vọng tìm kiếm việc làm và tạo ra đời sống sung túc hơn cho bản thân và cho gia đình. Tuy với một dân số khoảng 8 triệu người, TP.HCM lại trở nên khá “hoang vu” trong những ngày tết, khi những người gốc gác ở Sài Gòn có cơ hội để “chiếm” lại thành phố của mình trong khi những dân tạm trú về quê ăn tết. Năm ngoái, trước tết ba ngày, tôi lên tàu đi từ Nha Trang vào Sài Gòn và đã ngạc nhiên khi thấy rằng nguyên một toa tàu chỉ có một mình tôi là khách. Trưa hôm đó không ai đưa thức ăn đến cho tôi vì nhân viên tưởng rằng không có ai ở đó. Nhưng khi tàu cập ga Sài Gòn thì sự hỗn loạn đập vào mắt tôi với hàng ngàn người đang chuẩn bị “đi ra”. Hiện tượng này đã xảy ra không biết bao nhiêu năm. Trước tết thì người ta đi ra, sau tết thì người ta đi vào.

Những người trẻ từ các vùng nông thôn vào thành thị chiếm phần khá lớn trong giới trẻ đô thị. Bởi vì các trường đại học, cao đẳng tập trung ở các thành phố, những học sinh cấp III thi đại học đậu và chuyển đến thành phố để học. Khi tốt nghiệp, đa số ở lại hoặc chuyển qua một thành phố khác và kiếm cho mình một ngành nghề thích hợp để “thoát khỏi đời sống nông thôn” chật vật chân lấm tay bùn như cha mẹ mình. Những người trẻ với học vấn tốt, một chút may mắn, hoặc một chút lanh lẹ, có thể xây dựng một đời sống đáng kể hoặc kha khá và có thể hỗ trợ cho gia đình ở quê. Một số khác có thể được xem như là thành công. Nhưng trên thực tế, đa số những người di cư chỉ đủ sống qua ngày. Nghị lực của họ chỉ biết dồn vào công việc ở các cơ sở xí nghiệp, nhà hàng, café, quán bar và các dịch vụ phục vụ dân chúng; những nơi này thường mướn nhân viên là người di cư vì đây là một nguồn nhân lực lao động rẻ và chăm chỉ.

Nhưng không phải ai vào đô thị cũng có thể tìm được công việc ổn định cụ thể ở những xưởng may, xưởng giày hay một xí nghiệp nào đó. Nhiều người phải chấp nhận những công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi thân. Không phải người trẻ thành phố nào cũng có thể chạy trên những chiếc xe Honda trị giá 7.000 đô-la thong thả đi uống café ở những quán sang trọng; rất nhiều người trẻ ở đây phải đạp hoặc đẩy một chiếc xe bán trái cây, hoa quả, rau đậu … suốt ngày để kiếm một chút lời không đáng là bao để kiếm sống. So với những người trẻ Sài Gòn đăng ký học ngoại ngữ ở các trung tâm thì còn có quá nhiều bạn trẻ thất học phải bươn ba trên những đường phố hàng chục cây số mỗi ngày để bán những tấm vé số, những tờ báo, những đồ lưu niệm, hoặc những thức ăn. Mỗi tối, TP.HCM có vô số những thanh niên, hầu hết xuất phát từ các tỉnh miền Bắc, đạp xe 30 tới 40 km để đấm bóp cho những người mỏi mệt ở thành phố này. Một đêm làm việc khá vất vả từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng có thể mang lại 40.000 đồng, tuy nhiên cũng lệ thuộc vào yếu tố thời tiết và không may mắn nếu đi ngang qua một đám dân nghiện sẵn sàng gây hại để cướp tiền.

Bức tranh vẽ về giới trẻ đô thị bị phức tạp hóa bởi sự hiện diện của những thành phần nhập cư và chọn thành phố làm nơi sinh sống. Mỗi trường hợp nhập cư là một câu chuyện về kinh tế bi đát, về sự cố gắng vươn lên khỏi cảnh nghèo nàn của bản thân và gia đình, và về sự bấp bênh không biết mình sẽ bao giờ đạt được điều mơ ước. Một điều chúng tôi nhận xét: đây là một cách thể hiện nghị lực rất đáng khâm phục, và phần nào nói lên tinh thần của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Sự hiện diện của những người trẻ từ nông thôn và những câu chuyện của họ đa dạng hóa tính chất giới trẻ đô thị; vì vậy, chúng ta khó có thể đưa ra một đánh giá nào bao quát mà không gặp phải vấn đề "vơ đũa cả nắm". Chúng ta không thể loại trừ họ ra khỏi bức tranh của chúng ta về giới trẻ đô thị, vì họ là một thành phần dính liền với nếp sống và sức sống của thành phố. Dù tốt hay xấu, các thành phố Việt Nam mang tính chất đặc biệt của nó vì sự hiện diện của những người bán rong, những cô gái xuất phát từ những đồng ruộng vào thành phố phải môi son má phấn với những chiếc áo đầm ngắn ngủn để phục vụ ở những quán café, và những người trẻ rảo quanh phố bán hủ tiếu gõ,… Chúng ta không thể phủ nhận sức sống của thành phố được tạo ra và làm nổi bật rất nhiều bởi những người đã tìm đến và dừng chân ở đây.
Khi quan sát theo lối thực nghiệm về giới trẻ Việt Nam nói chung và ở các đô thị nói riêng, điều chúng ta nhận ra là thành phần dân số này đã công thức hóa một số ưu tiên thích hợp với lối suy nghĩ của họ. Chúng ta không nên quá ngạc nhiên là những giá trị và ưu tiên này không hoàn toàn giống như những điều mà các thế hệ trước đã đặt ra cho họ. Ngược lại, chúng ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên hơn nếu những điều giới trẻ ngày nay ưu tiên lại không khác những gì của thế hệ trước. Vì hình như chuyện đương nhiên là người đi trước luôn luôn phàn nàn về đường hướng lệch lạc của người đi sau.
Nhưng ở một vài góc độ, giới trẻ Việt Nam đang thực hiện nhiều điều để thỏa mãn những người phê bình mà ngay cả họ cũng không nhận ra. Đối với thành phần lãnh đạo đã không đáp ứng được những nhu cầu của giới trẻ về ngành giáo dục, tổ chức xã hội, tạo công ăn việc làm, đời sống đạo đức, đời sống tinh thần… Họ nên cảm nhận được rằng giới trẻ bây giờ đang mang tinh thần "thông cảm" khá cao. Hình như họ sẵn sàng bỏ qua nhiều thiếu sót của những người có trách nhiệm và tiếp tục công việc của mình với phương cách gây ra ít phiền hà nhất cho bản thân. Đây là thời gian mà giới trẻ thấy cần thiết tập trung vào việc hấp thụ kiến thức mới một cách nhanh chóng, lấy kỹ thuật thông tin làm phương tiện gắn liền với thế giới, và lấy âm nhạc, thời trang, và những "cái trẻ" khác làm nền tảng chung để đối thoại với những người trẻ ở những nơi khác. Họ đang xây dựng cho chính mình một xã hội công dân cách tinh vi phù hợp với thời đại. Thật vậy, kinh nghiệm của các lớp đi trước và kiến thức thực tế đã giúp cho giới trẻ Việt Nam chọn con đường và phương cách hữu hiệu và hợp lý với bối cảnh xã hội.

Con nhà Tông…
Còn vấn đề ý thức đạo đức của giới trẻ Việt Nam thì sao? Đó là một câu hỏi được đặt ra qua mọi thời đại. Tất cả các thế hệ giới trẻ đều bị thế hệ đi trước chỉ trích vì chạy theo con đường suy đồi. Rồi cũng sẽ đến phiên thế hệ giới trẻ bây giờ lớn lên và đặt vấn đề đó cho những đàn em đi sau. Đây không phải phủ nhận có những vấn đề xã hội và luân lý rất nghiêm trọng đối với giới trẻ bây giờ mà không xảy ra những thời kỳ trước, ví dụ như giới trẻ Việt Nam ngày càng phá thai nhiều hơn, sự quan hệ tình dục ở lớp vị thành niên ngày càng tăng, v.v. Nhưng đây là câu hỏi mà chúng ta không chỉ đặt ra cho giới trẻ mà thôi, nhưng còn quan trọng hơn nữa là thế hệ đi trước phải đặt câu hỏi đó ra cho chính mình để xem mình đã đảm trách công việc làm gương, hướng dẫn, giáo dục, đối thoại với giới trẻ như thế nào. Thế hệ đi trước là thế hệ có trách nhiệm xây dựng những “đường kênh” mà giới trẻ có thể biến chuyển nghị lực của mình trở thành những hành động lành mạnh và bổ ích. Những đường kênh đó phải được thiết kế nhằm mục đích giúp giới trẻ giải quyết những ưu tư của họ một cách thiết thực, cùng một lúc hướng họ về tương lai của đất nước và dân tộc. Nếu không có sự hợp tác và thông cảm giữa hai thế hệ già trẻ thì nằm ở giữa luôn là một vực sâu khó băng qua được.

Trong một cuộc phỏng vấn cuối năm Quý mùi, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố rằng: “Trong nỗ lực phấn đấu chúng tôi đặc biệt kỳ vọng vào lớp trẻ mà ý chí và tài năng đã bộc lộ qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là qua quá trình đổi mới mà gần đây là kỳ tích SEA Games. Tôi mong rằng tuổi trẻ Việt Nam xứng đáng với kỳ vọng của dân tộc…” Dĩ nhiên khả năng giới trẻ Việt Nam có đáp ứng được sự mong mỏi của toàn dân tộc hay không cũng lệ thuộc vào sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm đối với thế hệ đi sau.

Cuối cùng thì giới trẻ, dù ở Việt Nam hay ở Châu Âu, sẽ làm những gì “thuộc về giới trẻ”, thường thì dưới ánh mắt thiếu thông cảm và thiếu tán thành của những người ngoài cuộc. Nhưng nếu họ hiểu được ưu tư của người trẻ Việt Nam bây giờ và sẵn sàng tạo ra những lối đi tích cực và có sự hướng dẫn thật sự mà không kèm theo xét đoán nghi kỵ, có lẽ lớp đi trước và lớp đi sau sẽ có thể gặp nhau ở giữa con đường và có thể dễ dàng cảm thông với nhau.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Tuổi Trẻ (Các số trong năm 2003-2004), Phát hành của Cơ Quan của Đoàn TNCS HCM, TP.HCM.
2. Tuổi Trẻ Chủ Nhật (Những số trong năm 2003-2004), Tạp Chí
cuối tuần của Cơ Quan Của Đoàn TNCS HCM, TP.HCM.
3. Công An Thành Phố (Những số trong năm 2003-2004), Phát hành
của Cơ Quan Công An Nhân Dân TP.HCM.
4. TTX AFP. 3.11.2003.
5. Nhân Dân. Phát hành của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Số 3.2.2003.
6. TTX Reuters. 18.2.1998.
7. San Jose Mercury. 6.2.2000

No comments:

Post a Comment