Sunday, July 24, 2011

Xây dựng một cộng đoàn yêu thương




Tôi nhớ ở nhiều nơi trên thế giới những năm đầu tiên khi cơn dịch HIV trở nên lan tràn mọi người từ trong chính phủ cho đến các tổ chức xã hội bổng hoảng sợ. Họ đề ra nhiều chiến dịch để chống lại sự lan tràn của căn bệnh ghê tởm này. Mọi người được tuyên truyền rằng HIV là một căn bệnh vô phương chữa trị, mắc bệnh này coi như là toi đời. Những đối tượng bị nhiễm HIV đều là các thành phần thiếu đạo đức trong xã hội như là những người nghiện ma túy, mãi dâm, đồng tình luyến ái, và những người ăn chơi trác táng. Việc tuyên truyền tạo nên một ấn tượng rằng HIV là một cái gì đó mà mọi người phải sợ hãi và một cách gián tiếp nào đó, người bị nhiễm HIV cũng rất đáng sợ. Vì thế dân chúng trở nên mang thái độ không chỉ sợ con virut HIV mà còn sợ cả người bị nhiễm nữa dẫn đến việc nhiều người bị nhiễm HIV phải chịu bị gia đình ruồng bỏ và cộng đồng xa lánh.
Những thành kiến tiêu cực về HIV/AIDS vẫn còn tồn tại trên nhiều quốc gia, ở Thái Lan cũng không khác gì. Những ấn tượng cũ vẫn còn đọng lại trong trí thức của người dân, vì thế những bệnh nhân HIV/AIDS tiếp tục bị người khác ghê sợ và tránh né. Gần đây, Jô một bệnh nhân trong Trung tâm HIV/AIDS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên cạnh nhà thờ chia sẻ với tôi rằng, tuần qua khi nằm bệnh viện, không có bệnh nhân nào trong phòng dám đến lại gần anh ta. Không chỉ thế mà mỗi khi có một bệnh nhân mới vào thì các bệnh nhân khác liền nói cho họ biết về Jô để họ biết mà cảnh giác. “Suốt thời gian ở bệnh viện, tôi cảm thấy thật e ngại vào xấu hổ,” Jô nói.

Nhiều bệnh nhân khác trong trung tâm cũng đã từng trải qua kinh nghiệm như thế. Gần đây một bệnh nhân tên Chai sau khi rời trung tâm để về nhà đã phải quay lại vì ở nhà gia đình không cho ở trong nhà. Họ xây cho anh một cái chòi sơ xác ngoài đồng để cho anh sống một mình trong hoàn cảnh thiếu vệ sinh và cực khổ. Thuốc không được uống, và cái nạng để hỗ trợ cho anh đi lại họ cũng đã lấy đi. Có lẽ họ sợ rằng nếu anh có nạng thì sẽ có cách tìm vào nhà.
Nhiều bệnh nhân khác ở trung tâm một thời gian, thấy nhớ nhà xin về. Các nhân viên trong trung tâm khuyên bao nhiêu cũng không chịu ở lại. Nhưng vừa mới về một hai hôm thì thấy đã trở lại với trung tâm vì gia đình không chấp nhận cho ở lại.
Thực trạng về sự xua đuổi người bị nhiễm HIV/AIDS trong xã hội Thái Lan là động cơ khiến tôi tổ chức các sinh hoạt mục vụ với mục đích đưa những người lại gần với nhau để nối liền những khác biệt và hiểu lầm. Cũng biết rằng khi đối diện với một vấn đề, chúng ta phải trực tiếp nhìn vào nó để mổ xẻ một cách rõ rạng và đưa ra đường hướng khắc phục cụ thể. Vì thế vấn đề HIV/AIDS phải được đưa vào chương trình giáo dục trong các nhà trường. Dân chúng cần có kiến thức về HIV/AIDS và biết phòng chống bị lây nhiễm. Kinh nghiệm và câu chuyện của những người bị HIV/AIDS cũng nên được lắng nghe trong những buổi chia sẻ và hội thảo về vấn đề này.
Tuy vậy, tôi cũng nghĩ rằng nhiều khi chúng ta không cần phải giải quyết một vấn đề bằng cách cứ tập trung quá nhiều về nó. Người bị nhiễm HIV cũng cần có cơ hội sống một cuộc sống như những con người, sinh hoạt như bao nhiêu người khác, và tiếp xúc với nhau không phải dựa trên những kết quả xét nghiệm máu hoặc trên một cái nhãn mác nào đó, nhưng dựa trên tính chất con người.
Đó là nền tảng cho các sinh hoạt mà tôi tổ chức trong mục vụ truyền giáo của mình. Trong các sinh hoạt ở nhà thờ tôi, các bạn trẻ bị nhiễm HIV có cơ hội làm tình nguyện viên bên cạnh những bạn trẻ không bị nhiễm. Giáo dân trong cộng đồng đến nhà thờ tham dự lễ bên cạnh những bệnh nhân AIDS trong trung tâm. Trẻ em trong cộng đồng đến nhà thờ sinh hoạt và học hành chung với các em bị nhiễm HIV trong nhà trẻ mồ côi. Giới trẻ thường xuyên nấu thức ăn và ăn chung với nhau sau những giờ sinh hoạt hàng tuần. Một anh thanh niên thường làm đầu bếp chính mỗi ngày Chúa Nhật cho nhóm giới trẻ là một người bị nhiễm HIV.

Tâm điểm của từng sinh hoạt là việc thờ phượng, việc học hỏi, việc chia sẻ bữa ăn, v.v.. chứ không phải là con virut HIV. Các sinh hoạt tạo cơ hội cho mọi người thấy mình bình thường và có môi trường để phát huy chính mình tùy theo khả năng Chúa ban. Không phải chúng tôi che dấu về việc có người bị nhiễm HIV hoặc tránh né vấn đề. Ai đến nhà thờ hoặc đến tham gia các sinh hoạt đều biết thông tin về những người xung quanh mình. Tuy thế, họ vẫn đến vì họ chấp nhận nhau và họ thích thú với những sinh hoạt mà họ đang làm. Nhiều khi trong giờ sinh hoạt tôi lại nghe các bạn trẻ nhắc nhở nhau để uống thuốc cho đúng giờ. Nhiều lần tôi cũng thấy các bạn trẻ nói chuyện với những người lớn bị nhiễm HIV một cách cởi mở về căn bệnh mà họ đang có. Nói chuyện về HIV ở đây trở nên như một câu chuyện thường ngày mà không cần phải tránh né hoặc e ngại.

Điều này có thể ảnh hưởng cách tích cực đối với vấn đề HIV/AIDS không? Tôi nghĩ là có. Tôi tin rằng chỉ bằng cách chúng ta đến với nhau, việc đón nhận nhau sẽ xảy ra cả hai chiều. Những người bình thường sẽ nhận ra rằng họ không phải sợ hãi những người bị nhiễm. Ngược lại, những người bị nhiễm HIV cũng sẽ nhận ra rằng họ vẫn còn chỗ đứng trong xã hội và trong cộng đồng. Việc cảm thông cho những người bị nhiễm HIV/AIDS sẽ gia tăng lúc cộng đồng biết mở lòng đón nhận những người bị nhiễm và chính họ cũng sẽ không tự cô lập mình ra khỏi xã hội. Tôi tin rằng, trong vai trò là một linh mục truyền giáo, tôi phải là người tạo cơ hội cho sự gặp gỡ được diễn ra, rồi từ đó mang lại sự thông hiểu, cảm thông, và đón nhận lẫn nhau. Đó là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn.
Trong dịp ngày AIDS Thế giới vừa qua, giáo xứ tôi có tổ chức một buổi cầu nguyện thật cảm động có sự hiện diện của cả người bị nhiễm lẫn không bị nhiễm. Trong chương trình cầu nguyện, một bạn trẻ bị nhiễm HIV từ khi chào đời đã chia sẻ như sau: “Khi tôi còn nhỏ tôi cảm thấy rất sợ hãi đến nỗi không dám đi học. Tôi bị người ta xem như là một người bất thường. Tôi cảm thấy thấp hèn, thất vọng, không có lối thoát. Nhưng rồi tôi cũng đã gặp được cơ may khi Chúa đã thương tôi và cho người đến giúp tôi trong lúc tôi đang yếu đuối cả thân xác lẫn tâm hồn. Bây giờ tôi đã khỏe lại như người bình thường…Giờ đây đối với tôi, kể cả quá khứ và hiện tại, tôi là người bị nhiễm HIV. Nhưng điều tôi muốn thưa với quý vị là: Xin cho giới trẻ bị nhiễm HIV như tôi có cơ hội để lớn lên trong cộng đồng và xã hội như bao nhiêu người khác. Chúng tôi cũng muốn được làm những cây xanh tươi được vươn lên thật cao trong khu vườn của nhân loại.”
Để đáp lại lời chia sẻ của bạn trẻ bị nhiễm HIV này, một bạn khác không bị nhiễm đã phát biểu rằng: “Trước đây khi tôi chưa biết về căn bệnh HIV tôi cứ nghĩ rằng nó là điều rất đáng sợ. Nhưng sau khi đã được cơ hội gặp gỡ và sinh hoạt với các bạn suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Các bạn không chỉ có thân xác khỏe mạnh mà còn tinh thần khỏe mạnh nữa vì các bạn hằng ngày phải tiến bước trên con đường đầy chướng ngại vật. Các bạn làm được tất cả như bao nhiêu người khác để cống hiến cho xã hội và đất nước. Thỉnh thoảng các bạn sẽ nghĩ rằng đời sống này chẳng có giá trị gì cả vì các bạng gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng tôi xin các bạn đừng quên rằng còn có rất nhiều người luôn tôn trọng và quý mến các bạn. Tôi hứa sẽ luôn luôn đồng hành với các bạn để thêm nguồn trợ lực cho các bạn. Và tôi hứa sẽ luôn cầu nguyện cho các bạn.”
Để có được những lời chia sẻ chân tình này, tôi tin rằng, là kết quả của những lần mà chúng ta được gặp nhau và nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong nhau – một hình ảnh đầy yêu thương, cảm thông, và thương xót.

No comments: