Kính tặng các Tân Linh Mục Việt Nam trong
năm 2012
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chúa Giêsu lập Bí Tích Truyền Chức Thánh trong khi và
ngay khi Người lập Bí Tích Thánh Thể, do đó, thiên chức linh mục và Bí
Tích Thánh Thể không thể tách rời nhau, bất khả phân ly. Có thể nói, trên thực
tế, không có linh mục cũng không có Thánh Thể, vì không có tác nhân đủ năng
quyền để đọc lời truyền phép trên bánh và rượu nhờ đó biến
hai hình thể hợp lệ này thành Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Kitô.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc, không có Thánh Thể sẽ
không bao giờ có linh mục. Hay nói cách khác, hoặc nói ngược lại, chính vì
có Thánh Thể mới có linh mục, mới cần đến linh mục, và do đó linh mục
chỉ là phương tiện của Thánh Thể và cho Thánh Thể mà thôi. Đó là lý do cho
dù linh mục có tội lỗi đến đâu chăng nữa, có phạm đầy những tội
trọng đi nữa, lời truyền phép của các vị vẫn hiệu thành, vẫn có năng lực
biến bánh và rượu trở thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô.
Sau nữa, linh mục không phải chỉ đóng vai trò thừa tác, ở
chỗ "làm việc này mà nhớ đến Thày" (Lk 22:19), khi cử hành Thánh Thể
trên bàn thờ nói riêng hay lúc ban các phép Bí Tích Thánh nói chung, mà còn bao
gồm cả vai trò chứng nhân nữa. Ý nghĩa của câu "các con làm việc này mà
nhớ đến Thày" cũng bao gồm cả khía cạnh chứng nhân này nữa. Bởi vì, Chúa
Kitô Phục Sinh đã trao cho các tông đồ cả hai: năng quyền thừa
tác và sứ vụ chứng nhân.
Về năng quyền thừa tác khi Người thở hơi trên
các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho
ai thì người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại"
(Jn 20:22-23). Về sứ vụ chứng nhân bằng việc rao giảng và đời sống được
Người ghép mầu nhiệm Vượt Qua của Người với sứ vụ chứng nhân của các
vị như sau: "Như có lời chép Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và
sống lại từ trong kẻ chết vào ngày thứ ba. Nhân danh Người phải được rao giảng
cho tất cả mọi dân nước việc thống hối để được ơn tha thứ, bắt đầu từ
Giêrusalem. Các con là nhân chứng về những điều ấy" (Lk 24:46-48).
Nếu một Chúa Kitô Thánh Thể được long trọng cử hành trên
bàn thờ thế nào thì Người không thể nào lại bị Kitô hữu chúng ta là môn đệ
trung thực của Người nói chung và linh mục thừa tác của Người nói riêng bỏ rơi
ở đầu đường xó chợ, đói không được cho ăn, khát không được cho uống, trần
truồng không được cho mặc, tù đầy không được thăm viếng, khách lạ không được
đón tiếp v.v. Tiếc thay, trong cuộc chung thẩm, Chúa Kitô là Vị Thẩm Phán Tối
Cao không hỏi chúng ta có dâng lễ hằng ngày hay không, có bỏ lễ Chúa Nhật hay
chăng, mà chỉ hỏi chúng ta về lòng bác ái của chúng ta với Người nơi thành phần
anh em hèn mọn nhất của Người sống chung quanh chúng ta mà thôi.
Sau đây là cuộc phỏng vấn với một vị linh mục trẻ, Dòng
Ngôi Lời, ra trường ở Đại Học Berkeley California, từng là Huynh Trưởng trong
Phong Trào Thiếu Nhi Fatima TGP/LA ở
Cộng Đoàn Đức Mẹ Mân Côi Claremont Pomona, chịu chức mới được 6 năm, ngày
27/5/2006; nhưng trước khi chịu chức ngài đã xung phong đi sang Thái Lan để
phục vụ những người anh chị em ở đó bất hạnh bị hội chứng liệt kháng – AIDS, hay
nhiễm khuẩn liệt kháng - HIV, từ sau khi
chịu chức cho tới nay.
1- Cha đã được
Thiên Chúa tuyển chọn vào hàng tư tế thừa tác của Ngài từ ngày 27/5/2006, vậy,
trong 6 năm qua, cha cảm thấy đời linh mục của cha ra sao? Buồn vui thế nào?
Thưa anh
thật ra sáu năm trong đời sống linh mục cũng chưa phải là dài. Nhưng nó cũng đã
đủ để cho tôi cảm nhận được những nỗi vui những nỗi buồn của đời sống linh mục
truyền giáo. Khi nói đến nỗi vui thì tôi thấy mình rất may mắn khi được sống
một đời sống vừa phiêu lưu nhưng lại rất quân bình. Có nghĩa là được đi rất
nhiều nơi, được thử nghiệm rất nhiều điều mới lạ, được gặp gỡ rất nhiều người,
được trải nghiệm rất nhiều hoàn cảnh và tình huống trong cuộc sống, nhưng mình
không phải như là một anh chàng cowboy hoặc là một người cướp biển, nhưng là
một linh mục của Chúa. Nên mình luôn luôn có thể phiêu lưu mà lại không bao giờ
thái quá vì những phiêu lưu của mình không phải để đáp ứng những nhu cầu cá
nhân mà để thực hiện sứ mệnh rao giảng tin mừng được giao phó.
Tuy nhiên
trong cái phiêu lưu đó thì cũng có những khoảnh khắc buồn chóng qua. Đôi khi
nhìn lại đời sống của mình tôi cảm thấy tôi quen biết rất nhiều người và có mối
quan hệ thân thiết với nhiều người, đó là vì tôi phục vụ rất nhiều tầng lớp.
Nhưng rốt cuộc thì từ ngày tôi bước chân đến cánh đồng truyền giáo thì có thể
nói tôi chưa tìm thêm được một người bạn mới nào cả. Ở đây, tôi chỉ có những
mối quan hệ như cha xứ với giáo dân, anh em đồng nghiệp, thầy với trò, cha với
con, v.v. chứ tôi không có mối quan hệ bạn bè với ai hết. Có lẽ đó là một nỗi
buồn nho nhỏ trong đời sống truyền giáo của tôi.
2- Trước ngày được thụ phong linh mục, cha đã
tình nguyện sang Thái Lan để phục vụ anh chị em bị hội chứng hay liệt kháng –
AIDS, hay nhiễm khuẩn liệt kháng - HIV, xin cha cho
chúng con biết tổng quát về hoạt động mục vụ đặc biệt này của cha.
Vâng, thưa
anh, một trong những động cơ thúc đẩy tôi đến truyền giáo tại đất nước Thái Lan
này là vì tôi muốn phục vụ những anh chị em bị nhiễm HIV hoặc đã chuyển sang
giai đoạn AIDS. Ở đây tôi cộng tác với sư huynh truyền giáo Ngôi Lời là thầy
Damien Lunders và các seour dòng Mẹ Têrêxa để chăm sóc cho trẻ em mồ côi, giới
trẻ cũng như người lớn bị nhiễm HIV. Đối với cá nhân tôi thì tôi có một đường
hướng mục vụ đặc biệt trong vấn đề này là tôi không mấy nhấn mạnh tình trạng
sức khỏe thể lý của họ. Thiết nghĩ nhiều khi chúng ta không cần phải giải quyết
một vấn đề bằng cách cứ tập trung quá nhiều về nó. Người bị nhiễm HIV cũng cần
có cơ hội sống một cuộc sống như những con người, sinh hoạt như bao nhiêu người
khác, và tiếp xúc với nhau không phải dựa trên những kết quả xét nghiệm máu
hoặc trên một cái nhãn mác nào đó, nhưng dựa trên tính chất con người.
Đó là nền
tảng cho các sinh hoạt mà tôi tổ chức trong mục vụ truyền giáo của mình. Trong
các sinh hoạt ở nhà thờ tôi, các bạn trẻ bị nhiễm HIV có cơ hội phục vụ và làm
tình nguyện viên bên cạnh những bạn trẻ không bị nhiễm. Giáo dân trong cộng
đồng đến nhà thờ tham dự lễ bên cạnh những bệnh nhân AIDS trong trung tâm. Trẻ
em trong cộng đồng đến nhà thờ sinh hoạt và học hành chung với các em bị nhiễm
HIV trong nhà trẻ mồ côi. Giới trẻ thường xuyên nấu thức ăn và ăn chung với
nhau sau những giờ sinh hoạt hàng tuần. Một anh thanh niên thường làm đầu bếp
chính mỗi ngày Chúa Nhật cho nhóm giới trẻ là một người bị nhiễm HIV.
Tâm điểm
của từng sinh hoạt là việc thờ phượng, việc học hỏi, việc chia sẻ bữa ăn, v.v..
chứ không phải là con virut HIV. Các sinh hoạt tạo cơ hội cho mọi người thấy
mình bình thường và có môi trường để phát huy chính mình tùy theo khả năng Chúa
ban. Không phải chúng tôi che dấu về việc có người bị nhiễm HIV hoặc tránh né
vấn đề. Ai đến nhà thờ hoặc đến tham gia các sinh hoạt đều biết thông tin về những
người xung quanh mình. Tuy thế, họ vẫn đến vì họ chấp nhận nhau và họ thích thú
với những sinh hoạt mà họ đang làm. Nhiều khi trong giờ sinh hoạt tôi lại nghe
các bạn trẻ nhắc nhở nhau để uống thuốc cho đúng giờ. Nhiều lần tôi cũng thấy
các bạn trẻ nói chuyện với những người lớn bị nhiễm HIV một cách cởi mở về căn
bệnh mà họ đang có. Nói chuyện về HIV ở đây trở nên như một câu chuyện thường
ngày mà không cần phải tránh né hoặc e ngại.
Điều này có
thể ảnh hưởng cách tích cực đối với vấn đề HIV/AIDS không? Tôi nghĩ là có. Tôi
tin rằng chỉ bằng cách chúng ta đến với nhau, việc đón nhận nhau sẽ xảy ra cả
hai chiều. Những người bình thường sẽ nhận ra rằng họ không phải sợ hãi những
người bị nhiễm. Ngược lại, những người bị nhiễm HIV cũng sẽ nhận ra rằng họ vẫn
còn chỗ đứng trong xã hội và trong cộng đồng. Việc cảm thông cho những người bị
nhiễm HIV/AIDS sẽ gia tăng lúc cộng đồng biết mở lòng đón nhận những người bị
nhiễm và chính họ cũng sẽ không tự cô lập mình ra khỏi xã hội. Tôi tin rằng,
trong vai trò là một linh mục truyền giáo, tôi phải là người tạo cơ hội cho sự
gặp gỡ được diễn ra, rồi từ đó mang lại sự thông hiểu, cảm thông, và đón nhận
lẫn nhau. Đó là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn.
3- Về hoạt động mục vụ phục vụ anh chị em bị hội chứng hay liệt kháng – AIDS, hay nhiễm khuẩn liệt kháng - HIV này, cha có cảm thấy những khó khăn xẩy ra hay
chăng, liên quan đến vấn đề tiền bạc, lây nhiễm hay những gì khác chúng con
không ở trong cuộc không biết?
Thưa anh
tôi rất may mắn vì tôi không phải phụ trách những sinh hoạt đòi hỏi chi phí cao
vì những mảng đó đã có những người khác đảm trách. Chắc chắn vấn đề tài chánh
luôn luôn là những điều thách đố cho những vị ấy. Riêng tôi vì tôi phụ trách
khía cạnh tâm linh và tinh thần nên tôi chỉ tạo nên những chương trình và sinh
hoạt mà tôi cho là “mạng lại hiệu quả cao nhưng xử dụng tài chánh thấp”. Tôi
khá tiết kiệm trọng việc xử dụng ngân sách. Ví dụ như một bữa ăn trưa ngày Chúa
Nhật của nhóm giới trẻ (tuổi từ 15 đến 25), khoảng 30 người chỉ mất khoảng 12 USD.
Nhưng đó là một sinh hoạt rất bổ ích và vui vẻ.
4- Hoạt động mục vụ giúp anh chị em bị hội chứng hay liệt kháng – AIDS, hay nhiễm khuẩn liệt kháng - HIV này được cha tình nguyện dấn thân
phục vụ trước khi thụ phong linh mục dầu sao cũng là một hoạt động truyền giáo,
như việc truyền giáo của Mẹ Têrêsa Calcutta qua hoạt động phục
vụ bác ái anh chị em nghèo khổ nhất ở giữa thế giới Ấn Giáo xưa, cha có thấy
hoạt động phục vụ bác ái này của cha đánh động nhiều tâm hồn người Thái Lan vốn
sùng Phật giáo khiến họ xin muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo chăng?
Thưa anh,
công việc chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS luôn được những người xung quanh
thán phục. Tuy nhiên, nó không hẳn làm cho người ta bỏ đạo của mình mà theo đạo
Công giáo một cách dễ dàng. Nhưng một điều mà tôi nhận thấy là nó luôn luôn
thúc đẩy cho người ta cởi mở tâm hồn và bác ái hơn. Nhiều người khi biết ở đây
chăm sóc người bị nhiễm HIV thì đến đãi bữa ăn cho các em, hoặc cúng những áo
quần cũ, hoặc giày dép trong ngày đầu đi học, v.v. Có thể nói công việc của
mình cũng là một nhịp cầu đưa những mảnh đời lại gần nhau hơn và sống bác ái
với nhau hơn. Đó cũng là một chiều kích của công việc truyền giáo.
5- Ngoài hoạt động mục vụ cho anh chị em bị hội chứng hay liệt kháng – AIDS, hay nhiễm khuẩn liệt kháng - HIV, hình như cha còn một hoạt động truyền giáo khác
nữa, như chủ trương và thực hiện một chương trình phát thanh Công giáo từ mấy
năm nay phải không cha? Nếu đúng như vậy xin cha cho chúng con biết qua về
chương trình phát thanh này được không?
Vâng, thưa
anh theo sự khuyến khích của ĐGH Benedictô kêu gọi các linh mục tu sĩ phải biết
tận dụng kỹ thuật tân tiến của thời đại để rao giảng Tin Mừng, vì thế, tôi cũng
cố gắng làm những gì có thể được để phục vụ cho mục đích này. Thời gian
qua chúng tôi thực hiện chương trình radio phát thanh Công giáo mỗi ngày trên
đài radio địa phương. Chúng tôi thuê giờ mỗi ngày nhưng vì không đủ khả năng để
làm chương trình cho hàng ngày nên một số chương trình chúng tôi lấy từ Ủy ban
truyền thông của HĐGM Thái Lan, cắt nối lại cho phù hợp với địa phương rồi phát
thanh. Ngoài chương trình radio, chúng tôi cũng tận dụng những phương tiện khác
như trang nhà, mạng xã hội facebook và blog. Tôi là linh mục tư vấn thường trực
cho một diễn đàn Công giáo do một nhóm giáo dân Thái Lan dựng lên. Vì thế tôi
thường xuyên nhận những email xin tư vấn liên quan đến những vấn đề đức tin
cũng như đời sống đạo đức. Tôi cũng hay nhận được những câu hỏi như vậy thông
qua trang facebook cá nhân của mình. Đa số các câu hỏi đến từ thành phần các
bạn trẻ.
6- Sau hết, ở một xứ sở hầu hết là Phật giáo và
sùng Phật, cha thấy vấn đề truyền giáo của Giáo Hội (hoàn vũ và địa phương) ở
đây ra sao? Theo cha, phải làm sao để hoạt động truyền giáo của Giáo
Hội nói chung ở đây có thể phát triển, dễ dàng và gặt được một
vụ mùa phì nhiêu?
Thưa anh,
GH Công giáo ở Thái Lan rất nhỏ, chỉ chiếm một nửa của một phần trăm dân số.
Nhưng ngược lại, trường học Công giáo tại Thái Lan thì rất nổi tiếng và đa số
con cái của những người có chức quyền và tiền bạc đều học ở trường Công giáo.
Dĩ nhiên nhiều học sinh xuất thân từ các gia đình trung bình cũng đi học ở
trường Công giáo. Vì thế mỗi ngày, trường CG tiếp cận được với rất nhiều giới
trẻ Phật giáo trên khắp cả nước Thái. Nhưng theo nhận xét của tôi thì các hội
dòng và các giáo phận dường như chưa nỗ lực hết mình để khai thác phương tiện
này trong việc truyền giáo. Nhiều khi các trường học CG trở nên một nỗ lực kinh
doanh để có nguồn lợi tức hơn là để phục vụ cho mục tiêu truyền giáo. Một cảm
nhận cá nhân khác là nhiều người Công giáo tại Thái Lan, và một số thành phần
trong GH Công giáo tại Thái Lan còn tỏ ra rất bị động và nông cạn trong suy
nghĩ và cách thể hiện đức tin của mình. Vì thế không đủ sức mạnh để thuyết phục
người khác và không đủ thu hút để lôi cuốn người khác theo mình. Mình lại bị họ
thu hút nữa là đàng khác. Người Công giáo tại Thái Lan chỉ có thể truyền giáo
được khi đức tin của họ có chiều sâu và họ dám sống đức tin một cách mạnh dạn
và hăng say hơn. Nhưng có lẽ đó không phải chỉ là vấn đề của người CG Thái Lan,
nhưng mà là vấn đề của người CG ở khắp mọi nơi.
No comments:
Post a Comment