Khi nói đến đời
sống của một nhà truyền giáo thì ai cũng nghĩ tới những công việc ở những nơi
xa xôi, nghèo khó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh lớn lao để thực hiện sứ mạng
được giao phó. Có lẽ trong những bài viết trong cuốn đặc san này chúng ta cũng sẽ
được đọc nhiều về những kinh nghiệm của các nhà truyền giáo Ngôi Lời đang phục
vụ khắp nơi trên thế giới. Trong những số trước tôi cũng đã từng viết về những
trải nghiệm của mình tại đất nước chùa vàng Thái Lan, nơi tôi đã đến truyền
giáo từ năm 2007 cho đến nay.
Nhưng trong
bài chia sẻ này tôi sẽ không viết về kinh nghiệm truyền giáo mà tôi sẽ chia sẻ
về thời gian “không truyền giáo” đó là cái thời gian nghỉ ngơi xảy ra ba năm một
lần còn được gọi là “home leave.” Cứ mỗi khoảng ba năm, có thể hơn nhưng ít khi
trước, thì một nhà truyền giáo Ngôi Lời đang phục vụ ở nước ngoài được phép về
thăm gia đình. Nghe nói ba năm thì có vẻ dài thật, nhưng có hội dòng còn lâu
hơn thế nữa mới được về quê. Âu là cũng vì tinh thần dấn thân theo Chúa phục vụ
quên mình thì phải hy sinh nhiều điều quan trọng trong đời sống, ngay cả gia
đình và người thân, mới có thể thực hiện cái lý tưởng trong ơn gọi của mình.
Trường hợp của
tôi là tôi vừa có một kỳ nghỉ dài ba tháng theo luật của Hội dòng, đúng vừa lúc
tôi kết thúc nhiệm kỳ mục vụ của mình tại nhà thờ Thánh Micae tại tỉnh Nong Bua
Lamphu miền đông bắc Thái Lan, là điểm truyền giáo đầu tiên của dòng Ngôi Lời tại
quốc gia này. Vì đã xong nhiệm kỳ, mọi việc đều được bàn giao lại cho giáo phận
và hội dòng nên tôi được đi nghỉ trong tâm trạng thảnh thơi, không phải suy
nghĩ về những việc đang chờ đợi mình sau khi trở lại giáo xứ từ một kỳ nghỉ dài
như thế. Và tôi đã tận dụng thời gian ba tháng của mình không thiếu một ngày
nào. Không phải các nhà truyền giáo ai cũng có thể làm được điều đó khi có kỳ
nghỉ. Có người vì công việc quá chồng chất nên chỉ sắp xếp được thời gian một
hai tháng cho dù hội dòng cho phép đi tới ba tháng.
Kỳ nghi của
tôi lần này rơi vào một thời điểm thật thuận tiện như đã nói trên. Còn may mắn
hơn nữa là trùng hợp với dịp Tết Nguyên Đán nên tôi đã có được một cái Tết thật
đầm ấm và hạnh phúc bên cạnh cha mẹ, các anh chị, và các cháu. Vài ngày trước Tết,
khi tôi nhìn mẹ tôi trang trí nhà bằng những chậu hoa lan và cành hoa đào mới tậu
về từ chợ hoa trước thương xá Phước Lộc Thọ thì tôi mới sực nhớ đây là cái Tết
đầu tiên mình được ăn với gia đình trong 19 năm qua. Hóa ra là thời gian 18 năm
trước đây, nào là mình đón Tết với bạn học, với các anh em trong dòng, với những
bạn trẻ nghiện ma túy tại Việt Nam, những sinh viên du học hoặc lao động di dân
Việt Nam tại Thái Lan, nhưng cái Tết với gia đình thì không. Chỉ một cuộc điện
thoại chúc Tết ba mẹ và các anh chị rồi được nghe mẹ kể là nhà ăn Tết như thế
nào, chứ đâu có cái cảm giác được dâng Thánh lễ đầu năm với gia đình, được mở
cái bánh bột lộc thơm phức mà mẹ tự tay gói bằng lá chuối, được uống chén trà
chung với bố vào buổi sáng đầu xuân, hoặc là được đuổi bắt và ôm những đứa cháu
dễ thương của mình. Đối với tôi những điều đó là một xa xỉ, nhưng tôi đã trải
nghiệm tất cả trong dịp thăm gia đình lần này.
Tuy nhiên
ngoài thời gian được gần gủi với gia đình, nhất là với bố mẹ bây giờ đang ở cái
tuổi khá cao, tôi còn có dịp đi thăm một số bạn bè ở các nơi, có người tôi đã
không được gặp từ khi tốt nghiệp đại học và khăn gói vào Đại Chủng Viện. Những
chuyến đi của tôi, có khi bằng máy bay, có khi bằng xe đò hoặc bằng xe cá nhân,
đã đưa tôi từ quận Cam tại miền nam California đến miền bắc của tiểu bang, qua
tới Texas, và thậm chí đến Canada để hội ngộ với một người bạn thân đã từng học
trong đại chủng viện với tôi. Những chuyến đi này là thời gian cho tôi nối kết
lại những mối quan hệ cũ hoặc xây dựng mối thân tình với những người bạn, mà do
đời sống và trách nhiệm khiến chúng tôi không thể dễ dàng được gặp gỡ hoặc có
thời giờ cho nhau.
Đi ra nước
ngoài truyền giáo tôi mới thấy những mối quan hệ này càng quí giá vì đây là những
người mà tôi có thể gọi là bạn thật sự. Như tôi đã từng chia sẻ trong một bài
viết đâu đó, ở trên vùng đất truyền giáo, tôi chỉ có giáo dân, có ân nhân, có
những người giới trẻ mà tôi dạy dỗ và giúp đỡ, có những người nghèo mà tôi phục
vụ, có những đồng nghiệp cùng chia sẻ công việc với tôi, nhưng dường như tôi
không có bạn, loại bạn mà người ta có thể ngồi để uống cốc bia và trò chuyện,
tranh cải, trêu chọc nhau một cách thoải mái vô tư. Ở đây tôi không có bạn
không phải vì tôi giữ kẻ hoặc khoảng cách, mà vì hình như môi trường sống chỉ tạo
điều kiện cho tôi có những mối quan hệ như nói trên mà không cho tôi có những
người bạn. Tôi từng chất vấn mình về điều này và cuối cùng cũng đến cái kết luận
rằng có lẽ đây là một trong những điều mà tôi phải hy sinh khi đã quyết định dấn
thân phục vụ Chúa trên cánh đồng truyền giáo.
Nơi cuối cùng mà tôi đã đến trong các chuyến đi của mình
mà tôi không thể nào bỏ qua được trong các kỳ nghỉ đó là Nhà mẹ dòng Ngôi Lời
và Thần học viện tại Chicago, và Triết viện ở Iowa. Ở các nơi này có những
khuôn mặt thân quen đã từng đào tạo tôi từ những năm mới khập khiểng vào dòng
cho tới năm tôi thấy mình đủ trưởng thành và vững vàng để tuyên thệ ba lời khấn
trọn đời và sau đó là quỳ gối trước vị giám mục để lãnh nhận chức thánh. Ở đây
có những khuôn mặt thân quen đã từng đồng hành với tôi trong những năm đang tìm
hiểu ơn gọi và giúp tôi xác quyết hướng đi của mình trong đời. Ở đây có những
người luôn theo dõi công việc truyền giáo của tôi tại Thái Lan và luôn có lời
khuyến khích và nâng đỡ để tôi duy trì lòng nhiệt huyết phục vụ Chúa qua tha
nhân. Và ở đây có rất nhiều khuôn mặt mới, những người thế hệ đàn em – họ cũng
như mình trước đây, đang mày mò, đang học hỏi, đang tìm cho mình một lối đi
trong đời cho đúng đắn. Tôi muốn gặp gỡ họ, muốn chia sẻ với họ, muốn khuyến
khích họ, và muốn mời họ cùng chung tay với mình trên cánh đồng truyền giáo.
Như thế sau ba tháng, tôi đã kết thúc kỳ nghỉ của mình và
đã trở lại Thái Lan. Trong vali của tôi có mang theo nhiều thứ từ Mỹ, như những
món đồ tôi đã mua sắm và những món quà tôi đã nhận được từ những người thân. Những
thứ đó rất cần thiết và tôi sẽ dùng nó trong những ngày tháng sắp tới tại Thái
Lan. Nhưng có những thứ khác tôi mang theo thì không chiếm bất cứ chỗ nào trong
hành lý, không hề phải bị kiểm soát khi đi qua cửa khẩu, bị đặt lên bàn cân hoặc
đặt vào máy soi. Đó là những kỷ niệm và những hình ảnh tuyệt vời trong ký ức
tôi về một chuyến đi thăm ba mẹ, thăm anh chị và các cháu, thăm bà con bạn bè,
thăm các anh em trong dòng, mà tôi không biết ba năm tới khi tôi có dịp trở lại
Mỹ có được như lần này hay không. Dù sao đi nữa thì cuộc đời là một chuyến đi
và đời sống của một nhà truyền giáo lại càng như thế nữa. Và không có chuyến đi
nào giống chuyến đi khác. Luôn có những điều mới lạ để khám phá, những thay đổi
để ghi nhận, những điều hay để học hỏi. Chuyến đi này liên kết với chuyến đi
khác và còn hỗ trợ cho những chuyến đi trong tương lai. Đối với tôi chuyến đi vừa
qua đã mang lại cho mình nghị lực và tinh thần để có thể khởi hành chặng đường
sắp tới trên cánh đồng truyền giáo với lòng tạ ơn đối với những món quà và hồng
ân mà Chúa đã ban tặng cho tôi trong những ngày vừa qua.
Bangkok, ngày
24.4.2013
No comments:
Post a Comment