Wednesday, October 17, 2007

Viết về Sơn



Tôi biết đến Sơn qua một người quen và chúng tôi hẹn nhau đi uống cà phê. Vì Sơn không có xe nên tôi tới đón tại nhà ở một con đường hẻm ở ngã tư Phú Nhuận, Sài Gòn. Khi tới nơi tôi mới phát hiện là địa chỉ tôi ghi xuống trên mảnh giấy không phải là địa chỉ của một căn nhà mà là một phòng kho bề ngang không quá một mét rưởi và bề dài chỉ khoảng 6 mét. Sơn sống ở trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm, và chật chội này với người mẹ từ sáng tới khuya phải đi làm mướn cho nhà người ta.


Tôi thường xuyên gặp Sơn trong những ngày sau đó. Chúng tôi cùng nhau đi uống cà phê, đi lễ chiều, đi ăn... . Trong những cuộc hẹn này, tôi ngồi nói chuyện với Sơn và lắng nghe em chia sẻ về đời sống khó khăn của mình, cũng như những gì đã đưa em tới con đường ma tuý. Tôi ngỏ ý hỏi Sơn có muốn tự mình cắt cơn ở nhà không thì Sơn đồng ý. Và tôi hứa sẽ hỗ trợ em về tinh thần trong thời gian vật vã. Những ngày cắt cơn thật khó khăn. Sơn ăn không ngon, ngủ không yên, mấy ngày đầu toàn thân bị nhức nhối vì triệu chúng “dòi bò”. Nhưng rồi em cũng dần khoẻ ra.
Sau khoảng 10 ngày cắt cơn, tôi phải đi công tác vài ngày. Khi trở lại thành phố thì tôi liền tìm đến nhà Sơn để xem quá trình cai như thế nào? Lần đầu gõ cửa thì không thấy có người trả lời, nhưng lần thứ hai đến thì tôi gặp Sơn đứng chờ tôi đầu hẻm, với khuôn mặt tươi cười như Sơn thường hay tỏ lộ khi gặp gỡ tôi. Nhưng nhìn sắc mặt của Sơn trong lòng tôi biết có chuyện không ổn. Chúng tôi đi tới một quán cà phê gần nhà Sơn và bắt đầu trò chuyện.
Tôi nói:
- Sáng hôm nay anh có ghé qua nhưng không thấy em. Sơn trả lời:

- Dạ, lúc ấy em đang đi chơi với bạn em.
- Thế à, vậy nó đâu rồi?

- Trước khi anh tới em mới đưa nó ra đón xe về Biên Hoà.
- Nó ở tận dưới Biên Hoà lận à? Nó tới chơi lúc nào?
- Nó tới chiều hôm qua. Tụi em đi chơi suốt đêm.
- Sao đi chơi nhiều thế?
- Tại vì ngày hôm qua em buồn quá nên tụi em kéo nhau đi chơi. Em định không nói với anh, nhưng khi gặp anh, em cảm thấy có lỗi nên em muốn nói cho anh hay.

- Em có lỗi gì?

- Ngày hôm qua em buồn quá, nên em đã chơi lại. Luôn tiện thằng bạn em ở Biên Hoà lên nên tụi em chơi với nhau. Từ chiều hôm qua đến giờ, tụi em chơi hết năm lần. Em cảm thấy rất có lỗi với anh vì anh đang giúp em bỏ, mà em làm không được.

- (Tôi vẫn giữ thái độ bình thản) Anh thấy vấn đề này không phải là lỗi hay không lỗi đối với anh. Mà chỉ muốn biết tại sao em chơi lại thôi. Mà em chơi ở đâu?
- Tụi em chơi trong phòng karaoke. Trưa hôm qua, em đang cảm thấy phấn khởi, nên em quyết định dọn nhà cho sạch sẻ. Em thu dẹp bao thuốc lá, rác rưởi, rửa chén…Lúc đó ba em qua. Ông ta đang say rượu nên khi ông thấy em ông bắt đầu la lối. Ông kêu: “Mày là cái đồ xì-ke. Mày không làm gì nên người…” Hàng xóm kéo qua nghe ông chửi em, lúc đó em thấy xấu hổ lắm.

- Ông nói gì nữa không?
- Ông nói: “Tao nuôi mày lớn, chăm sóc cho mày mà mày không biết điều. Mày cứ làm khổ tao”. Mà anh biết, ông đâu có lo gì cho em với mẹ em đâu. Ông bỏ mẹ con em nghèo khổ. Ông đem tiền cho gái với cho vợ bé của ông. Mẹ con em không có nhà ở mà ông có thương em đâu.

Tôi không nói gì, chỉ ngồi thinh lặng. Những giọt nước mắt bắt đầu ứa ra và chảy xuống má Sơn.
- Ông nói ông lo cho em mà ông đâu có lo. Trong nhà em có cái TV với đầu máy là em tự sắm. Trước đây em đi giữ xe ở một quán ăn; em dành dụm mới mua được mấy thứ đó. Áo quần em, em cũng tự sắm. Mà em đâu có áo quần gì đâu. Trước đây em đi học, em chỉ có một bộ áo quần. Cái áo trắng ngày nào em cũng mặc nên nó vàng khè. Nó rách em phải vá đủ chỗ. Đi học, em mắc cỡ lắm vì mấy tụi ở trường chọc em, mà em cũng phải chịu. Em nhỏ con em đâu có dám làm gi tụi nó.

Tôi vẫn ngồi thinh lặng, để nghe Sơn tuôn ra những tâm sự không ngừng. Sơn chỉ dừng lại để đốt thêm một điếu thuốc.

- Ngày đầu tiên em đi giữ xe, sáng sớm em đi bộ lên đó mà trong túi em không có một đồng nào hết. Sáng đó em cũng chưa ăn sáng. Giờ nghĩ trưa, người ta đi ăn trưa, em không có tiền, phải ra ngoài ngồi đến hết giờ em quay trở lại. Ngày đầu tiên làm việc em đâu dám xin sếp ứng trước. Lúc đó em đói bụng lắm mà em đâu có đồng nào để ăn trưa. Em giữ xe tới 11 giờ đêm quán mới đóng cửa. Lúc đó em mới xin ít tiền trước để em ăn tối.
Ngừng một lúc, Sơn lại tiếp tục:

- Ba em nói ông lo cho em mà em không thấy ông làm gì cho em hết. Ông đâu có thương em. Hồi em còn nhỏ, ông thường đi chơi mấy ngày mới về một lần. Nhiều khi em nhớ ba em, em ra trước cổng ngồi chờ. Mấy lần trời tối em thấy có ông nào đang đi tới. Nhìn từ xa em thấy giông giống ba em, em nghĩ là ba về, em nhảy lên nhảy xuống mừng rỡ. Nhưng khi đến gần thì thấy không phải là ba em, nên em ngồi xuống khóc…Ông đi chơi, ông để mẹ con em nghèo khổ. Hồi nhỏ mỗi lần Tết Trung Thu đến, mấy đứa trong xóm chơi lồng đèn. Em đâu có tiền để mua. Em đi kiếm loong Coca, xẻ ra làm lồng đèn. Mà em cũng chẳng có tiền để mua đèn cầy. Em phải chờ mấy đứa trong xóm chơi xong, tụi nó vất khúc đèn cầy còn lại, em mới lấy để đốt đèn của em. Ông có bao giờ mua cho em áo quần, kẹo bánh gì đâu. Hồi trước ông hứa mua cho em cái này cái kia. Đến ngày mà ông nói ông sẽ mua cho em, em hồi hộp lắm. Nhưng rồi em không thấy gì hết… Không phải em muốn đổ thừa cho ông vì cái xấu của em, nhưng em cứ nghĩ nếu ông đã quan tâm đến em thì biết đâu em sẽ không đến nỗi như bây giờ….
Những giọt nước mắt vẫn tiếp tục lăn dài trên má Sơn. Nhìn người bạn trẻ bất hạnh đang ngồi trước mặt tôi, tôi chợt nhớ đến lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng của thánh Luca:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
Vì nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
Vì anh em sẽ được vui cười”.
Sau cuộc gặp gỡ ở quán cà phê không lâu, Sơn đã bị chính quyền địa phương bắt đi cai tập trung và tôi không còn gặp lại em nữa. Nhưng thỉnh thoảng, ánh mắt sợ hãi và bối rối của người bạn trẻ lâm vào ma tuý mà không biết cách nào để thoát ra khỏi vẫn hiện lên trong tâm trí tôi – một hình ảnh đau khổ và tuyệt vọng.

Hình ảnh đó luôn đối chọi với danh từ “con nghiện” mà gia đình, xóm giềng, và toàn xã hội đặt cho những người nghiện ma tuý như Sơn. Họ như những con vật, không còn là người đáng được xã hội màng tới. Tuy nhiên, trong những ngày tìm hiểu về đời sống và tâm sự của Sơn, tôi đã nhận ra rằng: đây là một người nghèo khó, phải đói, phải khóc, và bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị coi như đồ xấu xa. Trong “con nghiện” này, tôi nhận ra đó là một tuyệt tác của Thiên Chúa mà những yếu đuối xuất phát từ bên trong, hay những cách nhục mạ đến từ bên ngoài không thể phủ nhận được. Một lúc chúng ta phủ nhận điều này và thuyết phục những người khác cũng đi theo lối suy nghĩ đó, lúc ấy chúng ta trở nên những người cứng rắn và vô cảm trước những hành động kỳ diệu của Thiên Chúa. Nếu chúng ta vẫn có thể biết thưởng thức ngắm nhìn “chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6, 26); không lẽ một người mắc căn bệnh nghiện ma tuý không thể quý giá hơn sao? “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7, 1-2).
Là những người thực hiện công tác mục vụ, tôi nghĩ rằng mục đích của chúng ta là luôn phải giúp cho những người chúng ta phục vụ nhận ra giá trị của họ mà không ai có thể cướp đi được. Chúng ta hiểu rằng: tội lỗi là hành động được thể hiện vì chúng ta không đáp trả tình yêu của Thiên Chúa; việc đánh mất nhân bản chính là hành động bao phủ chính mình với những thứ làm cho giá trị trong ta bị lu mờ đi; và hạnh phúc không phải là cái gì đó ta đi tìm đi kiếm, mà đã được Thiên Chúa ban cho ta từ khi Ngài tạo dựng nên ta. Nếu như vậy thì ta không bao giờ mất giá trị, mất hạnh phúc, mất sự thánh thiện…ta chỉ cần loại bỏ tất cả những gì lấn át nó khiến cho nó khó có thể nhận ra nơi ta.

Khác với một người làm công tác xã hội áp dụng những phương tiện trong xã hội để ảnh hưởng đến đời sống của một thân chủ đang gặp phải khó khăn; khác với một bác sĩ tâm thần áp dụng phương pháp khoa học để chữa bệnh tâm lý; làm việc mục vụ là để giúp những người chúng ta phục vụ nhận ra rằng: tình yêu, giá trị, hạnh phúc và sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã ban cho họ từ khi họ lọt lòng mẹ vẫn đang còn trong họ. Họ chưa đánh mất những điều này, cho dù họ chơi ma tuý; cho dù họ cướp giật, cho dù họ là người nhiễm HIV/AIDS! Cái gì không đánh mất thì không phải đi tìm lại. Cái gì đã có thì không phải đi săn lùng. Công việc mục vụ có ý nghĩa và hiệu quả nhất là khi qua sự đồng hành của chúng ta, người chúng ta phục vụ có thể ngồi xuống một chỗ, nhắm mắt lại, thở thật nhẹ, để cho tâm hồn trầm lặng…và lúc đó họ có thể nhận ra rằng: tất cả những gì mà người ta cứ bảo mình đã đánh mất, thật sự vẫn còn đây, và dồi dào hơn bao giờ hết!

No comments: