Sunday, December 30, 2007

Xây đắp tương lai trên đất Thái

Xây đắp tương lai trên đất Thái
Ly khách ! Ly khách ! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Tống Biệt Hành (Thâm Tâm)


Ngoài sân nhà thờ có chuyện đang xảy ra, có người lên tiếng: “Cảnh sát đến!” Tôi bỏ cái chổi quét nhà xuống để chạy ra xem sự cố. Cảnh sát đến thật. Một anh cảnh sát trong trang phục màu nâu sát người. Cha S. một linh mục Việt kiều Thái đến chận anh trước sân để nói chuyện. Phía sau mấy trăm bạn trẻ Việt Nam ùa vào bên trong nhà ăn, người đi người chạy. Một bạn gái bị té ngất xỉu. Mọi người cố gắng giữ bình tĩnh mặc dầu trên khuôn mặt nỗi lo âu hiện rõ.

- Có ai bị bắt không? – Ai đó hỏi.

- Không biết. Hình như có. – Có người trả lời.

Một lát sau anh cảnh sát lên xe quay đầu lái về hướng cổng nhà thờ, ở ghế sau có một bạn trẻ tên Phúc. Người bạn trẻ bị bắt chiều hôm ấy trước nhà thờ Don Bosco chỉ là một trong hàng ngìn bạn trẻ Việt Nam đến Thái Lan lao động bất hợp pháp đã từng bị cảnh sát Thái Lan bắt vì không có giấy tờ cư trú hợp lệ. Người bạn trẻ tên Phúc ấy cũng là một trong gần 600 bạn trẻ đi tham dự thánh lễ của cộng đoàn Việt Nam ngày 4 tháng 11 năm 2007 tại Bangkok.

Ở Thái Lan hiện nay số người Việt sang lao động không có giấy tờ hợp pháp lên đến hàng chục ngìn. Không ai biết số lượng chính xác là bao nhiêu. Dường như tất cả đều đến từ ba tỉnh Miền Trung Việt Nam là Thanh Hóa, Hà Tỉnh, và Nghệ An là một vùng có kinh tế kém phát triển ở Việt Nam. Vì nhu cầu mưu sinh trong khi cơ hội tìm việc làm trong nước ngày càng khó khăn, các bạn trẻ đành phải tìm cách vượt biên giới sang đất Thái để kiếm sống bằng những công việc như may áo quần, bán quán, hoặc những công việc lao động tay chân khác. Làm việc cực nhọc vất vả mỗi ngày 15-16 giờ đồng hồ cũng kiếm được một tháng vài trăm đô để gởi về cho gia đình. Nếu không bị cảnh sát bắt giam hoặc để tống tiền khi đang đi ngoài đường thì họ cũng sống tương đối bình yên. Mà hầu như bạn nào ở Thái Lan cũng đã từng bị cảnh sát chận một vài lần, đa số là để lấy tiền. Nếu không lấy tiền ngay lúc đó rồi thả cho đi, thì đem về đồn chờ bạn bè hoặc chủ thuê việc đưa tiền lên chuộc.

Cũng vì sợ bị cảnh sát phát hiện nên nhiều bạn trẻ không dám đi ra đường. Mà phát hiện người Việt cũng không mấy khó khăn đối với người làm trách nhiệm Thái. Từ cách ăn mặc đến cái kiểu đi đứng của các bạn xuất thân từ miền quê dễ nhận ra lắm. Mà quê Việt Nam nó lại không giống quê Thái tí nào nên lại càng dễ bị phát hiện hơn. Người Việt lại bị mắc một triệu chứng “có tật giật mình” nên nhiều khi thấy cảnh sát, chưa gì đã bỏ chạy. Ông công an nào dù chưa biết mô tê gì mà nhìn thấy cử chỉ khả nghi cũng phải chạy theo điều tra, vì là nhiệm vụ của họ. Thế là bị tóm cổ luôn. Cách đây không lâu một nhóm bạn trẻ mời tôi đến nhà chơi vào chiều Chúa Nhật. Cả nhóm làm thức ăn mua bia về đãi. Chỉ trong một buổi chiều mà các bạn đã nhận được hai cú điện thoại cầu cứu, mỗi lần có 3 người bị bắt. Tôi hỏi:

- Đi đâu mà bị bắt?

- Thưa cha đi chợ. – Tụi nó trả lời.

- Vậy giờ làm sao?

- Dạ giờ bạn bè góp tiền đem lên chuộc về.

- Đơn giản vậy à?

- Dạ nếu nó còn ở đồn thì đơn giản. Nhưng nếu bị chuyển qua sở di trú rồi thì hết giúp được.

Ra đường bị bắt như thế làm cho các bạn ngại đi đây đó cũng phải. Lần đầu tiên tôi được mời đến dâng thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam, tôi ngồi tòa giải tội gần 3 giờ đồng hồ. Có 10 người đi xưng tội thì hết 9 người xưng tội bỏ lễ ngày Chúa Nhật. Có bạn chỉ đợi đến khi nào có lễ tiếng Việt thì mới dám mạo hiểm đi. Mà lễ tiếng Việt thì một vài tháng mới có một lần. Lý do cũng chỉ vì không có nhà thờ để làm lễ. Có nơi từ chối không cho cộng đoàn Việt Nam làm lễ vì cho rằng các bạn trẻ Việt Nam thiếu trật tự quá. Mà nhận xét của họ cũng không sai đặc biệt vì nhiều bạn trẻ quá thiếu ý thức trong việc giữ dìn vệ sinh và tôn trọng khuôn viên nhà thờ. Vì thế làm lễ ở nhà thờ Fatima được một thời gian rồi bị “đuổi”. Sau đó qua nhà thờ St. John cũng chỉ được vài lần. Gần đây nhất là nhà thờ Don Bosco, làm lễ được 4 lần.

Gần đây cha Nguyễn Tiến Đức, một cha Dòng Đaminh đang theo học tại Thái Lan và các seour Dòng Mân Côi đang dạy học tại Bangkok giúp tổ chức cộng đoàn có trật tự hơn. Việc chia khu chia tổ được thực hiện. Khi tổ chức lễ có ban trật tự để đi quanh nhắc nhở các bạn đừng hút thuốc, xã rác. Có người đứng trước cổng nhà thờ để hướng dẫn người ra vào. Rồi cha Đức còn tổ chức ban “nhiệt tình” để dọn vệ sinh sau các buổi ăn sau lễ. Nói đến đây tôi xin nhắc lại tại sao khi cảnh sát đến nhà thờ tôi đang cầm cái chổi. Đó cũng là vì ngày hôm ấy, cha S. được ai đó tặng mấy thùng cam. Cha mang cam đến cho các bạn ăn. Nhưng nhiều bạn ăn cam, bóc võ, nhã hột quên….bỏ vào thùng rác mà thả thẳng xuống sàn nhà trong phòng ăn. Thế là tôi và một số bạn khác phải đi tìm chổi quét rác không thôi bị cha xứ khiển trách cũng nên.

Nói chung là thời gian gần đây các cha, các seour, và một số người lãnh đạo trong cộng đoàn cũng nỗ lức lắm trong việc tổ chức cộng đoàn cho có cấu trúc, có ban, có ngành. Dự định ngày 30 tháng 12 sẽ mừng lễ Giáng Sinh (ngày 25 các bạn phải làm việc không đi lễ được) một cách hoành tráng, và sẽ có nghi thức giới thiệu và tiếp nhận các thừa tác viên. Trong một buổi họp gần đây, ban trật tự hứa sẽ làm việc đắc lực hơn nữa để cho việc tổ chức thánh lễ được êm xuôi. Cái ca đoàn mới được thành lập cách đây hai thánh lễ dự định sẽ hát thánh ca Vọng Giáng Sinh, và hát đến hai bài trong phần hiệp lễ. Rồi cộng đoàn sẽ mời một số khách đến tham dự để làm quen với cộng đoàn. Và đặc biệt hôm ấy, cộng đoàn sẽ bày tỏ lòng tri ân với giáo xứ Don Bosco bằng cách mời cha xứ ra để cho cộng đoàn cám ơn và tặng một món quà nho nhỏ để làm kỷ niệm.

Ca đoàn chưa kịp tập hát, thiệp mời khách chưa kịp gởi đi, quà cho cha xứ chưa kịp mua thì tôi nhận được tin từ Phong:

- Cha ơi, mình bị đuổi nữa rồi.

- Hả? Sao bị đuổi? Mình đâu làm gì đâu mà bị đuổi? – Tôi hỏi lại.

- Con chưa biết hết thông tin. Nhưng con nghe nói là nhà thờ Don Bosco, họ họp và quyết định là họ không muốn cho mình làm lễ ở đó nữa vì họ không muốn bị luyên lụy trong việc chứa chấp người bất hợp pháp. – Phong trả lời.

- Vậy là do cái dụ có đứa bị bắt lần trước à?

- Đúng vậy.

Cha Đức và Bác Trọng, một Việt kiều Thái và cũng là người lăn lộn để tìm cho cộng đoàn có nơi làm lễ không kiềm nỗi sự bức xúc. Sự buồn bã của hại vị được thể hiện rõ trong bài báo đưa tin về hoàn cảnh của cộng đoàn được đăng trên trang Vietcatholic:

Về giấy phép làm việc đối với người Việt sang lao động ở Thái thì người có người không. Đây cũng là chuyện thường tình đối với những người sang Thái làm việc từ các quốc gia khác, và cũng là chuyện phổ biến ở xã hội Thái. Nếu có thiệt thòi một chút vì lợi ích lớn lao là được các linh hồn, sao họ lại không chọn ? Vậy lẽ nào vì thế mà từ chối việc mở cửa nhà thờ cho người Việt ở đây muốn đến với Chúa để mừng lễ Giáng Sinh??? Chúa ở trong nhà thờ đành chịu để cho người giữ cửa cho hoặc không cho Chúa được gặp con cái mình sao???

Lẽ nào vì thế mà nhu cầu tâm linh rất chính đáng của những người dân Việt xa xứ lại không được Giáo Hội địa phương đáp ứng. Không mượn được nhà thờ để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cũng đồng nghĩa với việc người Việt tha hương không có lễ Giáng Sinh và không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải để dọn hang đá tâm hồn đón Chúa Hài Nhi. Không biết trách nhiệm này thuộc về ai? Chẳng lẽ đàn chiên phải chịu tội???

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Thế Giáo Hội địa phương này truyền giáo thế nào? Thay vì đi tìm chiên lạc đàn trở về, giờ có những 600 con chiên vượt gian khó, tìm đến nhà Chúa nhưng lại bị người giữ cửa từ chối không cho vào và đành phải bơ vơ, nghểnh đầu dáo dác! Thế có phải là truyền giáo hay không, hay là phản truyền giáo???

Trong Tin mừng, Đức Giêsu đã ví mình như người chăn chiên lành, người bỏ 99 con trong đàn chiên để đi tìm cho bằng được một con chiên lạc, đưa nó về đàn (Lc 15). Giờ đây có một đàn chiên Việt tha hương (600 con), đang bơ vơ lạc lõng ở xa xứ, vì không có chủ chăn hướng dẫn; đang hoang mang, dáo dác vì không biết đến đâu để mừng lễ Giáng Sinh; đang thiết tha mong mỏi có được chuồng chiên để trú ngụ khi gặp giông tố; đang nhiệt tình tìm kiếm hang đá Belem để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi trong đêm Giáng Sinh!!!

Cuối cùng thì một nhà thờ khác cũng đã chấp nhận cho cộng đoàn Việt Nam mượn để làm lễ Giáng Sinh. Giờ đây mọi người đang truyền miệng cho nhau về địa điểm mới của thánh lễ sắp đến. Nhưng nhà thờ lại ở xa, ở một vùng không mấy quen thuộc với đa số các bạn, và không có phương tiện xe cộ công cộng đi lại dễ dàng. Mà đi lại chính là nỗi lo toan của những người trẻ không có trong mình những tờ giấy hợp pháp. Chắc chắn sẽ có một số bạn đến nhà thờ Don Bosco để dự lễ nhưng lại không thấy ai. Rồi sẽ có một số bạn tranh thủ đi đến địa điểm mới từ sáng sớm, trước lễ 4-5 giờ đồng hồ vì giờ đó an toàn hơn. Rồi cũng sẽ có người đi không đến nơi vì bị lạc đường, hoặc bị cảnh sát bắt giữ ngay trên đường đi. Và có lẽ cũng sẽ có bạn đi lễ xong không về đến nhà vì bị phát hiện và bắt giữ.

Tôi viết bài chia sẻ này khi chỉ còn ba ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Đêm 24 ở nhiều nhà thờ sẽ đầy nhóc người. Nhà thờ Chánh Tòa tại Sài Gòn phải có vé mới vào tham dự lễ đêm được. Ở Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa, quê hương của các bạn trẻ giờ đây mọi người đang nô nức trông chờ lễ Noel. Và lễ Noel ở quê của các bạn cũng không thiếu sự trang trọng. Nhưng tại Bangkok giờ đây, các bạn đang cặm cụi với cái bàn may. Mặc dầu trong 63 triệu dân ở Thái Lan, chỉ có 300.000 ngìn người là Công giáo, nhưng ở các trung tâm thương mại, người ta trang hoàng cũng hoành tráng và rực rở lắm. Nhưng các bạn đâu dám ra đó để ngắm cảnh, mà có dám ra cũng không ra được vì phải làm việc đến khuya. Và đêm 24, khi cả thế giới hân hoan đón mừng Noel, cũng sẽ có nhiều bạn đang ngồi trước chiếc máy may để kiếm những đồng tiền được trả theo sản phẩm, hoặc chạy bàn ở trong các quán ăn trong thành phố - như thể không có chuyện gì khác thường đang xảy ra.

No comments: