Saturday, September 27, 2008

Trả lời phỏng vấn về mục vụ di dân Thái Lan


Phóng viên Dân Chúa Úc Châu (PvDCUC) xin được hân hạnh giới thiệu tới độc giả nguyệt san Dân Chúa úc Châu LM....dòng Ngôi Lời tỉnh dòng Úc Châu, một khuôn mặt quen thuộc của nguyệt san hiện đang làm việc tại Thái Lan….

PvDCUC: Chào cha, mặc dầu sống bên Thái Lan xa xôi, cám ơn cha đã tham gia vào Ban Biên Tập và hằng tháng đóng góp bài vở cho Trang Modern Talkings. Trong số Mục Vụ Di Dân tháng 6, xin cha cũng nói thêm về công tác mục vụ của cha cho người Việt Nam tại Thái Lan…

LmAnthony: Trước khi đến Thái Lan vào tháng 2 năm 2007 thì tôi không hề có khái niệm về người lao động Việt Nam tại Thái Lan, cho đến khi nhận được một cuộc điện thoại từ Seour Linh ở Dòng Mân Côi mời đến dâng lễ Phục Sinh cho người Việt Nam. Từ đó tôi bắt đầu làm quen với các bạn trẻ đến Thái Lan làm việc từ các tỉnh miền Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tỉnh, Thanh Hóa…

Vì các bạn ở Bangkok lao động bất hợp pháp nên việc tổ chức bất cứ một sinh hoạt nào đều rất khó khăn, ngay cả việc tổ chức thánh lễ. Vì thế mục vụ chính yếu của tôi khi còn ở Bangkok là cộng tác với cha Nguyễn Tiến Đức và các seour Dòng Mân Côi để tìm nơi và tổ chức thánh lễ cho cộng đoàn một cách an toàn và thường xuyên. Những lần có lễ như vậy tôi phải ngồi giải tội nhiều giờ đồng hồ vì các bạn rất muốn đến gặp linh mục để giải bày những nỗi ưu tư của mình. Tôi cho rằng những lần ngồi tòa này là những giây phút có ý nghĩa nhất trong việc mục vụ của tôi với các bạn trẻ tại Thái Lan.

Trong những giờ rảnh rổi, tôi cũng cố tìm đến một số bạn trẻ để gặp gỡ, chia sẻ, và nâng đỡ tinh thần của họ trong đời sống hằng ngày.

Từ ngày dọn lên tỉnh Udon Thani, tôi đã xin phép Đức Giám Mục cho tôi dâng lễ tiếng Việt mỗi tháng một lần cho người Việt Nam (trong đó có Việt Kiều Thái sinh ra và lớn lên ở Thái Lan). Sau 3 lần dâng lễ ở một ngôi nhà thờ nhỏ trong phố, tôi thấy thánh lễ hàng tháng này đang ổn định và ngày càng có thêm người đến tham dự, ngay cả các bạn không thuộc Công Giáo. Sau lễ các cô bác Việt Kiều thường đãi thức ăn cho cộng đoàn như cháo, bún, hoặc chè trong không khí rất đầm ấm. Thánh lễ hàng tháng này diễn ra vào 7h30 tối Chúa Nhật, là thì giờ thuận tiện nhất đối với các bạn, vì trong số họ có nhiều người phải giúp việc bán hàng ngoài chợ vào ban ngày.

Tháng qua, từ ngày tôi dọn về tỉnh Nong Bua Lamphu, cách Udon Thani 50 cây số để nhận xứ mới, tôi đang “đi lùng” người Việt. Tôi nghe nói là ở các chợ có rất nhiều người Việt bán hàng. Nên thời gian này tôi đi chợ không chỉ để mua đồ mà còn tìm “con chiên” nữa. Hiện nay tôi đang phụ trách một giáo xứ nhỏ trong tỉnh NBL. Tôi muốn tìm đến những người Việt để cho họ biết ở đây có linh mục người Việt và còn có nhà thờ nữa. Hy vọng rằng có dịp giao tiếp với những người có đạo, và với những người chủ của họ, họ sẽ được phép nghỉ vài giờ đồng hồ vào ngày Chúa Nhật để đến nhà thờ dự lễ.

PvDCUC: Hiện nay có khoảng bao nhiêu người Công Giáo Việt Nam ở Thái? Nghề nghiệp của họ? Đời sống đức tin? Riêng về làn sóng di dân từ Việt Nam gần đây, họ đã đến Thái Lan bằng cách nào?

LmAnthony: Thực ra tôi không nắm được số liệu này. Tuy nhiên tôi có hỏi một bạn trẻ lao động thì bạn ấy ước lượng lao động di dân Việt Nam ở Thái Lan hiện nay phải lên đến vài trăm nghìn người.

Dường như tất cả đều đến từ các vùng thôn quê và đến Thái Lan bằng đường bộ. “Đường giây” đi Thái Lan từ Việt Nam cũng rất đơn giản. Vì là thành viên của ASEAN nên người Việt được phép vào Thái Lan trên phương diện du lịch 30 ngày mà không cần visa. Vì thế nếu ai muốn đi Thái Lan thì chỉ cần người quen, bà con, bạn bè dẫn đi một cách dễ dàng. Xe đò đi từ Việt Nam đến Vientiane, Lào ngày nào cũng có chuyến. Từ Vientiane vào Thái Lan cũng không gì khó khăn. Vì thến nên không có ngày nào mà không có người Việt Nam đến Thái Lan để làm việc. Dĩ nhiên cũng có người Việt về lại Việt Nam để thăm gia đình, làm lại hộ chiếu, …

Các bạn trẻ Công giáo mang trong mình một đức tin xuất phát từ các xóm làng Công giáo tại Việt Nam. Đó là một thứ đức tin rất đơn sơ, chân thành và mạnh mẻ. Vì thế họ rất áy náy lương tâm khi không được đi lễ ngày Chúa Nhật vì nơi làm việc không có nhà thờ, hoặc không có thời giờ để đi lễ. Đó cũng là một trong những lý do tại sao mỗi lần có lễ tiếng Việt tôi phải ngồi tòa đến nhiều giờ đồng hồ.

PvDCUC: Ngoài cha ra, còn có linh mục và tu sĩ Việt Nam nào cũng đang làm việc với cha hay không?

LmAnthony: Ở Bangkok hiện nay có một linh mục người Thái gốc Việt tên là cha Salerm là người đứng ra chịu trách nhiệm cho cộng đoàn. Tuy nhiên, công việc mục vụ trực tiếp thì được đảm nhận bởi cha Nguyễn Tiến Đức, OP. Ngài đang du học tại Thái Lan và đồng thời làm việc mục vụ cho người Việt Nam. Các bài tin tức về cộng đoàn được đăng trên trang VietCatholic đều do ngài viết mới có. Bên cạnh cha Đức còn có các seour Dòng Mân Côi, là một dòng Việt Nam ở Hoa Kỳ. Các seour được Dòng Chúa Cứu Thế mời sang dạy trong trường quốc tế rất nổi tiếng của Dòng. Các seour cũng cộng tác trong mục vụ với người Việt với điều kiện mà các seour có thể. Và cuối cùng là có cha Phan Quốc Trực, SVD đang ở Bangkok cũng gắn bó với cộng đoàn.

PvDCUC: Bên Đài Loan, và gần đây Đại Hàn, có nhiều công nhân Việt Nam bị bóc lột, hành hạ vừa thể xác vừa tinh thần, có một số nữ công nhân bị môi giới bán vào trong động. Thưa cha, bên Thái Lan có những tình trạng tương tự như vậy cho người công nhân Việt Nam hay không?

LmAnthony: Theo sự hiểu biết của tôi thì người Việt Nam ở Thái Lan rất may mắn là không rơi vào những tình huống bi đát như ở Đài Loan và Đại Hàn. Lý do chính có thể là đa số các bạn trẻ đến Thái Lan là đi theo anh em, bà con, bạn bè. Họ ở và làm việc chung với nhau. Ví dụ như một chủ nhân thuê 5-6 người may đồ trong nhà của họ đều là bà con anh em với nhau. Vì vậy họ trợ giúp và nâng đỡ lẫn nhau. Tiếng Thái Lan đối với người Việt mình cũng tương đối dễ tiếp thu nên đa số các bạn lao động ở Thái Lan đều nói được tiếng Thái để giao tiếp và ngay cả “trả giá” với cảnh sát khi bị bắt trên đường.

PvDCUC: Trong vòng 10 năm nữa, cha nghĩ mục vụ di dân cho người Công Giáo Việt Nam sẽ đi về đâu?

LmAnthony: Trong tương lai nếu tình hình bất hợp pháp đối với lao động Việt Nam tại Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì, tôi nghĩ rằng mục vụ đối với người Công giáo phải sáng tạo để giúp cho họ tổ chức những cách thờ phượng và cầu nguyện tập thể theo mô hình nhỏ ở trong các khu vực có nhiều người Việt Nam đang làm việc. Vấn đề là hiện nay ở Thái Lan chưa có sự quan tâm thích đáng từ giáo hội Thái Lan. Kinh nghiệm của tôi cho thấy trong giới linh mục tu sĩ ở đây không mấy ai cho rằng việc mục vụ di dân đối với người Việt là điều đáng chú tâm đến. Việc cộng đoàn ở Bangkok đã bị nhiều nhà thờ từ chối không cho làm lễ chỉ vì những lý do không quá nghiêm trọng cũng nói lên phần nào thái độ thiếu thông cảm này. Vì thế, các linh mục tu sĩ người Việt ở Thái Lan phải tiếp tục nỗ lực để đưa vấn đề mục vụ di dân vào chương trình mục vụ chung của Giáo hội Thái Lan hầu có đường hướng và sự hỗ trợ tích cực hơn từ giáo hội địa phương.

Trên thực tế, mục vụ di dân cho người Việt ở Thái Lan cũng có những đồng điểm với các nơi khác như đa số các người di dân là ở tuổi thanh niên. Vì thế các vấn đề như trai gái yêu đương, quan hệ và sinh sống với nhau trước hôn nhân, và ngay cả vấn đề tệ nạn xã hội như cờ bạc, bia rượu, và tội phạm cũng xảy ra đối với một thành phần ở đây. Mục vụ di dân cho người Công Giáo Việt Nam sẽ phải giúp cho họ cố gắng duy trì những giá trị tốt đẹp mà họ đã thu thập được từ những làng quê nơi họ xuất phát để tránh những vấn đề không tốt xảy ra khi rời khỏi hệ thống giáo dục và nâng đỡ của gia đình, làng xóm, và nhà thờ mà họ đã có được trước đây.

Ngoài ra công tác mục vụ này cũng phải giúp cho họ ý thức được rằng họ phải loại bỏ những thói quen không phù hợp với môi trường mới, ví dụ như hay xã rác mỗi lần ăn xong, hoặc hút thuốc trong khuôn viên nhà thờ, ăn mặc, đứng ngồi theo kiểu người quê Việt Nam. Tất cả những hành động này gây ra phản cảm đối với người địa phương và làm cho họ dễ bị cảnh sát phát hiện khi đi ra đường.

PvDCUC: Cha có điều chi muốn chia sẻ với độc giả Dân Chúa Úc Châu nữa hay không?

LmAnthony: Tôi xin quý độc giả cầu nguyện cho những người trẻ Việt Nam đang mưu sinh trên đất nước Thái Lan này. Tôi thấy rất trớ trêu khi ở giáo xứ nhỏ bẻ của tôi vẫn có những hàng ghế trống vì người Công giáo ở đây rất bàng quang trước vấn đề lễ lạt. Thế nhưng có vô số bạn trẻ Việt Nam đang ao ước có được một nơi để dự lễ, cho dù chỉ một hai tháng một lần lại không kiếm ra nơi nào để thờ phượng. Ở Thái Lan chỉ có 300,000 người trong số 65 triệu dân là Công giáo. Trong số 300,000 tín hữu đó, có tỷ số không ít mang dòng máu Việt. Họ đã sang đây trốn sự bắt bớ từ thời bắt đạo ở Việt Nam hàng trăm năm trước cũng như những thời kỳ tiếp theo sau đó. Người Việt Nam đã cống hiến cho Giáo hội Thái Lan rất nhiều linh mục, tu sĩ, và ngay cả vị GM Giáo phận Tha Re bây giờ cũng là người Việt nói được tiếng Việt. Ngày nay, vẫn có người Việt Nam Công giáo đến Thái Lan để mưu sinh, trốn tránh cảnh nghèo nàn ở quê hương. Nếu như người Việt chúng ta được tự do sống đức tin của mình trên đất Thái, chắc chắn chúng ta sẽ làm chứng cho Tin Mừng một cách rất hăng say, và Giáo hội địa phương sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.

PvDCUC: Cám ơn cha thật nhiều. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho công tác mục vụ của cha tại Thái Lan.

No comments: