Thursday, January 12, 2012

Ơn gọi của tôi



Ngày 9.11.2011


Có người hỏi tôi: -Tại sao cha đi tu?
Tôi trả lời: -Chúa gọi tôi đi thì tôi đi.
Họ hỏi tiếp: -Vậy thôi ạ?
Tôi trả lời: -Thì vậy thôi.
Họ không vừa lòng với câu trả lời đó. Họ muốn nghe cái gì đó ấn tượng hơn, kịch tính hơn. Nhưng tôi chẳng có câu chuyện gì để thỏa mãn sự tò mò của họ.
Tôi có một đời sống rất bình thường, chẳng có gì đáng ghi lại để làm thành một cuốn hồi ký. Ví dụ như câu chuyện của những đứa bé là nạn nhân của chiến tranh hoặc bạo lực mà trở nên nhân vật thành công trong xã hội, hoặc là một trẻ mồ côi được ai đó thương hại đem về nuôi mà trở nên một chính trị gia nổi tiếng.
Tôi thì chỉ sinh ra sau chiến tranh, là con út trong một gia đình bình thường. Thời tôi còn nhỏ tôi không biết khổ. Tôi có khổ thì tôi cũng chẳng có nhớ. Sau này lớn lến nghe mẹ và các anh chị kể rằng hồi đó khổ lắm. Tôi chỉ biết lắng nghe chứ tôi không nhớ gì cả. Thật ra những ký ức của tôi không phải là thiếu ăn thiếu mặc, mà tôi chỉ nhớ có những buổi chiều, tôi đang chơi với đám bạn, chị tôi kêu tôi về nhà ăn, không phải một tô cơm, mà là một “thau” cơm. Có lẽ vì tôi còn nhỏ nên một tô cơm trong ánh mắt của tôi xem như một thau cũng nên. Tôi ăn tới chừng nào cũng không thấy hết. Tôi nhớ đi chơi nhà hàng xóm, họ cho tôi ăn cơm độn với khoai mì, tôi thấy ngon lắm. Tôi về nhà hỏi mẹ, tại sao nhà người ta ăn cơm có khoai mì trong đó ngon vậy, mà nhà mình không ăn?
Nhà tôi không giàu, nhưng do bố tôi đi vượt biên trong biến cố Sài Gòn sụp đổ nên cũng đỡ hơn về vật chất so với các gia đình khác. Nhưng đó chỉ là sau này, chứ trước kia, chưa nhận được tin tức của bố, thì nghe nói mấy anh chị tôi phải bỏ học, đi bán thuốc lá trên tàu lửa để kiếm sống, thật cực khổ. Nhưng tôi không hiểu gì về điều đó. Tôi vô tư lắm. Đời sống của tôi là đi học, đi chơi với bạn bè trong xóm, đi học giáo lý, đi nhà thờ. Tôi nhớ có những lần thức dậy đi nhà thờ lúc 4 giờ sáng, vừa đi vừa nhìn vầng trăng. Vầng trăng cứ đi theo tôi như một người bạn đồng hành. Mình đi tới đâu trăng đi tới đó, thật lạ.
Tôi theo gia đình qua tới Mỹ theo diện bảo lãnh. Đời sống của tôi cũng chỉ là việc đi học, đi chơi với bạn bè và đi lễ. Sau này tôi sinh hoạt trong đoàn thiếu nhi trong cộng đoàn vì ở đó bắt đầu có đoàn thiếu nhi Fatima được thành lập. Tôi học chăm chỉ. Gia đình kỳ vọng vào tôi, muốn tôi trở thành bác sĩ. Tôi cũng đồng ý với điều đó. Nếu có trở nên cái gì thì làm bác sĩ là tốt nhất. Giúp người được, làm cũng ra tiền, xã hội lại tôn trọng. Như thế thì đâu cần phải suy nghĩ gì nhiều. Tôi là người học giỏi. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn đứng nhất nhì lớp. Việc làm bác sĩ rất khả thi.
Thế nhưng thật ra, tôi chẳng tha thiết gì với việc làm bác sĩ. Tôi cũng không mấy quan tâm đến chức vụ. Tôi chỉ biết là tôi thích sinh hoạt. Ở trường tôi tham gia nhiều câu lạc bộ lắm, và còn là thành viên của đội tennis của trường. Ở nhà thờ tôi cũng tích cực tham gia vào các sinh hoạt của đoàn thể. Rồi tôi còn tham gia vào các sinh hoạt xã hội khác, có khi đi biểu tình chống phá thai, có khi tham gia các phong trào bảo vệ môi trường. Làm những điều này trong lòng tôi cảm thấy rất vui. Đời sống tôi có ý nghĩa, và nó giúp cho tôi xử dụng thời giờ một cách bổ ích hơn.
Có lẽ trong tất cả những thứ này, Chúa đang chuẩn bị tâm trí và tinh thần tôi cho một sứ mệnh lớn hơn, không phải làm bác sĩ hoặc một nhân vật nào đó trong xã hội, mà là một nhà truyền giáo. Nó bắt đầu với cha linh hướng của đoàn thiếu nhi tặng cho tôi một cuốn sách về ơn gọi linh mục. Sách đó tuy mỏng, nhưng viết sâu sắc quá. Tôi đọc không hiểu, đọc nửa chừng thì bỏ nhở. Rồi có những lần, qua các sinh hoạt đoàn thể, tôi gặp các cha, các thầy, các seour. Họ nói chuyện với tôi, gợi ý cho tôi về ơn gọi tu trì. Họ nhìn thật hiền, vui tươi, lịch lãm, đạo đức. Họ hát hay, nói chuyện có duyên, chia sẻ chân tình. Tôi quan sát và thích những tính chất đó của một nhà tu. Rồi có một vị linh mục là người thân của gia đình tôi, ngài đến thăm gia đình, tặng cho tôi cuốn sách về đời sống của cha Đamien, người đã từng phục vụ những người phong cùi tại đảo Molokai. Tôi đọc câu chuyện về ngài, bổng nhiên trong đầu tôi bắt đầu liên tưởng đến nhiều điều, những gì có thể xảy ra trong cuộc sống của tôi.
Phải chăng tôi sẽ là một bác sĩ không phải làm việc trong một bệnh viện hoặc phòng mạch nào đó, mà là một bác sĩ đi phục vụ ở một đất nước thật xa xôi, giúp đỡ những người bần cùng nhất trong xã hội, chữa những căn bệnh mà người ta không thèm quan tâm đến? Hay là…tôi sẽ là một nhà truyền giáo đi ở một phương xa, phục vụ những người bị ruồng bỏ và xua đuổi trong xã hội? Ý nghĩ này làm cho tôi cảm thấy thật hào hứng. Nó tạo cho tôi động lực tại sao tôi nên trở thành một bác sĩ hoặc một nhà truyền giáo. Nó thật hợp với những mơ ước và hoài vọng của tôi.
Rồi từ đó, tôi suy nghĩ nhiều hơn về ơn gọi tu trì, đặc biệt ơn gọi truyền giáo. Tôi vào đại học, vẫn học khoa sinh hóa học để chuẩn bị cho việc thi vào trường y. Tôi cố gắng học thật nghiêm túc để có thể đạt được điểm thi tốt. Tôi học không chỉ một ngành mà chọn thêm ngành thứ hai, đó là Á Châu học, với mục đích đáp ứng sở thích của tôi và làm cho curriculum vitae cùa tôi phong phú hơn. Tôi tham dự các sinh hoạt trong đại học, làm báo, làm tình nguyện viên ở bệnh viện để cho đơn xin vào trường y của tôi có chất lượng hơn. Thế nhưng tôi vẫn cầu nguyện về ơn gọi thực sự của tôi. Tôi gặp một linh mục truyền giáo Ngôi Lời khi còn năm thứ nhất đại học. Gặp chỉ tình cờ thôi, kể ra thì chuyện quá dài. Ngài thỉnh thoảng đến thăm tôi. Ngài lái xe hàng trăm, hàng nghìn cây số để đi quảng bá ơn gọi. Mỗi lần như thế, ngài ghé thăm tôi. Ngài không áp lực tôi phải đi tu. Ngài chi đến thăm, hỏi tôi về những sinh hoạt của tôi, cho tôi một số lời khuyên và những câu trả lời đối với những thắc mắc và ưu tư của tôi.
Tôi học đại học UC Berkeley. Ở đó tôi có nhiều bạn. Ở Berkeley, sinh viên học cũng nhiều mà chơi cũng dữ. Tôi có một đời sống sinh viên bình thường như bao nhiêu người bạn của tôi. Nhưng có điều là tôi luôn đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, nói đúng hơn là tối Chúa Nhật. Ngôi nhà thờ gần trường đại học tổ chức một Thánh lễ đặc biệt dành cho đối tượng sinh viên vào 10 giờ tối. Ban ngày thì sinh viên đa số còn ngủ, hoặc phải học bài nên không rảnh để đi lễ. Tối Chúa Nhật thì mới đi được. Thánh lễ này rất đặc biệt. Nhà thờ tắt điện hết. Chỉ dùng một số cây nến và một vài ánh điện nho nhỏ nơi bục giảng, hoặc nơi dành cho ca đoàn. Trong nhà thờ người ngồi chật ních, nhưng bầu không khí rất nghiêm trang và thánh thiện. Tôi thích đi thánh lễ này, thường thì đi một mình. Lễ tan, tôi đi bộ về căn hộ của tôi. Có khi vừa đi vừa cầu nguyện. Có khi lại vừa đi vừa hát một bài thánh ca nào đó mà tôi thích. Thật ra không phải cố ý hát, nhưng từ đâu đó trong thâm tâm tôi, tâm tình của những bài thánh ca ấy cứ dâng lên trong lòng tôi và hóa thành những lời hát nghêu ngao trên môi miệng tôi. Có khi tôi bắt gặp mình đang hát, “Xin cho con lòng mến yêu để rồi dù đắng cay trăm chiều, cho con yêu một Chúa thôi, để đời con hết nỗi đìu hiu.” Có khi hát như vậy, nước mắt ứa ra lúc nào tôi cũng chẳng hay.
Và cứ như thế, thời gian trôi qua, tôi ngày càng thấy mình ao ước có một đời sống gắn bó với Chúa hơn, một đời sống phục vụ tha nhân cách dấn thân hơn, và một đời sống phiêu lưu và thú vị hơn sự cạnh tranh trong các bài thi cử, sự bình thường của cái cơm áo gạo tiền, hoặc là cái vô ý nghĩa của những cuộc đi chơi bar hoặc vũ trường. Thế là tôi muốn thử đi theo ơn gọi truyền giáo, để có cơ hội làm những gì tương tự như cha Đamien đã làm. Và vì thế tôi đã từ bỏ ý nghĩ trở nên một bác sĩ. Tôi tốt nghiệp đại học, rồi cuốn gói lên đường vào chủng viện Ngôi Lời, đáp trả tiếng mời gọi của Chúa.
Thế đấy. Không có gì kịch tính cả. Đời sống của tôi sẽ không bao giờ trở nên một bản kịch cho một sân khấu, cho dù là sân khấu nhỏ nhất. Hỏi tại sao tôi đi tu? Tôi đi tu vì Chúa gọi, gọi tôi một cách rất nhẹ nhàng và liên lỉ. Ngài không cho sét giáng xuống trên đầu tôi hoặc cho một cơn gió khủng khiếp nào đó cuốn tôi vào đời sống tu trì. Ngài chỉ đồng hành với tôi như vầng trăng tròn thời thơ ấu, cứ đi theo tôi không dứt mỗi lần tôi bước trên con đường làng nhỏ bé từ nhà đến nhà thờ. Ngài gợi ý cho tôi một cách khéo léo và nhẹ nhàng qua những cử chỉ, hành động và lời nói của những người xung quanh. Và Ngài đánh động tôi bằng những thao thức và hoài bão từ trong đáy lòng tôi làm tôi nhiều khi muốn ngạt thở. Và như thế, con đường rộng thênh thang cho tương lai đã trở nên hẹp lại, vì tôi nhận ra có một lối nho nhỏ để cho tôi rẽ vào. Ngã rẽ hẹp hòi đó lại trở nên một đại lộ mênh mông và giờ đây, tôi là một nhà truyền giáo trên một cánh đồng bao la bất tận.
Tôi ghi lại những ký ức này trong lúc ở vùng đông bắc của nước Thái, người ta đang trong mùa gặt lúa. Những đồng lúa này thì không thiếu thợ gặt. Nhưng cánh đồng truyền giáo thì lời nói của Chúa Giêsu ngày xưa cũng không khác gì ngày hôm nay. Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì quá ít ỏi.

No comments: