Đối thoại với Đinh Trí Khoa
Tôi gặp Khoa lần đầu tiên vào mùa thu năm 2002 ở một địa điểm cai nghiện ma tuý ở huyện TT, tỉnh BR-VT. Đây là một chương trình cai nghiện mà một số linh mục, tu sĩ trong đạo Công giáo đã tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ thoát khỏi vấn đề với ma tuý. Những bạn trẻ tình nguyện đi cai được đưa vào bệnh viện để cắt cơn, sau đó đi tĩnh tâm và tiếp tục tiến trình cai bằng một thời gian bình phục ở một địa điểm xa thành phố. Ở đây các bạn trẻ sống và sinh hoạt trong môi trường trong sạch theo tinh thần là những anh em trong một gia đình. Hơn hai năm sau, tôi lại ngồi xuống với Khoa để tìm hiểu tiến trình hội phục của em. Trước đây tôi đã từng viết nhiều về tệ nạn ma tuý tại Việt Nam, đưa ra những vấn đề nan giải và những số liệu liên quan đến vấn đề. Song, chúng ta cũng cần nhìn xuyên qua những số liệu, những lý thuyết, chính sách để tiếp cận với các đối tượng trong tệ nạn. Tôi đã chọn Khoa cho cuộc phỏng vấn này vì theo nhận xét của tôi, Khoa là một bạn trẻ “bình thường”. Em là một người trẻ thành phố lanh lẹ, xuất thân từ một gia đình không giàu có, nhưng cũng không nghèo nàn. Em có cơ hội đi học, có nhiều bạn bè, có khả năng triển vọng. Nhưng chính cái “bình thường” này mới làm cho vấn đề giới trẻ lâm vào ma tuý tại Việt Nam trở nên khó hiểu, đặc biệt vì quá nhiều người trẻ trong tệ nạn cũng chỉ là những người “bình thường”. Bài này không phải là một bài nghiên cứu, nhưng chỉ là những gì ghi lại từ 4 cuộc nói chuyện trong thời gian 13 ngày kể từ ngày 8 tháng 1, 2005 đến ngày 21 tháng 1, năm 2005. Hy vọng qua bài này, chúng ta sẽ hiểu thêm phần nào về khuôn mặt và hình dạng của những người mà xã hội và giới truyền thông thường gọi là những “con nghiện”.
LNT: Chào Khoa
Khoa: Chào anh.
LNT: Chúng ta bắt đầu nhé.
Khoa: Dạ. Anh bắt đầu đi.
LNT: Hôm nay chấp nhận được phỏng vấn em thấy như thế nào?
Khoa: Em cảm thấy cũng vui vui, vì trước giờ có bao giờ vậy đâu. (Cười)
LNT: Vậy đây là kinh nghiệm mới đó. Có thể mình sẽ phải nói chuyện nhiều lần để chúng ta có thì giờ để bàn về nhiều vấn đề.
Khoa: Dạ. Không sao.
LNT: Dạo này nhìn Khoa thấy mặt có vẻ cũng tươi đó chứ.
Khoa: (Cười)
LNT: Năm nay Khoa bao nhiêu tuổi?
Khoa: Em 21.
LNT: Em sinh ra và lớn lên ở đâu?
Khoa: TP. Hồ Chí Minh.
LNT: Cuộc sống em lúc còn nhỏ như thế nào?
Khoa : Cuộc sống thì hơi khó khăn về mặt kinh tế. Nhưng về mặt tinh thần thì gia đình em có vẻ hạnh phúc hơn những gia đình khác. Nhưng chỉ hạnh phúc trong gia đình thôi. Còn mối quan hệ với họ hàng thì gay gắt lắm, nhất là mối quan hệ với gia đình bên nhà nội.
LNT: Trong gia đình em là con thứ mấy?
Khoa: Em là con út. Em có một người anh.
LNT: Em lớn lên thì bắt đầu đi học bình thường?
Khoa: Vâng. Em học rất khá.
LNT: Em kể thêm về đời sống đi học lúc còn nhỏ được không?
Khoa: Từ lúc mới bắt đầu đi học cho đến năm lớp 6, em là một đứa con ngoan, học giỏi. Qua đến năm lớp 7 trở đi thì em bắt đầu ham chơi hơn, nhưng chưa đến nổi tệ lắm. Chẳng hạn như rơi vào mấy cái tệ nạn xã hội. Đến năm lớp 10 thì phức tạp hơn, em bắt đầu ăn chơi đủ thứ. Cái gì em cũng biết hết. Và việc học của em cũng ngày càng lui dần. Cho đến lúc học xong cấp 3 thì em chẳng còn nghĩ đến tương lai gì hết, nhưng bên cạnh dó em cũng không quá phiền muộn về kinh tế gia đình. Em chỉ không nghĩ đến tương lai thôi chứ không có sa đọa gì hết.
LNT: Có biến cố gì đặc biệt vào năm lớp 7 đã làm cho em bắt đầu thay đổi?
Khoa: Năm lớp 7 thì em rơi vào một nhóm bạn quậy phá. Trong lớp cũng có những thành phần cá biệt và có lẽ trong lúc đó bản chất quậy phá trong em được khơi dậy, và như thế em đã xuôi theo. Em có những hành vi xấu này đến những hành vi xấu khác, và đặc biệt nổi cộm nhất là năm lớp 8. Từ năm lớp 8 em đã bắt đầu hút thuốc.
LNT: Tại sao em bắt đầu hút thuốc?
Khoa: Khi bắt đầu hút thuốc, em vẫn còn nhớ một người bạn rủ em. Em cũng tò mò hút thử. Em thấy cảm giác lâng lâng vì bị say thuốc. Em cảm thấy sợ cảm giác đó lắm. Mỗi lần em thấy bạn em hút thuốc là em tránh ra. Nhưng đến khi lần đầu tiên thử ma tuý thì thuốc lá đối với em là một người bạn. Em không cảm thấy sợ nữa mà lại rất thích. Em thường hay hút lén trong lớp với bạn ở trong trường và cả trong lớp khi thầy cô đang giảng bài. Và rồi thuốc lá trở thành một thói quen từ lúc nào không biết.
LNT: Em hút thuốc ở nhà ba mẹ có biết không?
Khoa: Lúc đầu ba mẹ không biết; nhưng về sau thì mẹ biết. Sau này ba em phát hiện và đôi khi ba thấy được, ba em chửi em. Nhưng mẹ em thì không chửi. Sau này khi biết em nghiện ma tuý và khi đi cai về xong thì thuốc lá em được tự do trong nhà, ngay cả trước mặt ba. Ba em đôi khi cũng mua thuốc lá cho em hút. Ba không nói đến thuốc lá nữa.
LNT: Khi lớn lên thì em nghe về ma tuý từ lúc nào?
Khoa: Từ năm lớp 8. Lúc này sáng sớm em thức dậy là đi chơi cho đến 12 giờ mới về nhà đi học. Học xong đến 5 giờ chiều, em lại chạy đi chơi bi-da cho đến 12 giờ khuya. Chỗ em hay chơi có hai người chủ là hai anh em cũng mới bắt đầu chơi ma tuý, và em đã nghe về ma tuý tứ lúc đó.
LNT: Vậy khi em nghe về ma tuý lần đầu tiên thì em đã phản ứng như thế nào?
Khoa: Em nghe đến nó thì cảm thấy cũng bình thường thôi, không quan tâm đến nó lắm, không tự mày mò tìm đến nó. Nhưng em bắt đầu mày mò khi được mời đi chơi ma tuý lần đầu tiên.
LNT: Lần đó xảy ra như thế nào?
Khoa: Lần đó là vào sáng Chủ Nhật. Em cũng lại đến quán bi-da chơi và gặp 2 người thanh niên trong xóm lớn tuổi hơn em. Em cũng biết đến 2 người đó đã từng chơi ma tuý. Hôm đó một thằng tên là Hiếu hỏi em: “Ê Khoa, đi chơi không?”. Em hỏi đi chơi cái gì? Nó nói là ma tuý và hỏi em có bao nhiêu tiền. Em nói chỉ có mấy chục thôi. Nó bảo: “Vậy thôi ngồi chơi với tao cũng được”. Em đồng ý đi. Và em đã chứng kiến hai đứa chơi ma tuý trước mặt em. Em cũng muốn biết nó ra sao lắm, vì mình nghĩ mình bỏ tiền ra đâu phải để cho hai đứa nó chơi không. Hai tụi nó thấy em có một cái nhẫn vàng trên tay và bắt đầu dụ em. Nó nói chơi một tí đi. Em đồng ý ngay vì em đang tò mò mà. Em chơi một bi lần đầu tiên. Em ói ra mật xanh mật vàng luôn. Nhưng sau 1 bi đó là bi thứ hai, em bắt đầu cảm thấy thích vì cảm giác lâng lâng của nó. Và em chơi cho đến hết cuộc chơi luôn.
LNT: Bi thứ hai đó là chơi ngay sau khi chơi bi thứ nhất?
Khoa: Dạ. Và mọi việc xảy ra liên tục như thế về sau này.
LNT: Khi chơi bi thứ nhất, bị ói như vậy tại sao tiếp tục chơi bi thứ hai?
Khoa: Vì sau bi thứ nhất thì cảm giác lâng lâng ập đến ngay, và tác dụng của nó làm em cảm thấy thích. Vì khi chơi cái đó hút thuốc rất ngon, ngon hơn khi mình hút thuốc lúc bình thường.
LNT: Lần chơi đầu tiên này diễn ra ở đâu?
Khoa: Tại một quán cà phê cũng không xa nhà em lắm. Chỗ đó chứa những người chơi ma tuý.
LNT: Trước đây em đã bao giờ tới những quán như vậy chưa?
Khoa: Chưa bao giờ.
LNT: Khi chơi xong, rời khỏi quán cà phê thì em đi đâu?
Khoa: Em trở lại quán bi-da và 2 người trong quán bi-da thấy biểu hiện của em như vậy biết là em đã sử dụng ma tuý, và 2 người đó bắt đầu tiếp cận em. Sau này thì em đi chơi với 2 người đó, ít đi với 2 thanh niên kia.
LNT: Rồi khi về nhà thì em cảm thấy như thế nào sau lần đầu tiên đó?
Khoa: Sau khi về nhà em cảm thấy sợ lắm, vì sợ ba mẹ nhìn thấy em như vậy. Nhưng em lại nhớ đến nó, và cứ đến Chủ Nhật em lại ra quán bi-da đó. Không chỉ riêng Chủ Nhật mà cả ngày thường nữa – lúc nào em cũng ra hết vì lúc mới chơi ma tuý thì ai cũng có nhiều tiền cả, rất dư.
LNT: Tiền đâu mà có để mua ma tuý, vì kinh tế nhà em không được tốt?
Khoa: Lúc mới chơi tiền mẹ cho em để đi học cũng có một ít, nhưng nó không đủ để mua cho nên mới rủ 2 người trong quán bi-da mua rồi chơi chung. Nhưng lúc nào có tiền thì em mua riêng.
LNT: Thời gian đầu em chơi một tuần khoảng mấy cữ?
Khoa: Ban đầu thì em chơi rất ít, nhưng về sau khi có nhiều bạn rồi thì một tuần chơi hết cả tuần, liên tục với những người khác nhau.
LNT: Mỗi lần chơi khoảng bao nhiêu tiền?
Khoa: Một lần chơi thường là khoảng 50.000. Còn những lúc sinh nhật bạn bè hay có dịp đi chơi mẹ cho tiền nhiều thì khoảng từ 200.000 trở về.
LNT: Thường em chơi ở đâu?
Khoa: Lúc mới chơi thì thường là em chơi trong quán karaoke, nhưng về sau thì thường về nhà bạn bè chơi, vì lúc đó tiền không còn dư giả để có thể vào karaoke nữa.
LNT: Lúc này thì em chỉ hít hay đã bắt đầu chích?
Khoa: Từ lúc mới chơi cho đến năm lớp 12 thì chỉ có hít thôi. Về sau khi tiền ít đi thì bắt đầu chuyển qua chích.
LNT: Lúc mới chơi em cảm thấy sợ bị chính quyền phát hiện không?
Khoa: Em không sợ bị chính quyền phát hiện mà chỉ sợ gia đình thôi.
LNT: Thời gian này mối quan hệ giữa em với ba mẹ như thế nào?
Khoa: Ba mẹ từ khi biết em đi chới quá nhiều thì khó hơn lúc trước. Nhưng cho đến khi biết em chơi ma tuý thì không con buông lỏng em nữa – đi đâu ba mẹ cũng hỏi và có khi còn theo dõi em nữa.
LNT: Từ khi em bắt đầu chơi tới lúc ba mẹ phát hiện là bao lâu?
Khoa: Khoảng 3 năm.
LNT: Tại sao lâu vậy?
Khoa: Vì em chơi rất kín, không để hé lộ điều gì. Không cho ba me thấy biểu hiện gì hết.
LNT: Nhưng trong 3 năm đó có bao giờ ba mẹ nghi ngờ không?
Khoa: Có, vì có nhiều người nói lại với ba mẹ rằng em chơi ma tuý với những người trong xóm, và ba mẹ bắt đầu nghi ngờ. Đôi khi ba mẹ cũng thử nước tiểu. Nhưng em qua mặt được hết.
LNT: Nhưng tại sao ba mẹ không tiếp cận em liền?
Khoa: Mới đầu ba mẹ chỉ theo dõi thôi, về sau ba mẹ nghe nhiều quá mới bắt đầu kiểm tra rồi test, cấm đi chơi, ít cho tiền lại.
LNT: Với các phương pháp trên của ba mẹ thì em đối phó như thế nào?
Khoa: Từ lúc ba mẹ ít cho đi chơi thì em lợi dụng thời gian đi học để đi chơi, rồi nói dối là đi học thêm. Nhưng chính lúc ấy em có thời gian để đi chơi. Còn về tiền bạc thì em không lo vì bạn bè em rất nhiều. Em thường xuyên có bạn rủ đi chơi, chứ không cần em rủ.
LNT: Trong thời gian này có bao giờ em làm gì phạm pháp để có tiền không?
Khoa: Mới đầu thì không có phạm pháp. Đôi khi có lấy tiền của người trong nhà thôi, chứ không có ra đường ăn cắp vì không thiếu thốn lắm. Nhưng từ khi nhà em bị ăn trộm ăn cắp, gia đình bên nội cứ đổ thừa cho em, nên em không bao giờ ăn cắp trong nhà nữa.
LNT: Từ lúc em bắt đầu chơi cho đến lúc em phát hiện mình bị nghiện là bao lâu?
Khoa: Khoảng 4 tháng.
LNT: Khi biết mình bị nghiện em thấy như thế nào?
Khoa: Em không suy nghĩ gì hết, cứ lo cắm đầu kiếm tiền. Nhưng có những lúc thấy khó khăn quá rồi em mới bắt đầu suy nghĩ: Tại sao mình cứ như vậy? Và tự trách, tự nhủ nên cố gắng hơn. Nhưng chỉ được một lúc cho đến khi cơn nghiện lên thì em lại không nghĩ gì hết.
LNT: Lần đầu tiên em có ý định bỏ ma tuý là lúc nào?
Khoa: Điều này xảy ra rất lâu từ lúc em bắt đầu chơi, khoảng 2 năm – lúc gia đình cấm đoán, không tin tưởng em nữa, em mất nhiều thứ như vật chất, bạn gái, và bạn bè. Lúc đó em mới suy nghĩ.
LNT:Lúc em chơi ma tuý em vẫn có bạn gái?
Khoa: Em vẫn có cho đến hết năm cấp 3.
LNT: Làm sao em tập trung vào bạn gái được?
Khoa: Em ít quan tâm lắm. Bạn gái chỉ là một cái gì đó trong lúc mình cô đơn hay buồn bã thôi. Bạn gái em cũng biết em chơi, nhưng về sau thấy biểu hiện của cô ấy là không muốn quen với em nữa.
LNT: Biết em chơi tại sao bạn đó lại muốn làm bạn gái với em?
Khoa: Vì khi em chơi ma tuý em có nhiều bạn lắm, và bạn của em toàn là thành phần nổi cộm trong trường, toàn dân có tiền, ăn chơi. Bạn gái em cũng cảm thấy thích vì mối quan hệ của em với những người khác, nên cũng theo em chơi vậy thôi. Thấy tụi em có nhiều bạn bè, đông vui, lại đi chơi nhiều nên muốn quen với em.
LNT: Em bắt đầu chơi từ năm lớp 8, làm sao em thi lên được tới lớp 10 nếu em bỏ bê việc học hành?
Khoa: Em học được khoảng 2 tiết là đến giờ ra chơi, em lại trốn ra ngoài đi chơi ma tuý. Nhiều người cũng thắc mắc sao em có thể lên lớp được. Khi dính vào nó, em lơ là lắm. Nhưng sắp đến kỳ thi là em học bài rất kỹ.
LNT: Có lẽ đó là lý do tại sao ba mẹ không nghi ngờ em nhiều thời gian đầu?
Khoa: Có thể là vậy. Tại vì thời gian em đi chơi ma tuý đa số là thời gian đi học. Sau này em ít khi xin đi chơi nên ba mẹ không nghi.
LNT: Thời gian này mối quan hệ giữa em với ba mẹ có tốt không? Em có hay chia sẻ với ba mẹ không?
Khoa: Tốt, vẫn vui vẻ bình thường. Nhưng về sau thì có vẻ không được như ban đầu. Ba em không còn quan tâm nhiều như trước nữa. Nhưng mẹ em thì ngược lại, quan tâm nhiều hơn.
LNT: Có bao giờ hai cha con lớn tiếng với nhau không?
Khoa: Không. Nếu ba em chửi em thì em im lặng.
LNT: Khi mẹ em phát hiện em chơi ma tuý thì mẹ em nói gì với em?
Khoa: Ban đầu thì mẹ em chửi, rồi hỏi vì sao lại chơi ma tuý. Rồi khuyên em hãy ráng ở nhà cai, và nhỏ nhẹ với em hơn.
LNT: Khi mẹ em khuyên ở nhà cai thì em trả lời như thề nào?
Khoa: Em cũng đồng ý, trước hết là làm cho ba mẹ tin tưởng mình và em cũng muốn dứt bỏ ma tuý lấy lại niềm tin của ba mẹ.
LNT: Trước khi ba mẹ phát hiện em đã bao giờ nghĩ là muốn bỏ chưa?
Khoa: Chưa. Vì lúc đó em chưa cảm thấy sợ. Từ lúc bị ba mẹ phát hiện thì em bắt đầu thấy sợ hơn, và đôi lúc nghĩ là mình sẽ phải bỏ.
LNT: Tại sao em lại thấy sợ hơn nếu ba mẹ biết?
Khoa: Vì từ hồi nhỏ em là một thằng con ngoan. Ba mẹ nói gì cũng nghe hết, không bao giờ em dám cải lại. Tự nhiên mình cảm thấy sợ thôi, không có lý do nào khác. Đó là tâm trạng tự phát sinh.
LNT: Vậy là lúc đó em đã quyết định ở nhà cai?
Khoa: Vâng. Lúc đó là giữa năm lớp 11.
LNT: Kinh nghiệm cai lần đầu tiên đó như thế nào?
Khoa: Em chỉ cảm thấy mình bị gò bó và khó chịu lắm, giống như là mình vừa bị cướp đi một người bạn thân thiết.
LNT: Lúc đó em có phải nghỉ học không?
Khoa: Không, em vẫn đi học. Nhưng ba em đưa đi rước về, không để em đi một mình.
LNT: Khi ở trường thì em có ý định muốn trốn học không?
Khoa: Có, em vẫn trốn học.
LNT: Vậy lần đầu tiên em cai được bao lâu?
Khoa: Khoảng 2 tháng. Nói hai tháng chứ thật sự không hẳn là cai, vì em vẫn chơi, nhưng ít hơn.
LNT: Sau 2 tháng đó thì em trở lại với mức độ như thế nào?
Khoa: Lúc ban đầu em nghĩ chỉ chơi một tuần 1 lần thì sẽ không nghiện. Nhưng bạn bè càng ngày càng nhiều cho nên ngày nào cũng có bạn tìm hết, và ngày nào cũng chơi. Riết rồi thành thói quen, cứ xúm vào là chơi. Nếu bình thường thì chơi theo bình thường, còn có tiền thêm thì chơi thêm và càng ngày càng lún sâu vào nó.
LNT: Theo em, nguyên nhân lớn nhất tại sao em không thành công lần đầu cai là gì?
Khoa: Là tại vì em không định hướng được và không xác định được là em muốn gì và cũng chưa có một biến cố nào thật sự lớn và gây ấn tượng để cho em dứt bỏ ma tuý.
LNT: Khi em trở lại chơi thì tâm lý em lúc đó như thế nào?
Khoa: Em chẳng nghĩ gì hết vì em thật sư chưa nhận ra tác hại của nó. Đến khi em cảm thấy mình bị mất mát quá nhiều rồi – bạn bè, vật chất, niềm tin của ba mẹ – và không còn đường cứu chữa nữa, em mới nghĩ về tương lai và những cuộc chơi của em, một tương lại rất mập mờ.
LNT: Nhưng khi đang chìm sâu trong ma tuý thì cái gì đã làm em “thức tỉnh” để nhận ra điều này?
Khoa: Em nhớ có một hôm em đang nằm phê một mình ở nhà, em nghĩ: Phải chi mình được bình thường như mọi người nhỉ – không bị vật vã? Vì lúc đó em rất sợ bị vật vã. Em mới cầu xin Chúa cho em một cơ hội để em có thể dứt bỏ được ma tuý. Và không lâu sau, em nghe đến chương trình cai nghiện PS (đã đề cập đến ở phần đầu). Em thật sự nôn nóng muốn đi để thay đổi mình.
LNT: Trước đây em có hay cầu nguyện không?
Khoa: Không.
LNT: Lúc đó tại sao em bắt đầu cầu nguyện?
Khoa: Vì lúc đó em biết em và gia đình không thể nào kéo em ra nổi nên chỉ cầu nguyện một cách bình thường. Giống như là lúc sắp chết thì người ta thường nói vài câu trước khi chết vậy thôi. Em không thật sự có ý cầu nguyện và cũng không tin lắm.
LNT: Em có thể kể lại một trường hợp mà làm cho em cảm thấy như mình đã tới đường cùng?
Khoa: Ví dụ ba mẹ không cho tiền. Khi biết mình bị nghiện nặng rồi thì không còn bạn bè nào đến chơi với mình nữa. Em thì không đi làm thì tiền đâu mà chơi. Có một lần em đã chịu không nổi và đã lấy cắp 1 chiếc xe đạp ở một game shop.
LNT: Còn mấy đứa bạn mà cùng chơi với em trước đây thì sao? Tụi nó đi đâu hết?
Khoa: Một số thì chơi một mình vì cũng nặng đô. Một số thì đi cai, còn một số thì bỏ được.
LNT: Lần ăn cắp xe đạp đó có phải là lần đầu tiên lấy đồ người khác không?
Khoa: Vâng. Sau đó thì em không bao giờ ăn cắp gì nữa. Chỉ 1 lần thôi.
LNT: Ăn cắp xong rồi thì trong người thấy như thế nào?
Khoa: Lúc đầu em cảm thấy hương phấn, nhưng về sau thì thấy tội lỗi.
LNT: Khi mới nghe về chương trình PS thì em có những ý tưởng gì trong đầu?
Khoa: Chỉ đơn thuần là trước hết nó có thể giúp em không bị nghiện ma tuý nữa, và mình không còn bị vật vã nữa. Đơn giản thế thôi.
LNT: Lúc này em đã tốt nghiệp chưa?
Khoa: Dạ rồi, và đang học trung cấp.
LNT: Sau khi cai lần đầu tiên thì em đã thử cai lần nào nữa chưa?
Khoa: Sau lần đầu tiên thì em không hề có ý nghĩ mình sẽ đi cai lần thứ hai hay thêm nữa.
LNT: Tại sao có những đứa bạn đi cai mà em không đi cai ở những nơi đó?
Khoa: Tại vì lúc đó em không muốn vào trường trại, vì em nghe nhiều điều làm em sợ. Nếu thật sự không có chương trình PS chắc là em cũng phải đi trường cai thôi.
LNT: Lúc này em đã chuyển qua chích chưa?
Khoa: Dạ chuyển qua rồi, khoảng 1 năm.
LNT: Vì sao chuyển qua chích?
Khoa: Vì lúc em đi chơi có một người bạn đi chung với em và người đó thường chích. Lúc đó vì hàng ít quá nên người đó nói em chích thử. Em cũng thử và cảm thấy thích vì cảm giác của nó mạnh hơn hít nhiều. Sau đó em chỉ hít lúc nào có nhiều tiền. Nhưng trở lại hít thì em cảm thấy chán, mất thời gian và cảm giác không được như chích. Cảm giách chích mạnh hơn gấp 2-3 lần.
LNT: Trước khi vào chương trình PS thì em làm gì?
Khoa: Em chỉ biết nằm ở nhà chờ đợi thôi. Em nôn nóng lắm, nhưng em phải chờ vì chưa đến khoá mới.
LNT: Thời gian chờ khoá mới em có tiếp tục chơi không?
Khoa: Có, chơi đến lúc đi cai thì thôi.
LNT: Thời gian này thì giữa em và ba mẹ có gì tốt hơn không?
Khoa: Không, càng ngày càng tệ. Vì em thường hay tìm cách để đi chơi. Nên khi không thấy em ở nhà là ba mẹ em chửi. Nghe ba me chửi thì em lại cảm thấy bực tức và không muốn nghe.
LNT: Em phải chờ bao lâu mới vào viện?
Khoa: Khoảng 15 ngày.
LNT: Lúc vào viện thì tâm lý em lúc đó như thế nào?
Khoa: Em cảm thấy thoải mái vì điều mình muốn đã đến.
LNT: Lần này so với lần thứ nhất cai thì khác nhau như thế nào?
Khoa: Hoàn toàn khác. Em cảm thấy thoải mái vì mình có được những người bạn đồng cảnh ngộ. Có những người giúp mình và được học hỏi thêm nhiều về ma tuý và rút kinh nghiệm nhiều hơn.
LNT: Thời gian trong viện có sự cố gì xảy ra không?
Khoa: Có. Đó là một buổi tối khi tất cả vào trong phòng. Phòng em gồm có em, Đ., S., T., anh C. và em của Đ. Khi đó tụi em được mấy seour cho ăn trái lê và tụi em mang vô trong phòng cất. Lúc đó có lẽ tụi em bị sảng thuốc và nghĩ là nếu vắt nước lê để chích thì có mùi giống như chơi hàng. Nên tụi em lấy một cái quần lót mới của một người và bắt đầu vắt và chích thử nước lê đó. Em chích đầu tiên, chẳng thấy có gì; nhưng tâm lý mình cứ nghĩ là mình đang “bê” nên cũng nói thấy có mùi. Mấy đứa khác kế tiếp em là em của Đ. (bị nhiểm HIV) rồi tới T., tới Đ., rồi lại tới tới em Đ., rồi tới S.
LNT: Lúc đó là ngày thứ mấy trong viện?
Khoa: Có lẽ là ngày thứ 3.
LNT: Kim đâu có mà chích?
Khoa: Kim đó là lúc trước khi vô viện có vài anh em chơi “phát ân huệ” mang vô.
LNT: Kim dễ mang vào vậy sao?
Khoa: Rất dễ.
LNT: Tới khi nào thì chuyện này bị phát hiện?
Khoa: Khi một y sĩ trong viện thấy tụi em đang loay hoay trong toilet.
LNT: Khi nào thì tụi em mới biết là em Đ. bị nhiễm?
Khoa: Khi tới dòng ĐMNN để tĩnh tâm mấy ngày trước khi đi hậu cai.
LNT: Khi nghe điều này thì em đã phản ứng như thế nào?
Khoa: Em thấy rất hoảng sợ và u sầu. Em không còn thiết nghĩ đến điều gì nữa, không nói chuyện với ai, không muốn ăn uống gì hết, và lúc nào cũng u buồn.
LNT: Tại sao? Vì em là người chích đầu tiên?
Khoa: Không phải. Tại vì có một người nói cây kim đó là của một người đã bị nhiễm cùng đi cai chung chơi rồi, rửa sạch rồi cất đi.
LNT: Thế thì những ngày tĩnh tâm ở dòng ĐMNN là những ngày rất khó khăn?
Khoa: Vì trong những ngày đó cũng có những cám dỗ nữa, và có một sự cố. Có một anh em mang được hàng vô. Lúc đó em đang ở ngay trong phòng tắm kề bên anh ta, và em biết chắc là anh ta đang mang hàng trong người. Lúc đó em đấu tranh không biết phải làm sao và em quyết định bỏ ra ngoài, không nói gì hết. Và em đã không dính dáng vào vụ đó.
LNT: Khi đã quyết định bỏ ra ngoài thì em cảm thấy như thế nào?
Khoa: Em cảm thấy thoải mái và nhẹ nhỏm hơn, và em thấy bình yên.
LNT: Những ngày ở viện và ở dòng ĐMNN thì ba mẹ có tới thăm không?
Khoa: Không, cho đến lúc đi hậu cai cũng không có ai được đến thăm
LNT: Những ngày đó em có hay nghĩ tới gia đình không?
Khoa: Có chứ, em cũng nhớ gia đình lắm. À, có điều này chưa kể trong viện. Trong thời gian ở đó, những ngày đầu em mệt quá nên em thường xin thuốc uống của bác sĩ, gọi là “thuốc sảng”. Khi uống thứ thuốc đó, nó không làm cho mình vật vã nữa, mọi hành động của mình diễn ra tự nhiên. Nhưng sau khi tỉnh dậy mình không thể nào nhớ được mình đã làm gì, giống như mình đi vào trạng thái hôn mê. Có một lần em đã uống quá liều và em mệt quá chịu không nổi và bị bất tỉnh gần 2 ngày. Bác sĩ phải vô nước biển cho em.
LNT: Khi ở ĐMNN tĩnh táo rồi thì em có suy nghĩ nhiều về cuộc sống của mình không?
Khoa: Có chứ, nên em muốn trước tiên phải rời thành phố một thời gian để nghĩ coi mình nên làm gì để tương lai tốt đẹp hơn. Và thế là em quyết định đi không suy nghĩ nhiều về gia đình nữa.
LNT: Lúc này tâm trạng của những bạn cùng chích trong viện như thế nào?
Khoa: Cũng hoảng sợ như em, nhưng em cũng không hiểu rõ họ đang nghĩ gì. Em đoán là chắc cũng giống em.
LNT: Đến lúc nào thì em mới biết được là mình không bị nhiễm
Khoa: Sau lần đi thử máu lần thứ 2. Lần đó anh D. (người quản nhiệm nơi địa điểm hậu cai và cũng là người nghiện trước đây) dắt em về sau khoảng 6 tháng.
LNT: Trong thời gian 6 tháng chờ đợi đi xét nghiệm em như thế nào?
Khoa: Em bình thường vì được mọi người khuyên bảo và an ủi, nên em không nghĩ đến nó nữa.
LNT: Lúc đó em có hình dung trường hợp mình bị nhiễm thì mình sẽ làm gì không?
Khoa: Có. Em nghĩ lúc đó chắc em không còn cần đến ai hay điều gì nữa. Chắc em sẽ sa đọa hơn.
LNT: Khi ba mẹ nhận được thông tin về sự cố ở viện thì họ đã phản ứng như thế nào?
Khoa: Ba mẹ cũng chửi nhưng không nhiều, chỉ trách móc thôi. Vì việc đã xảy ra rồi, đâu còn ngăn lại được.
LNT: Em nghĩ trong lòng của mẹ em lúc đó như thế nào?
Khoa: Em nghĩ chắc mẹ em lo lắm, và buồn bã, nhưng không biết làm gì hơn.
LNT: Thời gian này em có cầu nguyện để không bị nhiễm không?
Khoa: Có, em cầu nguyện rất nhiều.
LNT: Khi em nói với gia đình là sẽ đi hậu cai thì gia đình có vui không?
Khoa: Có. Gia đình vui lắm nhưng vẫn lo vì sợ em sẽ chịu không nổi rồi đòi về sớm. Ba mẹ khuyên em cứ đi một thời gian, nếu thấy buồn thì mẹ sẽ cho phép về mấy ngày chơi, chứ không nói chừng nào về.
LNT: Còn chi phí cho việc hậu cai thì gia đình xoay sở như thế nào?
Khoa: Lúc đó gia đình cũng thiếu thốn, nhưng cũng may là anh ruột của em còn đi làm nên cũng phụ giúp được chút ít.
LNT: Đến nay mình mới nhắc đến anh ruột. Anh của em và em có mối quan hệ như thế nào?
Khoa: Anh em thương em lắm, tuy ít nói. Nhưng em biết anh rất lo cho em.
LNT: Thời gian em mới bắt đầu chơi, anh của em không biết gì?
Khoa: Không, vì anh của em thường xuyên phải đi làm nên ít có thời gian ở nhà để tiếp xúc với em.
LNT: Vậy thì em ít có dịp để tâm sự với anh em?
Khoa: Dạ. Rất ít.
LNT: Thời gian ấy có bao giờ em ước gì có thể tâm sự với anh mình?
Khoa: Không, em không nghĩ gì hết vì anh của em cũng không thể giúp em được.
LNT: Vậy thời gian đó, em tâm sự với ai khi có chuyện buồn?
Khoa: Em không tâm sự với ai hết. Nhiều khi buồn em chỉ biết đi tìm hàng, chơi xong rồi chẳng nghĩ gì nữa.
LNT: Em có nghĩ nếu mình có người để tâm sự thì sẽ tốt hơn không?
Khoa: Nếu thật sự người đó có thể giúp em. Còn nếu tâm sự không mà không giúp được em điều gì, thì em cũng không nghĩ việc tâm sự đó có hiệu quả.
LNT: Em không dễ dàng tâm sự với ba mẹ?
Khoa: Dạ. Vì em không có thói quen đó. Nhưng em nghĩ nếu mình có người để tâm sự thì cũng có thể giúp mình nhiều hơn.
LNT: Từ ngày em đi hậu cai, em có cơ hội để tâm sự nhiều hơn với ba mẹ không?
Khoa: Không, vì ít khi ba mẹ lên thăm. Và khi lên thăm chỉ hỏi han sức khoẻ, hỏi em cảm thấy sao thôi. Chứ không tâm sự gì nhiều.
LNT: Vậy em có nghĩ là những người thân của mình hiểu được những gì trong lòng mình không?
Khoa: Em nghĩ là họ có thể hiểu nhưng không giúp được em. Điều này cũng đúng thôi. Em phải tự giúp em trước đã rồi mới tới họ.
LNT: Tại sao em nghĩ họ không giúp được?
Khoa: Vì nếu họ giúp mình mà mình không muốn cải thiện bản thân thì cũng như không.
LNT: Nhưng chắc chắn là những năm qua họ đã giúp mình bằng nhiều cách?
Khoa: Đúng. Nhưng những người giúp em chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là người thân trong gia đình mà thôi. Còn bà con họ hàng cũng không màng gì tới em.
LNT: Em cảm thấy bất mãn với những người bà con?
Khoa: Có, em rất bất mãn vì chẳng có một chút quan tâm gì đến những người trong gia đình, họ hàng.
LNT: Theo em thì họ nên quan tâm như thế nào?
Khoa: Ít ra họ cũng nên thường xuyên thăm hỏi, lên thăm em chung với mẹ em, hoặc là tiếp đón em tử tế khi em đến nhà. Hay lâu lâu dẫn em đi ăn uống và tâm sự với em. Em chẳng thấy gì hết, bạc bèo lắm.
LNT: Trở lại thời gian hậu cai, thời gian này em thấy mình thay đổi như thế nào?
Khoa: Em thấy mình đã biết suy nghĩ cho tương lai và có những kinh nghiệm và một chút gì đó có thể vượt qua những thử thách.
LNT: Lúc ở đó, tâm trạng em có tự tin không?
Khoa: Có, tự tin lắm. Em về Sài Gòn một mình, giữ trong tay rất nhiều tiền nhưng em không bao giờ nghĩ đến chuyện đó.
LNT: Đi hậu cai bao lâu thì em mới về Sài Gòn lần đầu tiên một mình?
Khoa: Ngày 23 tháng 4, 2002 em đi hậu cai. Và lần về Sài Gòn thì khoảng 6-7 tháng sau đó.
LNT: Thời gian ở xa thành phố em có nhớ thành phố không?
Khoa: Có chứ, nhớ nhiều lắm.
LNT: Khi đang hậu cai có lúc nào em nhớ về ma tuý không?
Khoa: Không, không nhớ. Thật sự em không nhớ. Tại vì trên đó thời gian rất kín và có nhiều việc để làm, có nhiều bạn bè. Lúc nào cũng vui đùa nên em không có thời gian mà nghĩ đến nó.
LNT: Ở trong môi trường hậu cai, em đã có được những gì mà trước kia em không có?
Khoa: Em có được niềm vui trong sạch với những người trong sạch.
LNT: Đời sống tâm linh của em lúc đó như thế nào?
Khoa: Đời sống tâm linh của em bắt đầu hình thành. Em bắt đầu có đời sống tâm linh, em cảm nhận được những cái hay trong khi cầu nguyện. Em thấy cuộc sống và tâm hồn mình bình an.
LNT: Tính từ lúc lên tới lúc em bắt đầu có cảm nhận này là bao lâu?
Khoa: Khoảng 2 tháng sau.
LNT: Trong hai tháng đó, những gì cụ thể ở nơi hậu cai đã tác động đến em?
Khoa: Đó là tình thương của mọi người, của cha, seour, và các ân nhân khác. Họ là những người không quen biết mình nhưng lại thật nhiệt tình với mình. Nên em nhận ra được một điều gì đó từ tình người. Điều này làm cho em nghĩ thêm về tâm trạng của ba mẹ. Người không quen biết đã như vậy, huống gì là ba mẹ. Nghĩ như vậy nên em cố gắng hơn.
LNT: Sau những thay đổi ban đầu thì sau này em tiếp tục thay đổi như thế nào?
Khoa: Em thay đổi nhiều về mặt tính tình. Em có suy nghĩ chính chắn hơn, biết suy nghĩ về việc nên và không nên làm. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu thôi vì sự suy nghĩ chính chắn ấy vẫn chưa được thể hiện qua hành động cụ thể.
LNT: Bắt đầu lúc nào thì em mới chuyển qua hành động?
Khoa: Khoảng chừng 5 tháng sau. Em cố gắng hơn trong mọi việc và sống vui vẻ hoà đồng hơn với mọi người – hơn thời gian mới đi hậu cai. Em cũng kềm nén bản tính ngang ngược háo thắng của em lại, mặc dầu đôi khi cũng bị bộc phát.
LNT: Ví dụ như thế nào?
Khoa: Ví dụ như hồi trước ai mà chơi em hay chửi em là em chửi lại liền. Còn bây giờ có người chửi em, em cũng bình tỉnh. Em không có giận hờn hay để trong lòng gì hết. Em bắt đầu suy nghĩ: Tại sao người ta chửi mình? Em bắt đầu tìm những nguyên nhân của việc đã xảy ra và em cũng không bao giờ hờn trách gì hết. Tính tình em thay đổi nhiều lắm.
LNT: Những người xung quanh có ai nhận ra sự thay đổi này trong em không?
Khoa: Có chứ, đặc biệt là ba mẹ vì cũng đã lâu em không về nhà. Nên khi về nhà thấy cách cư xử và ăn nói của em, ba mẹ em nói em thay đổi hơn trước nhiều, em ngoan hơn.
LNT: Em đã cảm thấy như thế nào trước nhận xét này từ ba mẹ?
Khoa: Em cảm thấy vui vì trong thời gian em đi hậu cai, em đã nhận được một điều gì đó giúp cho bản thân em.
LNT: Em có nói là đôi khi em vẫn bộc phát, em bộc phát ra sao?
Khoa: Đó là phản ứng của em sau những lời khiêu khích của mấy anh em khác. Em không chịu thua ai hết. Nếu ai đó thách em làm điều gì mà họ không dám làm là em làm liền.
LNT: Em có tìm cách khắc phục vấn đề này không?
Khoa: Có. Nhiều người nói với em tính tình như vậy không được nên em cầu nguyện mỗi ngày để cho em khiêm tốn lại. Và đã thật hiệu quả. Sau này hễ ai mà khích em, em không làm gì theo ý của họ hết. Em chỉ nói ngược lại: Sao những điều đó mày không làm mà lại kêu tao làm? Vì những điều mà anh em khác khích em chỉ toàn là những trò phá phách thôi.
LNT: Ví dụ?
Khoa: Gần nhà bếp có một cây điều, và có một cành điều rất to xệ xuống nhà bếp. Nếu cành điều đó đổ xuống thì chắc nhà bếp sẽ bị hư hỏng nặng. Lúc đó T. thách em: Đố mày dám chặt cành điều đó xuống! Em đang cầm cây đao chặt củi và em chơi luôn. Thế là nhà bếp bị cành điều đè, làm hư luôn giàn mướp. Nhưng sau này thì em không còn phản ứng như vậy nữa khi có người thách em.
LNT: Theo em thì sự trưởng thành này đến từ đâu?
Khoa: Em nghĩ từ những lúc phá phách rồi bị người khác phản hồi lại em mới bắt đầu suy nghĩ rằng điều đó mình làm là điều không hay. Từ đó em rút kinh nghiệm, và dần dần em đã hiểu ra.
LNT: Nhưng trước đây em cũng phá phách nhiều và ba mẹ cũng phản hồi. Tại sao em không chịu nghe?
Khoa: Lúc đó thì em không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Tuổi trẻ còn bồng bột lắm. Trên TT, em có thời gian và không gian, môi trường tốt để cho mình suy nghĩ và rút kinh nghiệm liền, nên hiệu quả hơn lúc ở nhà.
LNT: Thời gian hậu cai, ngoài việc khắc phục tính nết, thách thức lớn nhất của em là gì?
Khoa: Đó là tìm ra cách để giúp mình thoát khỏi ma tuý.
LNT: Em có tìm ra được lối “thoát” không?
Khoa: Chưa tìm ra được cách nào, nhưng em đã thử một cách và cũng thấy có hiệu quả. Nhưng em vẫn còn mập mờ về cách đó lắm. Đó là mỗi lần em được về Sài Gòn, được anh D. tin tưởng giao tiền bạc để mua đồ hay chữa bệnh cho mấy anh em khác, thì em không bao giờ có suy nghĩ là mình sẽ bớt tiền để đi mua hàng chơi hay làm việc khác. Vì trước khi về đến Sài Gòn em thường cầu nguyện xin Chúa giúp cho em luôn được sạch và bình an trong khi đi làm nhiệm vụ. Đó là cách duy nhất hồi trước em áp dụng.
LNT: Từ lúc nào thì em được giao những trách nhiệm tương đối quan trọng?
Khoa: Từ lúc em hoàn thành mọi trách nhiệm trên đó cách tốt đẹp và làm hết sức mình. Sau này được giao những nhiệm vụ khác em cũng đã làm tốt. Vì thế em được giao nhiệm vụ cao hơn. Lần đầu tiên em về Sài Gòn, em được anh D. giao cho khoảng mấy trăm ngàn để đem Đ. và N. đi chữa bệnh. Lúc này em đã cầu nguyện để thi hành trách nhiệm tốt. Làm xong mọi việc, em vẫn con dư giã tiền bạc, nhưng em không hề nghĩ đến điều đó. Thật sự là cũng có những cám dỗ khi đi ngoài đường. Nhưng lúc đó em cầu nguyện: Lạy chúa con đang yếu đuối đây. Xin Chúa gìn giữ con. Và lúc đó em đã vượt qua.
LNT: Em đã đề cập nhiều về vấn đề cầu nguyện. Lý do gì thúc đẩy em cầu nguyện nhiều trong những tình huống này?
Khoa: Vì em nghĩ đơn giản là bây giờ em đang đi ngoài đường. Nếu em bị cám dỗ thì với bản thân em đã là một người nghiện thì khó mà vượt qua. Nên em chỉ biết cầu nguyện thôi. Cho đến lúc về đến nhà vào buổi tối, sắp đi ngủ em mới biết là mình đã vượt qua.
LNT: Lúc đó em có cảm giác như thế nào?
Khoa: Em thấy trong lòng mình vui lắm vì đã được bình an. Trước khi đi ngủ em cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì con đã được bình an. Xin cho con ngày mai cũng được sạch như ngày hôm nay.
LNT: Sau này em đã về SG tất cả bao nhiêu lần?
Khoa: Khoảng gần 10 lần.
LNT: Lần đầu tiên chắc rất khó, còn sau này thì sao?
Khoa: Sau này thì đỡ hơn. Mặc dầu trong lòng vẫn còn áy náy, nhưng rất là ít. Có lẽ Chúa ban sức mạnh cho em.
LNT: Những lần về thành phố mà không có sự cố như vậy đã giúp em như thế nào về sự tự tin?
Khoa: Em cảm thấy mình mạnh mẽ lắm và em cũng tiếp tục cầu nguyện vì em chỉ biết làm như thế thôi. Có lần em nhớ ngồi nói chuyện với anh ở trước cổng nhà TT, lúc em sắp về. Anh đã hỏi em có cách nào giúp mình vượt qua cám dỗ? Em nói là em đã có cách, đó là cầu nguyện. Lúc đó cầu nguyện là điều em cảm thấy hy vọng cho bản thân em nhất.
LNT: Ở hậu cai thì em có thay đổi nhiều, nhưng có những bạn khác thì không thấy có nhiều thay đổi, theo em thì lý do tại sao?
Khoa: Em nghĩ có lẽ họ đi hậu cai chỉ với mục đích trốn tránh hay là đi “nghỉ” gì đó thôi, nên họ không cố gắng để tìm mục đích để thay đổi.
LNT: Để họ có thái độ thật sự muốn thay đổi thì việc gì phải xảy ra để tác động đến họ?
Khoa: Có lẽ phải có một biến cố nào đó thật mạnh mẽ tác động đến đời sống của họ. Họ phải mất mát một thứ gì đó thật thân thương và quý mến họ mới nhận ra.
LNT: Trong đời sống của em, biến cố mạnh mẽ đó là biến cố nào?
Khoa: Đó là sau lần em tưởng em bị nhiễm HIV, nhưng không có. Em sợ quá. Em coi biến cố này như là một ân sủng vì quá nhiều lần có thể đưa em đến tình trạng bị bệnh, nhưng em lại không bị. Lần chích trong viện chỉ là một lần, còn thêm lần khác khoảng 3 tháng trước đó nữa.
LNT: Khi em biết mình không bị HIV thì em đã “quyết định” gì trong đầu?
Khoa: Khi em chưa biết mình có bị nhiễm hay không thì em đã cầu nguyện: Xin Chúa cho con được bình an, dù con phải là một người sống khổ hay khó khăn gì đi nữa.
LNT: Trong cuộc nói chuyện hôm nay, chúng ta bàn rất nhiều về việc “cầu nguyện”. Theo em thì sự nhận thức về tâm linh đã giúp em nhiều nhất trong thời gian hậu cai?
Khoa: Dạ đúng. Nhưng nó cũng khó lắm tại vì bản thân con người là ích kỷ và yếu đuối. Em chỉ biết cầu nguyện với Chúa mỗi khi gặp khó khăn. Còn khi vui vẻ thì chẳng màng đến, mình cứ ăn chơi rồi quên luôn những lời hứa mình đã nói với Chúa. Nên việc trau dồi tâm linh luôn bị dứt đoạn.
LNT: Em đã cố gắng trau dồi đời sống tâm linh của em như thế nào?
Khoa: Em thật sự chưa có hướng để trau dồi thêm tâm linh cho mình. Em luôn đọc kinh thôi, chỉ biết đọc kinh và xin Chúa và Mẹ che chở.
LNT: Tù lúc nào thì em cò ý định trở về thành phố?
Khoa: Từ lúc em bắt đầu suy nghĩ nhiều về bản thân mình và tương lai của mình. Và em đã quyết định về lại thành phố vào ngày 10 tháng 6, năm 2003, khoảng một năm sau khi đi cai.
LNT: Lúc đó em cảm thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ để hội nhập cộng đồng?
Khoa: Em cảm thấy mình cần phải thử sức, chứ nếu không mình sẽ chẳng biết được mình có thể vượt qua hay không, hay là cứ trốn tránh nó hoài.
LNT: Trước khi về thì trong đầu em có kế hoạch gì?
Khoa: Trước tiên em sẽ đăng ký đi học tiếp, vì em chỉ mới tốt nghiệp lớp 12. Như thế thì xin việc làm thật khó. Nếu thu xếp việc học được em sẽ đi làm thêm.
LNT: Em định học về cái gì?
Khoa: Công nghệ thông tin
LNT: Về đời sống tinh thần thì em có kế hoạch gì không?
Khoa: Em chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện thêm thôi, chứ không có kế hoạch rõ ràng.
LNT: Khi đã khẳng định sẽ về thì trong lòng em lúc đó có những cảm giác gì?
Khoa: Cảm giác nhiều lắm. Thứ nhất là vui vẻ, lạc quan với những ý tưởng tốt đẹp trong đầu. Thứ hai là lo sợ không biết mình sẽ bị rớt lại hay không? Thứ ba là không biết gia đình có thật sự vui vẻ chập nhận để mình về hay không?
LNT: Em có nhớ ngày đầu tiên khi về lại với gia đình không?
Khoa: Em chỉ nhớ ít thôi. Khi em về gia đình vui vẻ đón em, và không quên những lời căn dặn trong bữa cơm gia đình.
LNT: Những ngày đầu tiên hội nhập thì em làm những gì?
Khoa: Em chỉ đi tìm trường để đăng ký học thôi, và tập tạ để giữ sức khoẻ. Em không đi chơi đâu hết.
LNT: Lúc nào em bắt đầu đi học?
Khoa: Khoảng 1 tháng sau khi em về, em đăng ký vào khoá trung cấp ngành công nghệ thông tin. Và em bắt đầu đi làm khoảng 6 tháng sau. Nhưng khi đi làm thì em vẫn tiếp tục đi học.
LNT: Trong 6 tháng đầu hội nhập với cộng đồng em thấy như thế nào?
Khoa: Đời sống lúc ấy thì hơi buồn, nhưng bình an lắm anh ơi. Sáng sớm dậy uống cà phê ở nhà, ăn sáng, đi tập tạ, đi học, rồi về nhà. Tối em học thêm Anh văn. Nói chung là không có thời gian để nghĩ ngợi lung tung.
LNT: Thời gian đó, giữa em với gia đình như thế nào?
Khoa: Rất tốt! Ba mẹ tin tưởng em, vui vẻ khi thấy em học hành và sống nghiêm túc.
LNT: Thời gian này, nguồn hỗ trợ về tinh thần cho em là ở đâu?
Khoa: Là gia đình và Thiên Chúa. Em thấy gia đình tin tưởng nên bản thân em cũng tự nhủ là mình nên phấn đấu. Đồng thời em cũng chỉ biết giữ vững bản thân bằng cách cầu nguyện, đó là cách duy nhất.
LNT: Nhìn lại thì em thấy sáu tháng hội nhập này có diễn ra như em mong muốn hay tưởng tượng khi đang chuẩn bị về không?
Khoa: Có. Tất cả đều diễn ra như em mong muốn và dự định. Nhưng em không ngờ đến lúc em lãnh lương lần đầu tiên sau khi em bắt đầu đi làm... Đã lâu em không cầm một số tiền như vậy, mà chính là tiền của mình nên em bị cám dỗ.
LNT: Em làm việc gì và mỗi tháng tiền lương em được bao nhiêu?
Khoa: Em làm nhân viên bảo vệ. Tháng đầu em được 700.000, tháng thứ hai được 800.000 đồng.
LNT: Nhưng đây không phải là lần đầu tiên em cầm nhiều tiền trong tay từ lúc em đi cai?
Khoa: Dạ, không phải. Nhưng hồi trước là tiền của người khác, em không thích đụng vô.
LNT: Em có nhớ cái cảm giác khi cầm tiền trong tay và bắt đầu suy nghĩ đến việc tìm ma tuý không?
Khoa: Có. Em thấy vui quá; nên sau khi đưa cho mẹ một nửa, em bắt đầu nghĩ là phải tự thưởng cho mình một cái gì đó. Vì em nghĩ là chơi một lần sẽ không có nghiện, nên em đã đi tìm nó.
LNT: Từ lúc em nghĩ về việc tìm hàng tới lúc em hành động là bao lâu?
Khoa: Trong khoảng 5 tiếng đồng hồ.
LNT: Trong thời gian 5 tiếng đồng hồ đó thì những gì diễn ra trong đầu em?
Khoa: Em chỉ suy nghĩ về việc tìm hàng, vì đã lâu em không biết gì đến tin tức ma tuý hết. Nên không biết chỗ bán hàng. Em mới liên lạc với thằng bạn cũ, và thế là những gì mong muốn đã xảy ra.
LNT: Thời gian này em không đánh đo gì hết về công sức của mình hơn một năm qua?
Khoa: Dạ không. Lúc đó sự cám dỗ quá mạnh, em chỉ nghĩ đến việc tìm hàng thôi. Trước khi về em có nghĩ đến việc sợ bị bạn bè cám dỗ, đó là điều em nghĩ đến nhiều nhất. Nhưng không ngờ cái mình không đề phòng là chính bản thân mình. Đi làm, có được tiền là bị cám dỗ bởi số tiền đó. Và em đã dùng tiền lương của tháng đầu tiên để đi mua hàng.
LNT: Nhìn lại thì em thấy có cách nào để ngăn chặn việc này xảy ra không?
Khoa: Có một cách duy nhất là chính mình phải vượt qua thôi. Nếu sự thật một người đã muốn chơi rồi thì có tiền hay không có tiền cũng có thể.
LNT: Nhưng chính mình vượt qua bằng cách nào?
Khoa: Mình phải tự chủ.
LNT: Trước đây em đã nói rất nhiều về việc cầu nguyện để Thiên Chúa giúp sức cho mình. Tại sao em không nghĩ tới việc cầu nguyện để ngừa trước những hành động không tốt khi cầm tiền trong tay?
Khoa: Dạ có chứ. Em có cầu nguyện. Nhưng nếu mình cầu nguyện mà chính bản thân mình không muốn vượt qua thì ai mà giúp nổi. Lúc đó em bị cám dỗ quá mạnh. Em cũng cầu nguyện, nhưng chính bản thân lại đi tìm đến ma tuý. Như vậy chắc chắn Chúa cũng không giúp mình được.
LNT: Lúc nãy em nói nếu em chơi lại một lần thì sẽ không bị nghiện; điều này có đúng không?
Khoa: Đúng, nhưng mình rất nhớ nó. Và mình cứ ỷ y là chơi một lần không nghiện, nên cứ chơi hoài.
LNT: Nhưng em có kiềm chế mình để chỉ chơi một lần thôi không?
Khoa: Có. Em nhớ có vài lần, em đã ngừng kế hoạch đi tìm hàng của mình và trở về nhà.
LNT: Vậy sau lần chơi đó, em không lập lại nữa?
Khoa: Đúng. Em ngừng rất lâu. Khoảng được 1 tháng. Và khi lãnh lương lần 2, em lại như vậy.
LNT: Ah, nhưng nếu 1 tháng sau, lãnh lương lại, rồi chơi lại, thì mình không thể nói là mình đã kiềm chế và chỉ chơi một lần thôi?
Khoa: Không. Trong thời gian giữa lúc lãnh lương đầu tiên và lãnh lương tháng thứ 2, cũng có những lúc em muốn đi tìm hàng; nhưng nghĩ vậy thôi, chứ em không hành động.
LNT: Rồi khi lãnh lương lần thứ hai, em đi chơi lại. Sau đó thì lúc nào chơi lần thứ 3?
Khoa: Em không nhớ rõ, nhưng cũng khoảng 2 tuần.
LNT: Rồi sau đó?
Khoa: Sau đó khoảng 1 tháng thì em bắt đầu chơi liên tục.
LNT: OK. Em có thấy em chuyển từ cách 1 tháng, tới cách 2 tuần, rồi bắt đầu chơi liên tục không? Việc này diễn ra với rất nhiều người khi họ chơi lại đúng không?
Khoa: Đúng. Ai cũng vậy.
LNT: Vì vậy, mình không thể nói là chơi một lần thì sẽ không nghiện? Tại vì có lần đầu mới tới lần thứ hai, mặc dầu lần thứ hai không xảy ra ngay lập tức, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ tới?
Khoa: Đúng. Đã có lần 1 thì phải có lần 2. Vì những người nghiện luôn cảm thấy họ có thể khống chế được ma tuý. Nhưng họ sai lầm.
LNT: Em đã thành công khi kiềm chế được một vài lần trong tháng đầu, nhưng sau này thì khả năng kiềm chế của em không còn nữa?
Khoa: Dạ. Vì vậy nên em mới bị nghiện lại.
LNT: OK. Trở lại lần đầu tiên chơi lại. Khi chơi xong thì em cảm thấy như thế nào?
Khoa: Em thấy mình hơi tội lỗi, nhưng rồi em nói chuyện với một người bạn đi chơi cùng, nên cũng qua.
LNT: Lúc đó em có nghĩ tới việc tìm đến người nào để giúp mình không?
Khoa: Lần đầu, vì em còn kiềm chế được nên không nghĩ là nhờ người khác giúp. Nhưng những lần sau, khi bị nghiện rồi thì chỉ nghĩ đến gia đình thôi.
LNT: Em chơi lại bao lâu gia đình mới biết? Và biết được trong trường hợp nào?
Khoa: Chỉ có mẹ em biết khi em nói, và anh em biết. Ba em thì không biết.
LNT: Tại sao không cho ba biết?
Khoa: Vì nếu ba em mà biết em chơi lại ma tuý thì gia đình em chắc sẽ tan tành.
LNT: Tại sao chuyện đó có thể xảy ra?
Khoa: Vì ba em là một người sĩ diện. Với lại gia đình em đang sống chung với gia đình bên nội nữa. Nếu để gia đình bên nội biết em chơi lại thì mấy ông chú bác trong nhà sẽ khinh ba em lắm. Ba em rất nóng tính, cho nên thường hay chửi em và mẹ em mỗi khi thấy bực tức. Chẳng bao giờ dám nói người ngoài, nhưng cứ đè đầu em và mẹ em để chửi thôi.
LNT: Tính ba em như vậy có ảnh hưởng gì đến em không?
Khoa: Có. Em rất buồn vì ba em chẳng làm được gì cho gia đình em hết.
LNT: Em nói như vậy là như thế nào?
Khoa: Vì từ trước đến giờ trong gia đình em chỉ toàn có mẹ em lo thôi. Ba em đi làm đồng lương không đủ cho một mình ba em sài nữa, nói chi giúp gia đình.
LNT: Có lẽ ba em cũng bức xúc về vấn đề này nên làm ông nóng tính?
Khoa: Có lẽ vậy. Vì tính ba em là nhu nhược, chứ không phải là khiêm tốn.
LNT: OK. Khi mẹ em biết em chơi lại thì mẹ đã phản ứng như thế nào?
Khoa: Mẹ em khóc và buồn lắm, cũng chẳng biết làm sao nữa. Nhưng mẹ em sang Đền Thánh Giuse để xin khấn cho em, và khuyên em đi cai lần 2. Mẹ em nói là sẽ giấu không cho ba em biết.
LNT: Nhưng cuối cùng ba em có biết không?
Khoa: Cho đến bây giờ ba em vẫn không biết. Vì nếu ba em biết chắc bây giờ em không còn ngồi đây nói chuyện với anh.
LNT: Ồ thế à? Anh không ngờ là chuyện phức tạp đến vậy.
Khoa: Em sợ ba là vì em không muốn gia đình em xao xáo.
LNT: Vậy lúc nào thì em đã đi cai lần thứ 2?
Khoa: Đúng ngày 20 tháng 6 năm sau, 1 năm kể từ lúc em về lần đầu, sau khi chơi lại khoảng 4 tháng.
LNT: Khi em phải lên TT lại thì trong lòng em có những cảm giác gì?
Khoa: Em cảm thấy buồn và chán nản, vì tất cả những gì mình cố gắng đã mất hết – việc làm, việc học, bạn bè, gia đình.
LNT: Em đã vượt qua sự chán nản này như thế nào?
Khoa: Em buông trôi những suy nghĩ một thời gian. Và khi thân xác đã khoẻ mạnh, em bắt đầu lao động, suy nghĩ, và học tập lại.
LNT: Đi lần này có gì khác với lần thứ nhất không?
Khoa: Dạ khác, mỗi lần thêm một kinh nghiệm cho bản thân. Em rút ra kinh nghiệm là không nên xem thường ma tuý. Và tốt nhất là đừng nên châm vào nó nữa.
LNT: Lần này đi hậu cai, em có những nhận xét gì về bản thân mình không?
Khoa: Có. Em nhận thấy em thay đổi hơn lần đi cai trước rất nhiều. Em đã có thêm những kinh nghiệm cho bản thân về ma tuý, có thêm niềm tin ở Chúa. Và thấy mình trưởng thành hơn sau những cuộc chơi vừa rồi.
LNT: Lần này em đi tổng cộng thời gian bao lâu?
Khoa: Dạ 6 tháng.
LNT: Lần trước em đi khoảng một năm, lần này chỉ 6 tháng thôi. Em nghĩ thời gian như vậy đã đủ chưa?
Khoa: Em nghĩ có lẽ cũng tạm đủ.
LNT: Em trở về thành phố được bao lâu rồi?
Khoa: Được khoảng 2 tháng.
LNT: Hai tháng qua tinh thần em như thế nào?
Khoa: Em thấy ổn lắm, nhưng đôi khi cũng suy nghĩ lung tung. Vì thời gian này chưa có việc làm, nên chỉ phụ mẹ những việc làm ở nhà thôi.
LNT: Còn đời sống tâm linh?
Khoa: Em vẫn giữ việc đọc kinh cầu nguyện hằng ngày trước khi đi ngủ. Em vẫn nghĩ rằng có đời sống tâm linh tốt sẽ giúp mình chiến đấu với đam mê của mình với ma tuý.
LNT: Bây giờ em chưa có việc làm, nhưng sau này chắc chắn sẽ có. Em sẽ làm như thế nào để không rớt lại?
Khoa: Em cũng đang nhờ mọi người cho em thêm ý kiến trong thời gian này. Và em đang tìm phương cách để khắc phục.
LNT: Bây giờ anh sẽ chuyển qua một số câu hỏi hơi khác một chút. Thứ nhất, khi nhìn vào bản thân mình thì em đánh giá mình là một người như thế nào?
Khoa: Em thấy mình là một con người hơi tệ. Không biết trân trọng những gì mà người khác cũng như Ơn trên ban cho mình. Em xem nhẹ những điều đó quá. Đôi khi em cũng có nghĩ đến những điều mình gây ra cho người khác và cũng đã thay đổi nhiều. Bây giờ em khá hơn trước nhiều lắm. Bây giờ em còn biết nghĩ đến những điều đó. Chứ hồi trước thì em sống ít có tình cảm lắm anh à. Ngoài ra, em là một con người không có kiên trì, đôi lúc chỉ cố gắng nhất thời và đâu lại vào đó.
LNT: Theo em thì những ưu điểm của mình là gì?
Khoa: Ưu điểm của em là học và nhận biết nhanh, suy nghĩ nhanh lẹ. Chỉ đơn giản có thế thôi.
LNT: Kinh nghiệm với ma tuý đã dạy cho em những điều gì?
Khoa: Nó dạy em một bài học là không nên đùa với trò chơi tử thần này. Nó sẽ lôi mình giống như một cơn sóng kéo một người đang bơi từ từ ra biển khơi. Và lúc nhận biết điều đó thì quá muộn.
LNT: Nó đã dạy em những gì về cuộc sống?
Khoa: Nếu phải chọn lựa thì có 2 cái: một bên là những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống này là có gia đình, bạn bè, sự nghiệp. Một bên là sự lâng lâng bay bổng của ma tuý. Nếu chọn cái này thì phải bỏ cái kia. Còn thích cái nào lệ thuộc vào suy nghĩ của mình.
LNT: Kinh nghiệm của em với ma tuý đã dạy em những điều gì về Thiên Chúa?
Khoa: Nó dạy em biết Thiên Chúa là một Đấng vô hình, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa tác động lên con người là hữu hình. Và em đã có thể cảm nhận được điều đó. Chúa luôn bên mình, đồng hành với mình trong mọi lúc.
LNT: Nhìn lại thời gian chơi ma tuý đến giờ, việc gì đẹp nhất đã xảy ra với em?
Khoa: Đó là em thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, không phải nhận lãnh một bản án tử hình.
LNT: Những cảm nhận và những bài học mà em có được từ kinh nghiệm với ma tuý có giá trị như thế nào?
Khoa: Nó có giá trị rất nhiều và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của em. Em mới 21 tuổi, nhưng đã biết buồn vì thiếu gia đình, mất hết tiền bạc, xa bạn bè, người yêu, và những cảm giác buồn chán cũng như những khoảnh khắc một mình suy nghĩ. Đó là những điều mà một người như tuổi của em chưa hẳn bao giờ nếm được.
LNT: Như vậy thì kinh nghiệm em đã có với ma tuý không hẳn là một điều xấu?
Khoa: Đúng. Em không cho nó là xấu, vì nó giúp nhiều cho em sau này. Em biết điều đó cho con cái em, hay cho bản thân, hoặc gia đình, người thân em. Ít ra thì em cũng có những kinh nghiệm cần thiết khi một người nào đó cần sự giúp đỡ của em về việc này.
LNT: Với những gì em đã biết được khi vẫn còn trẻ thì bây giờ em nhìn cuộc đời như thế nào?
Khoa: Em nhìn cuộc đời rõ nét hơn. Cuộc đời thì tươi đẹp, nhưng mình có biết tận dụng nó không – đó mới là vấn đề. Khi mà dính vô cái này làm mất mát hết, em mới nhận thấy rằng: tất cả những gì xung quanh mình thì thật là tuyệt vời. Toàn là những người thương em, và toàn là những điều tốt đẹp họ mang đến cho em.
LNT: Còn ngược lại, em nghĩ cuộc đời “nhìn” em như thế nào?
Khoa: Em nghĩ cuộc đời rất công bằng. Nếu em thật sự nhìn nhận cuộc đời tươi đẹp và sống tốt đẹp thì em nghĩ cuộc đời sẽ nhìn em bằng một ánh mắt tốt đẹp.
LNT: Vậy em không e ngại khi đang phải đối diện với những thách thức rất lớn trong cuộc sống bây giờ và trong tương lai?
Khoa: Dạ. Đó là điều tất nhiên mình phải đón nhận. Không sớm thì muộn, nó sẽ đến với mình.
LNT: Hy vọng lớn nhất của em bây giờ là gì?
LNT: Là bỏ được ma tuý.
LNT: Ngoài việc bỏ được ma tuý thì em mong muốn những gì?
Khoa: Em mong muốn có một cuộc sống bình an và hạnh phúc.
LNT: Em có một câu danh ngôn nào mà em lấy làm triết lý sống không?
Khoa: Có. 2 câu. Câu thứ nhất: “Những con người có tâm hồn cao thượng luôn luôn nhận ra những điều tốt đẹp từ trong những biến cố đau thương của cuộc sống”. Câu thứ hai: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Câu thứ nhất, như em đã nói: Sau khi mất mát mọi thứ em mới thấy và mới hiểu được nhiều điều tốt đẹp từ trước giờ diễn ra xung quanh mình. Câu thứ 2 là em đã cảm nhận được sức mạnh hữu hình của Thiên Chúa – Ngài đã giúp em thoát chết nhiều lần.
LNT: Từ nhỏ đến nay, ai là người đã ảnh hưởng đến em nhiều nhất?
Khoa: Mẹ em.
LNT: Để đi đến tương lai, hành trang của em bây giờ là những gì?
Khoa: Sự cố gắng và cố gắng trong mọi hoàn cảnh.
Chấm dứt vào 12h trưa ngày 21 tháng 1 2005
Saturday, April 21, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment