Saturday, April 21, 2007
NỖ LỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI VIỆT NAM
Trong một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam tháng 9, 2004, với bài báo cáo dài 25 trang, ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu lên những khuyết điểm của ngành giáo dục, đã gây nhiều lo lắng và bức xúc cho nhân dân. Tuy nhiên, ông Hiển đánh giá rằng, trong năm qua giáo dục nước nhà đạt được thành tựu trên cả ba mặt: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đánh giá nhận định của Bộ GD-ĐT như sau: “Người ta rất tự mãn về những thành tích mà tôi cho là không thực tế; do đó những sửa đổi cải tiến rất chậm được thực hiện”. Còn theo ông Lê Quang Bình, trưởng ban dân nguyện của Quốc hội thì ngành giáo dục chưa thực hiện được trách vụ của mình vì ngành giáo dục Việt Nam bị tụt hậu bởi cơ cấu đào tạo bất cập, “lắm thầy nhiều thợ”.[i] Tuy vậy, giám sát giáo dục toàn cầu năm 2005 của tổ chức UNESCO đã công bố vào ngày 8.11.2004 rằng Việt Nam xếp hạng 64/127 trong một cuộc thăm dò về tiến trình thực hiện mục tiêu “Giáo dục cho tất cả đến năm 2015” của Liên Hiệp Quốc.[ii] Bộ Giáo dục đã nêu lên sự kiện này trong rất nhiều báo cáo của Bộ như một niềm phấn khởi và một thành tích của giáo dục nước nhà. Mặc dầu vậy, nhiều người đã nhắc nhở rằng UNESCO chỉ đánh giá giáo dục Việt Nam chủ yếu ở bậc tiểu học mà không có những tiêu chuẩn khác như phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông và đại học, tình trạng học sinh phải đi học thêm giờ ngoại khóa… Vì thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay không được phản ảnh chính xác qua báo cáo trên, nên những ai thật sự quan tâm đến tình hình giáo dục phổ thông chưa tỏ ra lạc quan.
Từ ban đầu, một nền giáo dục công bằng và thuận lợi cho người dân đã được Đảng và Nhà nước đề cập tới như một điều ưu tiên trong chính sách quốc gia đối với sự phát triển của đất nước và dân tộc, chuẩn bị một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Trong quá khứ, mục đích của giáo dục được đưa ra là đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Còn hiện nay, mô hình giáo dục, theo các nhà lãnh đạo, là để phát triển con người Việt Nam hiện đại trung thực, năng động và sáng tạo, biết hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, có hoài bão, có ý chí vươn lên, lập thân, lập nghiệp, biết làm giàu cho bản thân và góp phần làm giàu cho đất nước. Giáo dục ngày nay cũng như trước đây có vẻ mang tính chất “tình huống” nhằm đáp ứng nhu cầu của từng giai đoạn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực cải cách giáo dục nhiều lần qua nhiều hình thức nhằm đạt được mục tiêu đưa ra, nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn là một trong những bài toán khó nhất mà các nhà lãnh đạo ở nước ta vẫn chưa tìm ra giải đáp. Năm này qua năm khác, dư luận xoay quanh những vấn đề rắc rối trong việc tuyển sinh, thi cử, nạn dạy thêm học thêm, cán bộ giảng dạy thiếu khả năng và đạo đức, sách giáo khoa lạc hậu, chương trình học không thực tiễn…
Tiến trình cải cách giáo dục
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã khẳng định sẽ xây dựng một nền giáo dục công bằng và thuận lợi cho toàn dân và đã có những hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu trên. Vì thế, từ năm 1975 đến 1980, số học sinh ở các cấp đều gia tăng: Tiểu học - TH (19%), Trung học Cơ sở – THCS (25%), và Trung học Phổ thông - THPT (28%). Mặc dầu trình độ giáo dục chỉ ở mức căn bản nhất, và chất lượng lại lệ thuộc hoàn toàn vào tình hình khó khăn của nền kinh tế thời bao cấp, nhưng trẻ em đã có được cơ hội đến trường. Năm 1979, các nhà lãnh đạo Đảng lại khẳng định mục tiêu giáo dục cho toàn dân như một quyền lợi của đồng bào. Tuy nhiên, trong những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam bị suy sụp nghiêm trọng khiến ngành giáo dục cũng bị sa sút theo. Đối diện với một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu có thể tạo ra nhiều bất ổn cho quốc gia, các nhà lãnh đạo buộc phải đưa ra chính sách đổi mới để cải tiến tình huống.
Năm 1989, chính sách đóng học phí được áp dụng dẫn đến một số hệ luận không tốt cho ngành giáo dục Việt Nam. Từ năm 1989 đến 1991, số học sinh ghi danh vào THCS và THPT giảm đáng kể, có nhiều nơi giảm đến 40%. Mãi đến giữa thập niên 1990, tỷ số học sinh ở hai cấp này mới trở lại mức như ở năm 1985. Chúng ta thấy rằng vào cuối thập niên 1980 khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển mình thì giáo dục nước nhà lại đương đầu với một cơn khủng hoảng lớn (London 2004).
Tháng 8 năm 1997, chính sách “xã hội hoá”[iii] giáo dục bắt đầu được khởi xướng với việc Chính phủ ban hành nghị quyết 90/CP. Trong giai doạn chuyển từ nền kinh tế kế hoặch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước cũng đã có những thay đổi trong chủ trương giáo dục cho toàn dân. Đáng chú ý là trong Hiến pháp 1992 không có những điều khoản bảo đảm quyền lợi giáo dục cho người dân. Người dân bắt đầu phải gánh một phần trách nhiệm về học phí cho việc con em của họ đến trường. Mặc dầu trẻ em vẫn được đi học TH miễn phí, nhưng ở cấp THCS trở đi thì người dân phải chịu những khoản phí được chỉ định tuỳ theo địa phương và theo lớp. Đến cuối thập niên 1990 thì trẻ em có rất nhiều cơ hội để đến trường ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhưng số tiền mà người dân phải bỏ ra lại chiếm một phần đáng kể trong các khoản chi phí của các gia đình.
Chủ trương xã hội hoá cũng đã dẫn đến việc đa dạng hoá các loại hình trường, Chính phủ cho phép thành lập các trường bán công và dân lập khá phổ biến ở các thành phố ngày nay. So với những học sinh THPT ở các trường công thì học sinh ở các trường bán công phải đóng gấp 3-4 lần số tiền học phí. Những trường dân lập vì không nhận được sự trợ cấp của Nhà nước nên cũng yêu cầu học sinh phải đóng học phí cao, và chỉ ở thành phố người ta mới thấy có trường dân lập. Tuy số trường bán công và dân lập trong thời gian qua có gia tăng, nhưng so với tổng số trường học hiện nay thì con số trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2003-4, trên cả nước có 26.359 trường học phổ thông, trong đó 25.593 trường công lập và chỉ có 766 trường bán công hay dân lập. Số học sinh phổ thông trên cả nước vào năm này là 17.578.497, trong đó 94,3% theo học ở các trường công lập.
Việc áp dụng đóng học phí đã trở thành phương pháp chính yếu trong chủ trương tiết kiệm ngân sách của Nhà nước. Bắt đầu năm 1989, học sinh lớp 4-12 đã phải đóng học phí. Đến năm 1993 thì học sinh tiểu học không còn phải đóng học phí; tuy nhiên, số tiền mà các học sinh THCS và THPT phải đóng lại gia tăng, và tiếp tục tăng dần vào những năm sau đó, với mức khác nhau giữa các vùng nông thôn và thành phố. Càng lên lớp thì học sinh càng phải chịu những khoản tiền cao hơn. Ngoài ra, học sinh còn phải đóng khoản tiền xây dựng cho việc bảo trì và tu sửa trường học hàng năm. Một khảo sát cho thấy năm 1996-7, các khoản học phí chiếm 46,1% (THCS) và 61,7% (THPT) ngân sách giáo dục của mỗi học sinh.[iv]
Đánh giá những thay đổi
Trong thời kỳ đổi mới, đánh giá cách khách quan, có thể nói giáo dục Việt Nam đã thăng tiến về số lượng. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong thập niên 1990 đã giúp Nhà nước và người dân đầu tư nhiều hơn vào việc giáo dục, nên trẻ em có nhiều cơ hội để đến trường hơn. Từ những năm đầu thập niên 1990, ngân khoản Nhà nước đầu tư vào ngành Giáo dục tăng nhanh hơn mức tăng trưởng GDP hàng năm. Đến cuối thập niên 1990 thì dường như tất cả các xã trong nước đều có một Trường Tiểu học. Từ năm 1993 đến 1998, số học sinh TH đến trường tăng từ 78 đến 93%.[v] Năm 1998 chúng ta thấy có khoảng 66% các học sinh TH hoàn tất chương trình học.[vi] Ở cấp THCS, từ năm 1990-1998, số học sinh tăng từ 2,7 triệu lên 5 triệu, đây là mức gia tăng 61,7%. Ở cấp THPT thì mức gia tăng là 28,6%.[vii] Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm 2004-5 sẽ có 7.947.600 học sinh cấp TH, 6.792.000 học sinh cấp THCS, và 2.847.300 cấp THPT, bên cạnh đó còn có 2.963.200 trẻ em theo học trường mầm non. Thời gian qua tổng chi ngân sách Nhà nước cho ngành giáo dục cũng tiếp tục gia tăng từ 15.600 tỷ đồng năm 2001-2002 lên tới 24.000 tỷ đồng năm 2003-2004. Rõ ràng, đây là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, sự phát triển ấy còn thiếu cân bằng về nhiều mặt và cũng chưa đáp ứng đầy đủ tất cả những nhu cầu giáo dục của người dân. Điều này xảy ra một phần do sự phát triển kinh tế không đồng đều, dẫn đến hiện tượng phân tầng trong xã hội. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hoá lại buộc người dân phải gánh chịu trách nhiệm lớn cho việc học hành của con em họ. Mặc dầu xã hội hoá giáo dục, như định nghĩa của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, không chỉ “nhằm huy động nhân dân đóng góp tiền của mà xây dựng nhà trường gắn bó với cha mẹ học sinh, sinh viên với cộng đồng, với xã hội, thể hiện cho được tử tưởng giáo dục là của dân, cho dân, vì dân”,[viii] nhưng trên thực tế cho thấy trước mắt điều rõ rệt nhất là tiền chi cho giáo dục từ người dân ngày càng tăng trong khi những quyền lợi khác thì chưa trở thành hiện thực. Học sinh càng lên lớp thì khả năng trang trải cho chi phí học tập của con em đối với nhiều gia đình ngày càng giảm đi. Mặc dầu cơ hội đến trường gia tăng ở tất cả các địa phương và ở các tầng lớp trong xã hội, nhưng sau cấp THCS thì chúng ta thấy một khoảng cách khá xa giữa vùng khá giả và thiếu thốn, giữa gia đình giàu và gia đình nghèo. Tất nhiên, con cái của những gia đình có điều kiện kinh tế và ở các vùng có kinh tế phát triển mạnh sẽ có nhiều khả năng để theo đuổi con đường học vấn hơn, trong khi con nhà nghèo phải bỏ học để kiếm sống hoặc hơn nữa, tha hương cầu thực.
Đưa ngành giáo dục ra khỏi hệ thống bao cấp chính phủ, những năm 1990, người ta bắt đầu chứng kiến sự phát triển một “thị trường” giáo dục không chính thức, một tác dụng trong tiến trình cải cách mà những nhà chức trách đã không lường trước. Hiện tượng này xảy ra trong và ngoài “khuôn viên” của dường như tất cả các trường học. “Phong bì” đã trở nên tục lệ thông thường đối với ngành giáo dục, nghiêm trọng đến mức việc học vấn hẳn hoi không còn là điều cốt yếu. Và điều quan trọng hơn là các gia đình có đủ khả năng để “chạy” cho con em bằng phong bì như một cách biết điều với thầy cô giáo để cho chúng lên lớp hay không?!. Nạn dạy thêm học thêm cũng diễn ra cách công khai ở tất cả các cấp và dường như ở tất cả các trường. Các đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định điều này. Trong bài báo cáo dài 15 trang của Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phổ biến ngày 20.9.2004 cho hay tình trạng dạy thêm học thêm đã tràn lan khắp nơi. Trong buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá X, Ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thừa nhận: "Phần đông học sinh phổ thông hầu như học thêm liên tục, không còn thời gian tự học, vui chơi, giải trí,… làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của các em". Tạp chí Khoa Học Phổ Thông có một câu chuyện châm biếm như sau:
Hai cậu học sinh nói chuyện:
A: Nghỉ hè rồi, mình thật thoải mái, sảng khoái, không lo ngay ngáy về việc học.
B: Còn mình thì quá khổ sở vì chuyện “học” và “hành”.
A: Vì sao lại thế?
B: Bố mình bảo: “Hè là học kỳ ba, học tối đa, hành rát da, phải hơn con người ta”. Mình sợ rồi sẽ ra… “bãi tha ma”.[ix]
Đối với nhiều phụ huynh thì việc học thêm là cần thiết để giúp con em họ thu gom đầy đủ kiến thức để thi lên lớp hay vào đại học. Còn đối với giáo viên thì đây là cách thức tương đối dễ dàng để kiếm thêm thu nhập. Nhiều giáo viên cố ý không truyền đạt đầy đủ kiến thức trong các giờ học chính khoá, buộc học sinh phải đăng ký học kèm hay học phụ đạo (từ ngữ mà các em học sinh tiểu học thường dùng). Chính vì có việc “dạy kèm” – “học thêm” ấy đã làm cho những giờ học chính thức tại lớp học ngày càng trở nên giảm chất lượng. Nhiều học sinh tiểu học cũng như cha mẹ của các em đều rất lo lắng rằng nếu không đi học thêm thì sẽ bị ở lại lớp (một cơ chế “giáo dục hai chiều” mà cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại).
Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên do của việc học thêm dạy thêm là do lương giáo viên quá thấp không đủ trang trải cho việc sinh sống. Tuy nhiên, nhận xét của Giáo sư Hoàng Tuỵ cho thấy vấn đề không mấy đơn giản. Quả thật lương chính thức của giáo viên cũng như nhiều cán bộ, công chức viên trong các ngành khác còn thấp so với mức sống hiện nay. Vì thế, hiện tượng “xoay xở” diễn ra với nhiều cơ quan tạo ra nhiều chế độ bất hợp pháp và gian trá để rút tiền ngân sách nhằm chi cho cán bộ, công chức. Những cách rút tiền ngày càng trở nên đa dạng và tinh vi, không sao kiểm soát nổi. Trước đây việc luyện thi, dạy thêm được coi như là những cách các giáo viên có thể làm để hỗ trợ cho những chi phí của cuộc sống. Về sau có thêm nhiều khoản thu từ công quỹ bên cạnh những khoản tiền do phụ huynh học sinh đóng góp. Vì thế, lương thực tế của giáo viên (= lương giả + mọi khoản thu do công quỹ trả) cao hơn nhiều so với lương chính thức.[x] Tuy lương tăng, nhưng tệ nạn dạy thêm vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại còn tiếp tục trải rộng khắp nơi. Vì thế, tăng lương giáo viên mà thôi không hẳn sẽ làm cho tệ nạn dạy thêm giảm đi, nhưng Nhà nước phải tìm cách điều chỉnh mức lương bên cạnh việc xoá bỏ chế độ bốc lộc và xoá bỏ việc dạy thêm.
Bệnh quan liêu của bộ máy giáo dụcĐiểm khởi đầu cho việc cải cách giáo dục chính là bộ máy giáo dục - đào tạo. Đã có không ít nhận định rằng sự trì trệ trong tiến trình cải cách giáo dục có liên quan rất nhiều đến cách quản lý bất cập, thiếu khoa học hiện nay của bộ máy giáo dục đào tạo. Đội ngũ cán bộ của ngành GD-ĐT chiếm trên 80% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước, trong đó có 90.000 người tham gia công tác quản lý giáo dục (chiếm 10% tổng số cán bộ và công chức viên toàn ngành).[xi] Bộ GD-ĐT không chỉ là bộ máy hành chánh, nhưng còn kiêm luôn các vấn đề về tổ chức, nội dung giáo dục, phương hướng giảng dạy và nội dung nghiên cứu... Tuy nhiên, các quyết định được đưa ra ở cấp trung ương nhiều khi không thực tiễn nên không thể thi hành một cách hiệu quả ở các cấp huyện, xã. Cách quản lý tập trung làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cứng nhắc, khó tiếp nhận những ý kiến và đóng góp của các phụ huynh, giáo viên hay những cơ sở giáo dục dựa vào kinh nghiệm thực tế. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục đào tạo cũng như những phương án khác, ví dụ việc chỉnh sửa sách giáo khoa. Theo giáo sư Tiến sĩ khoa học Toán - Lý Nguyễn Xuân Hãn, chương trình học của học sinh phổ thông đang quá tải. Một số kiến thức của bậc đại học được giảng dạy ở bậc phổ thông như kiến thức về giới hạn, đạo hàm, tích phân là những nội dung vốn chỉ dạy ở bộ môn tự nhiên chuyên ngành. Đó là chưa nói đến những sai sót nghiêm trọng trong các sách giáo khoa. Vì thế, riêng năm 2003 kinh phí đề án cải cách sách giáo khoa lên đến 970 tỷ đồng. Tuy nhiên, những quyển sách giáo khoa vẫn phải chỉnh sửa hằng năm vì sự trì trệ trong tiến trình làm việc.[xii] Giáo sư Hoàng Tuỵ đã chỉ trích gay gắt bộ phận có trách nhiệm chỉnh sửa sách giáo khoa: “Cả một viện nghiên cứu giáo dục, có đến ba - bốn trăm cán bộ, thế mà không hiểu tại sao giáo dục chậm đổi mới tư duy như vậy. Nghe đâu đã có hàng nghìn chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài để làm các chương trình, thật khó hiểu! Năm 1956, chỉ có một Ban Tu thư 50 người mà soạn cả chương trình và sách giáo khoa cho phổ thông chỉ mất sáu tháng, bây giờ công việc có thể nhiều hơn, nhưng phương tiện thì dồi dào gấp nhiều lần, cán bộ rất đông mà sao ì ạch thế?!”.[xiii]
Kết
Công cuộc đổi mới và sự phát triển kinh tế đã mang lại nhiều thuận lợi cho ngành giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, sự thăng tiến ấy có thể nói là còn quá phức tạp và thiếu đồng đều. Mặc dầu về số lượng thì chúng ta không thể phủ nhận có nhiều bước tiến, nhưng gánh nặng kinh tế mà người dân phải chịu cho việc đến lớp của con em họ trong suốt thời gian qua cũng trở nên chồng chất. Ngành giáo dục vẫn thiên về các vùng có kinh tế phát triển và những gia đình khá giả. Giáo dục căn bản được bảo đảm cho người dân, nhưng muốn học ở các cấp cao hơn thì ngày càng lệ thuộc vào khả năng trang trải của từng gia đình. Bên cạnh đó, cách quản lý tập trung của bộ máy giáo dục là một yếu tố quan trọng, nếu không nói là quyết định, trong những bất trắc của việc nỗ lực cải cách giáo dục. Những tiếng nói thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý giáo dục để khắc phục bệnh quan liêu và cho những cơ sở giáo dục có thêm quyền tự chủ dường như chưa được đón nhận và thi hành cách thận trọng. Ngành giáo dục Việt Nam không thể cùng một lúc đón nhận những quan điểm, sáng kiến, và giá trị dựa trên xã hội kinh tế thị trường, nhưng lại tiếp tục duy trì cách làm việc cứng nhắc, khép kín của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. Có lẽ Giáo sư Hoàng Tuỵ đã phản ảnh chính xác nhất với kinh nghiệm của ông như sau: “Gần đây, qua mấy lần làm việc với Bộ GD-ĐT, tôi nhận thấy anh Hiển và một vài anh lãnh đạo ở Bộ có thiện chí, muốn nghe ý kiến của anh em làm khoa học. Nhưng có lẽ xung quanh các anh ấy còn nhiều người khác, và trong cơ chế của ta nhiều khi những việc không hay lắm thì dễ làm, còn những việc đúng mà đụng chạm quyền lợi ai đó thì khó khăn vô cùng. Mà việc đúng thì phần nhiều vấp phải quyền lợi ích kỷ, cục bộ của một số người, một số cơ quan”.[xiv] Nhận xét này cho thấy câu chuyện cải cách giáo dục ở nước ta chưa thể đi đến hồi kết.
______________________
[xv]
[i] RFA, 24.9.04.[ii]Thông tấn xã Việt Nam, 11.11.04.[iii]Đây là một cụm từ được sử dụng rất phổ biến ngày nay nhưng lại có rất nhiều điều thiếu rõ ràng. Trong xã hội học, từ “xã hội hoá” (socialize) thường nói về quá trình mỗi người, từ khi sinh ra phải thâu nhận những kiến thức, phong tục tập quán, lề thói, quy tắc, giá trị... xã hội và hình thành nhân cách của mình cho phù hợp với lối sống của xã hội ấy. Ngoài ra, thuật ngữ “socialized education” như ở phương Tây được hiểu là “Một hệ thống dưới sự quản lý của nhà nước cung cấp chương trình giáo dục cho người dân qua các chương trình trợ cấp từ tiền thuế thu được”. Vì vậy, ở đâu có chính sách y tế, giáo dục… được xã hội hoá, thường người dân phải bỏ ra rất ít chi phí cho những nhu cầu căn bản đó. Nhưng đây không phải là nghĩa được ám chỉ trong các chính sách ở nước ta, mà muốn nói về việc huy động các thành phần trong xã hội đóng góp tiềm lực, tài chính vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nghệ thuật văn hoá… Tuy nhiên, mục tiêu của chủ trường xã hội hoá giáo dục được ông Nguyễn Minh Hiển nêu lên khá rõ ràng và thực tế trong buổi chất vấn trước Quốc hội ngày 11.6.2004: "Chúng tôi nghĩ ở đây, tư tưởng xã hội hóa cũng cần được quán triệt. Không phải cứ dựa vào biên chế nhà nước, tất cả đều chờ Nhà nước. Như thế rất chậm và khó cho Nhà nước. Khó có nhà nước nào đủ khả năng để liên tục giải quyết vấn đề về ngân sách và biên chế cho một số lượng đến 24 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước". Phân tích về đường lối này, có người cho rằng, đây thực ra không phải là một tiến trình “xã hội hoá giáo dục” nhưng là “tư nhân hoá giáo dục” – một phương pháp ‘đối phó’ của Nhà nước trước khả năng càng ngày càng suy giảm trong việc cung cấp giáo dục cho người dân.[iv] Cục thống kê, 1999.[v] Cục thống kê, 1994, 1999.[vi] Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội, 1999.[vii] Cục thống kê, 1999.[viii] Người Lao Động, 15.11.2004.[ix] Số 687, 2-8.7.2003, tr.85.[x] Vietnamnet, 1.10.04.[xi] Tiền Phong, 9.3.05.[xii] VTV News Online, 15.11.04.[xiii] Vietnamnet, 1.10.04.[xiv] Vietnamnet, 1.10.04.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment