Saturday, April 21, 2007

CHIẾN ĐẤU VỚI MA TÚY TRONG THỜI KỲ HÒA BÌNH



"Cá bắt đầu ươn trên đầu trước".
(Apostolius)

Hiện tượng 'Gái Nhảy'
Tháng 2 năm 2003, công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam đã kinh ngạc khi cho ra thị trường một bộ phim thành công, nhưng đó không phải là sản phẩm của Hollywood mà được sản xuất bởi Hãng Phim Giải Phóng, một hãng phim trong nước. Bên ngoài các rạp chiếu đã xảy ra tình trạng ùn tắt giao thông vì 10.000 vé đã được mua chỉ trong một vài ngày đầu. Ngay cả những phim nổi tiếng nước ngoài như Mummy Returns và Maid in Manhattan cũng không theo kịp. Nhưng hiện tượng này thật ra không phải là khó hiểu vì nội dung và phong cách của phim không phải là một “liều thuốc bổ ích” của tư tưởng Mác Lê-nin được ngụy trang dưới một tựa đề mĩ miều để gây cảm giác cho khán giả Việt Nam. Lúc đầu, bộ phim được đặt tên là Trường Hợp Của Hạnh, nhưng lúc phát hành đã đổi thành Gái Nhảy, theo đạo diễn Lê Hoàng, là để bán được vé.
60 triệu đồng dành cho chiến dịch quảng cáo bộ phim đã làm cho nhiều người biết tới Gái Nhảy ngay trước khi được trình làng. Hình ảnh hai nữ diễn viên rất khiêu gợi Minh Thư và Mỹ Duyên xuất hiện trên các panô quảng cáo phim này đều có khả năng khơi lên sự tò mò cho những khán giả vốn không cảm thấy lý thú với cảnh thôn quê hay đời thường trong phim Việt Nam. Thay vào đó, khán giả sẽ chứng kiến một lối sống phóng đãng của giới trẻ ở chốn thị thành và những phiêu lưu của họ trong sự cuồng nhiệt của những quán bar và vũ trường. Nhưng bên cạnh ánh đèn màu và sự hào nhoáng, khán giả cũng sẽ chứng kiến mặt trái của thân phận những cô gái nhảy, đó là tình trạng HIV/AIDS, ma túy, đau khổ trong tinh thần…. Gái Nhảy có tham vọng nêu lên những vấn đề bức xúc cho xã hội Việt Nam ngày nay, giới thiệu đến khán giả được sự mượt mà và phung phí của những nữ diễn viên để thu hút sự chú ý của công chúng, những người bàng quan trước những cảnh báo nghiêm trọng của chính phủ về những hiểm họa của những tệ nạn xã hội như mãi dâm, ma túy, và HIV/AIDS.
Gái Nhảy cũng đã rời khỏi rạp chiếu đến với những tiệm bán phim nhạc qua đường dây đĩa lậu. Và mặc dầu phim này đã gây được ấn tượng cho thị trường phim Việt Nam (dẫn đến bộ thứ nhì là Lọ Lem Hè Phố), nhưng không biết nó có hiệu lực nào trong những cố gắng ngăn chặn cơn dịch HIV và nghiện ma túy đã và đang đè nặng trên những hệ thống xã hội Việt Nam và đe dọa đến sự vững bền mà Việt Nam cố gắng vươn tới không? Những thành tựu đạt được trong kinh tế đất nước mười mấy năm qua cũng một phần bị làm lu mờ đi bởi những vấn đề tiêu cực mà xã hội phải đối diện.

Một hòa bình chưa bền vững
Năm 1975, sau sự cay nghiệt của nhiều năm chiến tranh, Việt Nam đã thống nhất dưới một chính quyền cộng sản. Nhà nước và nhân dân cũng nghĩ rằng rốt cuộc họ đã có thể tái tạo hòa bình và cảm được nó. Nhưng thời bình cũng không dễ dàng hơn thời chiến là bao. Sau 1975, chiến tranh đã làm cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam hoàn toàn xuống cấp và nỗ lực hợp tác xã hóa miền Nam gặp nhiều trở ngại. Và Việt Nam trở thành một đất nước có nền kinh tế thuộc diện nghèo nhất thế giới.
Đến 1986, Đảng phải đối diện với sự thật không dễ chấp nhận, đó là phải thay đổi dù không muốn đổi thay. Đang khi đó, những nước lân cận như Đài Loan, Thái Lan, Phi Luật Tân, Singapore, và Hàn Quốc đang trở nên những con hổ mẹ, hổ con
[i], thì người Việt đang bị chôn vùi trong cảnh nghèo nàn và lạc hậu. Nếu không phải vì sự khôn ngoan tập thể thì có lẽ cũng vì lòng tự hào con rồng Châu Á và sĩ diện sâu xa thúc đẩy đi tới chính sách Đổi Mới, trong đó mở cửa từng bước đối với kinh tế và thay đổi một cách khiêm tốn trong lãnh vực chính trị. Đổi mới đã mang lại những thành quả đáng kể. Trong những năm 1990, Việt Nam trở nên một trong những nước kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với chỉ số GDP tăng lên đến gần 10% mỗi năm. Đầu tư nước ngoài đã rót vào nung nấu những kỳ vọng và giấc mơ Việt Nam sẽ được đăng quang con hổ mới nhất của Châu Á.
Nhưng cơn sốt Việt Nam dần dần cũng hạ xuống cùng với những hy vọng trở thành con hổ. Hệ thống chính quyền quan liêu nặng nề vì có quá nhiều cửa, nhiều dấu cho một công việc, sự thiếu rõ ràng trong luật pháp, tệ nạn tham nhũng, và hàng loạt yếu tố nhiêu khê khác làm cho các nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà nữa và nhiều người đã rút lui chấp nhận những thiệt thòi trong thời gian làm ăn Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường mà nhiều nhà đầu tư quốc tế dòm ngó và chảy nước miếng vì Việt Nam là quốc gia có dân số 80 triệu người tiêu thụ, trong đó đa số là người trẻ. Việt Nam cũng còn ôm ấp những ước mơ trở thành con hổ một ngày nào đó, nhưng giấc mơ bay bổng đó đã có phần thực tế hơn.
Sự mở cửa của Việt Nam năm 1986 đã mang lại những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã xóa Việt Nam khỏi danh sách những quốc gia kém phát triển nhất thế giới. 18 năm nỗ lực cải cách đã đưa Việt Nam đến một vị thế mới. Ngay cả trong vùng nông thôn, nơi trước đây người dân chỉ giám mơ có điện thắp sáng nhà cửa, thì bây giờ họ đã sắm được xe gắn máy, một dụng cụ mà trước kia chỉ có dân thành phố khá giả mới giám nghĩ tới. Các đô thị Việt Nam, nhà hai ba tầng được thiết kế rất Tây mọc lên như nấm sau cơn mưa, như muốn nói rằng kinh tế đã khá hơn nhiều. Thành phần thượng lưu mua hoặc xây những villa trong cũng như ngoài các thành phố. Những quán café sành điệu và quán karaoke, nơi giới trẻ tụ tập mở ra khắp nơi. Chỉ ở Thành Phố Hồ Chí Minh, số địa điểm như vậy lên đến hàng ngàn. Những ca sĩ và nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư lẫn siêu sao trình diễn hằng đêm trong những phòng trà, café, công viên, nhà hát, và sân vận động phục vụ khán giả già cũng như trẻ, những người vô cùng thèm muốn nhạc mới. Những bar với nhạc sống và nhạc D.J. cũng không khó kiếm trong TP.HCM. Tuy nhiên, Quận 1 là nơi sống về đêm, và mỗi tối hàng ngàn người trẻ tìm đến những vũ trường chơi những nhạc mạnh như rave và techno. Trên đường phố, mỗi tối người ta có thể thấy vô số người trẻ chạy dạo trên những chiếc xe gắn máy đắt tiền để ngắm và được ngắm. Những người trẻ đô thị đi thành nhóm hai nhóm ba tới những quán café, những quán bar, hoặc chỉ đi dạo để phô trương kiểu xe, diện kiểu tóc và áo quần.
Chắc chắn Việt Nam bây giờ đang nằm trong vị trí tốt đẹp hơn so với trước đây. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chiều cao trung bình của thanh thiếu niên cao hơn trước đây do điều kiện dinh dưỡng tốt hơn. Những người trẻ Việt Nam cũng am hiểu hơn về thế giới bên ngoài, nhiều người có điều kiện vào mạng thường xuyên. Giới trẻ cũng có điều kiện tìm tới những phim ảnh, đĩa nhạc (mặc dù lậu), mà người trẻ ở khắp nơi trên thế giới đều có. Họ cùng nghe những bài hát giống nhau và mua sắm những thời trang giống nhau. Tuy nhiên bên cạnh những ngôi nhà sang trọng trong thành phố, chúng ta vẫn thấy những căn nhà ổ chuột. Bên cạnh những cậu ấm cô chiêu, chúng ta chứng kiến vô số trẻ em phải bươn ba hàng chục cây số mỗi ngày bán vé số kiếm tiền sống qua ngày. Bên cạnh những nơi dân cư được quy hoạch chặt chẽ vẫn còn những khu nhà đổ nát đứng chờ sự quan tâm của chính quyền. Việt Nam đang nằm trong tình thế gay gắt mà khoảng cách giữa người nghèo và người giàu có thể nhìn thấy trên mỗi góc phố, khu phố một cách rõ rệt và tàn nhẫn.
Việt Nam không còn là một đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng nó chưa hẳn là nơi bảo đảm có hòa bình lâu dài.Việt Nam hiện tại đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo, đồng thời duy trì sự ổn định. Sự trăn trở hàng đầu chiến lược chống những tệ nạn xã hội như ma túy, mãi dâm, phim ảnh đồi trụy, v.v. đang tấn công các đô thị và len lỏi vào các làng xã. Thái độ tự hào của Việt Nam về chiến thắng trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chống Pháp, rồi đến Mỹ, hình như không thể thay thế cho cuộc chiến chống lại ma túy mà đất nước dường như lúc nào cũng nằm bên phía bại. Việt Nam mở cửa kinh tế với hy vọng sánh vai với các nước phát triển, nhưng cho đến bây giờ thì Việt Nam chỉ có thành công trong việc đã gây ra một tệ nạn ma túy và cơn dịch HIV/AIDS nghiêm trọng như ở những quốc gia khác. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, đã có đến 147.000 người bị nhiễm HIV, và cho đến đầu năm 2003 có trên 142.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên những người am hiểu tệ nạn này cho rằng đây chỉ mới là những con số khiêm tốn.
Trong chương này, chúng tôi muốn trình bày và nhận xét một vài điểm nổi cộm về tệ nạn ma túy tại Việt Nam, đặc biệt là cơn dịch nghiện heroin làm đau đầu những người quan tâm đến an sinh xã hội. Thừa nhận nỗ lực phòng chống ma túy của Việt Nam có một số điểm tích cực. Thời gian qua, Nhà nước đã có một đánh giá khá chính xác về tầm quan trọng của tệ nạn xã hội này. Công việc phòng chống đã làm cho nhiều điểm mua bán ma túy trong các thành phố đã bị dẹp. Tuy nhiên, chúng tôi quan điểm rằng tệ nạn này vẫn là một mối đe dọa trầm trọng cho đất nước, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Nhà nước và toàn xã hội phải thi hành nhiều thay đổi trong cách nhìn và phương pháp đối phó mới có thể đạt được những kết quả đáng kể hơn hiện nay.
Theo báo Công An Thành Phố, với con số trên 142.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, mỗi năm họ sử dụng khoảng 2.500 tỷ đồng vào việc mua heroin, một con số lớn hơn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nước ta.
[ii] Đó là chưa tính đến những tốn kém về y tế và xã hội, mất mát do những hành động phạm pháp của người nghiện, tiền chính phủ phải bỏ ra để ngăn chống tệ nạn, và những cái giá khó ước lượng được của việc tan vỡ hạnh phúc gia đình, và sự bền vững xã hội. Con số thực tế về người nghiện và tiền bị mất chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể bởi vì nhiều người nghiện, đặc biệt là những người mới sa vào chưa có sự chú ý của phường huyện. Tệ nạn nghiện heroin và cơn dịch HIV đi song song với nhau do hành động dùng chung kim chích. Trong tất cả những người nhiễm HIV/ AIDS ở Việt Nam, theo Bộ Y tế thì 57% đã mắc bệnh do người nghiện chích chung kim với những người nghiện khác. Theo một bác sĩ trong khoa lạm dụng thuốc tại Bệnh viện Y dược học Dân tộc, đa số những bệnh nhân tới đây cắt cơn đều có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ma túy tung hoành
So với những nước lân cận như Lào và tỉnh Yunnan-Trung Quốc, Việt Nam chưa từng được xem là một nơi sản xuất thuộc phiện đáng kể. Cho tới năm 1992, thuốc phiện được sản xuất trên hầu hết ở các vùng cao nguyên bởi các dân tộc thiểu số và được sử dụng rộng rãi vào các liệu pháp y học cổ truyền. Tuy nhiên, cây anh túc đã trở nên một loại cây mang lại kinh tế cao vào thời Pháp thuộc và khi giao tiếp với người Mỹ, lúc đó những người dân thiểu số khám phá ra họ có thể hái ra tiền từ cây này. Năm 1988, ủy ban bài trừ ma túy của Liên Hiệp Quốc (UNDCP) ước lượng rằng Việt Nam đang sản xuất 60 tấn thuốc phiện trên diện tích 12.000 mẫu.
[iii] Nhưng từ năm 1993, những nơi này đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch diệt trừ của Hà Nội. Đến 1999, Việt Nam được ước lượng là còn sản xuất 2 tấn thuốc phiện trên diện tích đất là 442 mẫu. Theo các chuyên gia, bởi việc sản xuất heroin trong nước không đáng kể, nên sự bùng nổ nạn sử dụng ma túy ở Việt Nam trực tiếp liên quan đến số lượng ma túy được vận chuyển qua biên giới trên đường đi tới những nơi khác. Một phần trong số đó lọt vào Việt Nam và dừng lại, rồi được phân phối tới những thành phố, thị trấn, làng, xã. Đường dây vận chuyển ma túy, trước đây qua Thái Lan và Trung Quốc, đã len lỏi vào Việt Nam một phần do các nước ấy kiểm soát chặt chẻ hơn cũng như do Việt Nam mở mang biên giới để làm ăn. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành một con đường phụ và cũng đã trở thành một thị trường béo bở cho giới buôn bán ma túy, những người muốn mở rộng “thị trường” trên đường vận chuyển để thêm thuận tiện, và thu lợi nhuận nhanh. Năm 1995, Hoa Kỳ đã cảnh báo Việt Nam là một quốc gia trung chuyển ma túy rất lớn đến các nước khác qua ba tuyến chính, tất cả đều khởi hành từ vùng Tam Giác Vàng. Tuyến thứ nhất bắt đầu từ Tam Giác Vàng tới Hà Nội rồi được phân phát đến những người bán lẻ trong thành phố và các tỉnh lân cận. Tuyến thứ hai bắt đầu từ Tam Giác Vàng qua Campuchia, rồi được mang qua biên giới tới TP.HCM đến những người bán lẻ trong thành phố và tỉnh chung quanh. Con đường thứ ba đi từ Tam Giác Vàng đến Hà Tĩnh rồi được phân phát trong khu vực miền trung. Năm 1992, số lượng ma túy vận chuyển bị tịch thu chỉ có 2,8 kg. Từ năm 1993 đến 2000, bộ công an cho biết có 48.282 trường hợp liên quan đến 95.854 đối tượng. Trong quá trình này, công an đã tịch thu tổng cộng 9.081,3 kg thuốc phiện và 332,98 kg heroin. Theo báo cáo này thì so với năm 1993, số trường hợp trong năm 2000 nhiều hơn 11,39 lần và số đối tượng nhiều hơn 11,79 lần.[iv] Một báo cáo của công an tháng tư năm 1995 ước lượng có đến 15 tấn ma túy được vận chuyển trái phép từ vùng Tam Giác Vàng vào Việt Nam mỗi năm. Trong chỉ tám tháng đầu tiên của năm 1996, công an Việt Nam đã tịch thu 50kg heroin, nhiều hơn số lượng cả năm 1995 đến 60%. Năm 2000, Hà Nội và TP.HCM có 48.8% tổng số trường hợp và 49.7% tổng số đối tượng trong cả nước.[v] Mặc dù tăng cường canh gác, con đường vận chuyển vẫn sinh hoạt sôi nổi. Năm sau, công an lại phá vỡ 12.811 trường hợp liên quan đến 21.103 đối tượng.[vi] Năm 2002, chính quyền lại đối phó với 14.167 trường hợp và 23.199 đối tượng và tịch thu 57,392 kg heroin, 612,631 kg thuốc phiện, 243 kg bồ đà, nhiều loại thuốc và dụng cụ khác.[vii] Điều đáng tiếc là số ma túy được vận chuyển qua biên giới không giảm, mặc dầu việc kiểm soát đã được tăng cường. Chỉ tháng 6, năm 2003 đã có số lượng heroin bị tịch thu bằng số lượng cả năm 2002.[viii]

Năm 1993 ở Mai Châu cách Hà Nội 170 km, lực lượng chính quyền đã đến để tiêu diệt những đồng ruộng trồng cây anh túc của người Hmong trong chiến dịch bài trừ sản xuất ma túy trong nước. Ở những nơi này, chính quyền đã giới thiệu những loại cây ăn trái như đào, mận để có điều kiện sinh sống. Mỗi năm từ 1993-2000, chính quyền Việt Nam cung cấp 23-25 tỷ đồng cho nỗ lực loại trừ việc trồng cây anh túc trong các vùng cao nguyên cũng như giáo dục dân ở đây phương pháp canh tác loại cây khác. Mặc dầu những cây ăn trái này tạo ra thu nhập hợp pháp, nhưng khó nhờ vào công việc này để cho kinh tế khá hơn. Người nông dân phải mang một thúng đầy mận đến chợ đường xa nhưng chỉ có thể kiếm một chút tiền lời. So với lợi tức kiếm được nơi anh túc thì trồng mận kém hơn nhiều.
[ix] Vì vậy, nguy cơ những nông dân lén lút trở lại trồng anh túc vẫn là một mối đe dọa lớn. Trên thực tế, nhiều nông dân vẫn đang trồng anh túc lẫn lộn với những loại cây khác, tuy nhiên số lượng thuốc phiện sản xuất từ những cây này chỉ là ở mức khiêm tốn và mang tính chất cá nhân chứ không liên quan đến một hệ thống phức tạp bao gồm người mua và người sản xuất.[x]
Nhiều năm trước, Việt Nam gán vấn đề ma túy cho Pháp rằng chính sách đô hộ đã gây ra tệ nạn đó. Sau này chúng ta lại đặt quy trách nhiệm vào sự phóng đãng của lính Mỹ đến Việt Nam đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho người dân Việt. Tuy nhiên, con số thống kê cho thấy quan điểm này không chính xác và chúng ta phải thừa nhận rằng đa số những hành vi sử dụng ma túy thời trước không diễn ra những nơi tiếp xúc nhiều với người Tây nhưng ở vùng cao nguyên, đặc biệt là vùng biên giới. Năm 1995, Việt Nam đã ký một hiệp ước với Trung Quốc, Lào, Myamar, Thái Lan, và Campuchia để chống lại vận chuyển ma túy xuyên biên giới. Tháng 12 cùng năm, Hà Nội cũng khởi sự chiến dịch chống ma túy trong nước. Và mặc dầu trễ hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới, nhưng năm 1997, Việt Nam cũng đã quyết định tham gia vào ba hiệp ước của Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích kiểm soát việc sản xuất và vận chuyển ma túy. Năm đó, do nỗ lực tăng cường phòng chống đã dẫn đến 2.737 trường hợp đưa ra tòa xét xử 4.070 đối tượng liên quan đến mua, bán và vận chuyển ma túy. Con số này lớn hơn tổng số năm trước 26% về trường hợp và 32% về đối tượng. Con số đó lại tiếp tục tăng năm 1998, khi công an tiếp tục ra sức hạn chế vấn đề vận chuyển ma túy. Vì vậy, 56,53kg heroin, 1.135 kg thuốc phiện, 379 kg bồ đà, và 142.386 ống kim đã được tịch thu.[xi] Bên cạnh đó, 3.549 trường hợp liên quan đến 5.053 đối tượng được đưa ra tòa. Đến năm 1999, xu hướng đó vẫn tiếp tục tăng với 3.973 trường hợp và 7.595 đối tượng. Ba năm sau, số trường hợp đã tăng lên đến 14.000.
Cách xử lý của chính quyền đối với những đối tượng bị bắt trong các vụ là đưa ra trừng phạt nặng. Năm 1995, Nhà nước đưa ra án tử hình đối với những người vận chuyển và tàng trữ 100 gram heroin trở lên dẫn đến số lượng người bị kết án tử hình rất cao.Từ 1993 đến 2000, theo báo cáo chính thức, 274 người bị kết án tử hình. Ngoài ra, 225 người bị án tù chung thân, và những án tù ngắn hơn thường xuyên được đưa ra để trừng phạt những người mua bán ma túy trái phép. Chỉ năm 2000, trên 3.000 phạm nhân lãnh án tù 7-20 năm.
[xii]
Mặc dù nỗ lực phòng chống ma túy bằng cách đưa ra những án phạt nặng, nhưng thành công trên chiến trường vẫn còn xa vì số người nghiện tiếp tục gia tăng dần. Năm 1994, số người nghiện được báo cáo là 55.445, nhưng sang năm sau thì con số ấy đã lên 61.596. Sau chiến dịch phòng chống ma túy, số người nghiện vẫn tăng gần 10.000. Những người quan sát những chiến dịch chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam nhận xét rằng không bất ngờ trước những kết quả khiêm tốn. Những ổ chích và các nơi tụ tập bị tấn công và những người nghiện bị bắt được đem đi cai. Biểu ngữ phòng chống ma túy được treo lên khắp các khu phố và giới thông tin thâu nhiều hình ảnh công an quét sạch những nơi mua bán ma túy. Nhưng rồi không gì xảy ra để thay đổi theo chiều hướng tích cực cả. Những người nghiện không còn tụ tập ở những ổ chích nữa, nhưng họ không ngừng sử dụng lén lút. Việc giao dịch mua bán không còn công khai nhưng ma túy vẫn tiếp tục được di chuyển từ tay này qua tay khác. Đa số các chiến dịch ở Việt Nam thường bắt nguồn với một nghị quyết của chính phủ, vấn đề được đối phó một thời gian một cách ồ ạt khiến các đối tượng phải tránh xa, nhưng rồi sức lực của chiến dịch bắt đầu nguội dần dần, và mọi sự đâu lại vào đấy. Đến năm 1999, số người nghiện được báo cáo là 90.195 và năm 2000, tiếp tục tăng với số 92.617. Đầu năm 2003, số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 142.000, tăng gần 30.000 so với năm trước. Do các nghị định được đưa ra trong thời gian gần đây bắt những đối tượng nghiện tập trung vào các trung tâm của nhà nước, chắc chắn những nơi này sẽ trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Đà tăng xem như không tránh được và những nhà chuyên môn không thấy sự chuyển hướng trong những năm sắp đến.

Tình trạng khó quản lý
Biên giới phức tạp
Mặc dầu chính quyền đưa ra hình phạt nặng và tăng cường phòng chống ma túy, những đường dây ma túy vẫn sinh hoạt sôi nổi vì nhiều lý do. Khoảng cách không xa giữa Việt Nam với nơi sản xuất ma túy và biên giới không kín với các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia làm cho việc kiểm soát những gì ra vào nước rất khó. Tổng cộng, Việt Nam có ranh giới dài 7.927 km, trong đó 4.667 km đất liền và 3.260 km là biển. Ở đồng bằng Sông Cửu Long có lên đến 25.000 thuyền ghe đánh cá cùng một lúc. Ngoài ra, Việt Nam còn có một số hải cảng nhiều tàu bè quốc tế ra vào khiến cho sự quản lý hàng hóa chặt chẽ rất khó khăn. Ngày nay, ma túy cũng ra vào qua đường hàng không, và thỉnh thoảng còn qua đường bưu điện. Mức khó khăn kiểm soát biên giới đã tăng vụt sau khi Việt Nam mở kinh tế và khuyến khích giao dịch với các quốc gia trong khu vực cũng như Tây phương. Vì thế khi phát hiện, ma túy thường nằm lẫn lộn với những hàng hóa được phép vào Việt Nam qua đường bộ, đường biển, và hàng không.

Dân thiểu số
Yếu tố liên quan đến người dân thiểu số cũng làm cho tình trạng ma túy thêm phức tạp. Sự hiện diện của cộng đồng người Lào, dân thiểu số ở vùng cao nguyên và Bắc Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho việc vận chuyển xuyên ranh giới. Ngoài ra, cộng đồng người Việt gốc Hoa cũng có nhiều quan hệ gần gũi với những người Hoa ở những nước khác, đặc biệt là những người rời Việt Nam vào cuối thập niên 1970. Những cá nhân này xây một mạng lưới xuyên quốc gia phức tạp và tinh vi, liên hệ với các nhóm mafia Trung Quốc ở nhiều quốc gia.

Mạng lưới Việt kiều
Hiện tượng người Việt tản mát khắp nơi cũng góp phần vào việc vận chuyển ma túy. Những băng đảng người Việt có mặt ở Lào, Đài Loan, Campuchia, Canada, Úc, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Đường dây ma túy tới Đông và Tây Âu thường liên quan đến những xuất khẩu lao động, sinh viên du học, và ngay cả các viên chức chính quyền nữa. Những hoạt động trong đường dây này thường không lớn so với mạng lưới rất tinh vi và có hệ thống do những Việt kiều tạo nên để vận chuyển ma túy đến Úc và Hoa Kỳ.
[xiii] Tháng tư, 1996, một bà già 76 tuổi và con gái của bà là Nguyễn Thị Hiệp, mang quốc tịch Canada bị bắt tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội vì bị phát hiện mang 5,4 kg heroin chuẩn bị lên máy bay đi Hong Kong. Thị đã bị kết án tử hình trong khi bà mẹ lãnh án tù chung thân. Ngày 28 tháng 8 năm 2002, một phụ nữ Việt kiều Úc tên Lê Mỹ Linh lại bị kết án tử hình sau phiên tòa kéo dài một ngày vì bị phát hiện mang 888 gram heroin và 209 gram diazepam. Bị bắt vào tháng 11, năm 2001 lúc chuẩn bị rời TP.HCM để đi Úc.[xiv] Linh khai nhận, sau khi bị bắt, là sẽ được một Việt kiều Úc khác trả 30.000 USD khi hoàn tất công việc này.Tháng Giêng, năm 2001, một Việt kiều Úc khác tên Nguyễn Thị Kim Hiếu, 34 tuổi, lại bị bắt vì cố ý vận chuyển 800 gram heroin từ TP.HCM sang Úc. Gần đầy có một vụ liên quan đến Ngô Xuân Phương, một Việt kiều Nhật Bản.[xv] Ngày 23 tháng 2, năm 2004, vụ án liên quan đến Phương và các nhân vật khác trong đường dây buôn ma túy với Ngô Đức Minh (Minh "Sứt") được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân TP.HCM. Theo báo Tuổi Trẻ, đường dây buôn ma túy qua Nhật này có sự tham gia của nhiều đối tượng, kể cả tiếp viên hàng không cũng như thủy thủ tàu viễn dương. Hai đối tượng này đã hợp tác lần đầu tiên vào năm 1993 khi Phương đưa cho Minh 50.000 USD để mua cần sa chuyển qua Nhật tiêu thụ và tiếp tục sau đó cho đến khi đường dây bị phá vỡ năm 2002. Ngoài buôn ma túy từ Việt Nam qua Nhật, Phương còn chủ động tìm cách đưa thuốc lắc từ Nhật về Việt Nam để cung cấp cho những địa điểm trong nước.[xvi] Kết cuộc của vụ án thì Phương đã bị xử án tử hình và Minh được lãnh án chung thân. Tuy nhiên đây chỉ là hai nhân vật chính trong đường dây này và nhiều người khác trong đường dây cũng đã bị phạt nhiều năm tù hoặc tử hình. Mặc dầu chính quyền quốc tế, trong đó có Úc có hỗ trợ trong những vụ liên quan đến công dân của họ, những quan chức ở Úc cũng đang thấy khủng hoảng trước sự tăng mạnh về việc buôn bán ma túy giữa hai nước và số người Úc gốc Việt bị bắt ngày càng nhiều hơn. Theo ngành công an, mặc dầu Việt kiều có bị bắt trong các vụ phát hiện, đa số những người Việt hải ngoại buôn ma túy không giám trực tiếp hoạt động nhưng chỉ điều khiển từ phía sau.[xvii] Từ năm 1995 đã có chín người buôn ma túy nước ngoài bị án tử hình.

Sức mạnh đồng tiền
Nguyên nhân làm cho thị trường buôn bán ma túy ở Việt Nam sôi nổi vì liên quan đến mức lợi nhuận rất cao. Năm 1993, một kilogram thuốc phiện có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Ba năm sau, giá đã tăng lên thành 7,6 triệu đồng. Tới năm 2000, giá lại leo thang tới 10 triệu đồng.
[xviii] Cách đây vài năm, một kilogram heroin có giá khoảng 3.000 dollar ở Myamar, khi sang Lào là 6.000 dollar, rồi khi đến làng Kỳ Sơn thuộc ranh giới Việt Nam thì đã lên tới 7.000 dollar. Lúc tới TP.HCM, một kilogram heroin đạt giá 14.000 dollar.[xix] Nếu được chia ra từng bi bán lẻ và có trộn thêm những chất khác, người bán có thể kiếm được nhiều lời hơn nữa. Những nhà kinh tế học Việt Nam thích đề cập đến nhận xét của Các-Mác là khi lợi nhuận đạt mức 300% hoặc nhiều hơn, ngay cả án tử hình cũng không ngăn cản những nhà tư bản chạy theo lợi tức đó.

Những cán bộ thiếu đạo đứcKhông ít người nhận xét rằng điều quan trọng gây cản trở cho Việt Nam trong chiến dịch chống ma túy có liên quan đến việc thiếu đạo đức và nạn tham nhũng của những người có trách nhiệm. Mặc dù ngôn từ của Nhà nước chủ trương chống những đường dây ma túy, nhưng vẫn có sự tham gia một cách mãnh liệt của những cán bộ trong những đường dây ấy. Năm 1995, có 211 nhân viên hải quan bị kiểm điểm vì những hành vi thiếu đạo đức, trong đó có nhận hối lộ để bao che cho việc vận chuyển ma túy. Tháng 7, năm 1996, ngành công an lại trở thành cơ quan gây chú ý. Một trong những vụ gây náo động nhất trong quần chúng liên quan đến Đại úy Vũ Xuân Trường, nguyên sĩ quan tuần tra biên giới ở tỉnh Lai Châu và cũng là một nhân vật đang lên trong Bộ Nội vụ. Vũ Xuân Trường bị phát hiện khi người hợp tác với Trường là Xieng Phenh, người Lào đã tiết lộ tên Trường trước khi bị đưa ra tử hình một ngày với hy vọng sẽ được giảm án. Ngày 4, tháng 7, năm 1996, công an điều tra nơi ở của Trường và đã phát hiện 5,1 kg heroin. Các cuộc điều tra và các phiên tòa tiếp theo cho biết Trường là nhân vật điều khiển sự vận chuyển ma túy từ Lào đến Hà Nội. Trong thời gian đương nhiệm, Trường đã vận chuyển được 93,3 kg heroin và 110 kg thuốc phiện đến Việt Nam. Kết cuộc, Trường và sáu đồng bọn đã bị án tử hình. Hợp tác với Trường trong việc này còn có Thiếu tá Vũ Hữu Chính, là người đứng đầu bộ phận phòng chống ma túy ở Bộ Nội vụ. Công an điều tra cho thấy hai người này đã kết hợp với nhau ngày 23 tháng 2 năm 1995, khi họ đưa ra kế hoạch để lấy một gói chứa đựng heroin nằm trong chiếc xe có số 0054 của một tên buôn ma túy người Lào bằng một cuộc tuần tra giả vờ.
[xx] Tuy vậy, Chính đã không lãnh án tử hình nhưng bị tù chung thân và phạt 1 tỷ đồng. Ngoài hai nhân vật này, 10 cán bộ khác trong cơ quan Công an Kinh tế có trách nhiệm phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có vị đứng đầu là Thiếu tướng Vũ Ban và một số cán bộ biên phòng đi theo Trường cũng sụp đổ. Sau khi xét xử, Ban bị án tù là 9 năm.[xxi] Đường dây này bắt đầu từ năm 1991, báo cáo công an cho thấy tổng số ma túy được vận chuyển vào Việt Nam là 250,655 kg heroin và 210 kg thuốc phiện. Qua vụ án Ngô Xuân Phương thì công an cũng đã phát hiện rằng Vũ Xuân Trường là một nhân vật đã từng cung cấp hàng cho Phương trong những năm trước.
Chúng ta không rõ có bao nhiêu cán bộ nhà nước tham gia vào những đường dây ma túy và sinh hoạt này được hệ thống hóa tới mức nào. Những bài viết thảo luận về vấn đề khó khăn trong phòng chống ma túy ít đề cập đến sự liên lụy của cán bộ nhà nước cách chi tiết. Ngay cả trong trường hợp của một cán bộ cao cấp như Vũ Xuân Trường, có những tác giả như Nguyễn Xuân Yếm, Trần Văn Luyện, Viết Thực… chỉ đề cập đến Trường như một người cầm đầu đường dây ma túy và hoàn toàn không chú ý đến chức vị chính trị của Trường. Báo Tuổi Trẻ khi nhắc đến Trường nói về y là một “nhân vật cộm cán”.
[xxii] Vai trò của những cán bộ thiếu đạo đức trong những đường dây ma túy thường không được bàn tới đúng tầm mức quan trọng nhưng chỉ có những trình bày chung chung về những cám dỗ mà các lực lương phải đối diện. Những cán bộ hư hỏng thường đường nhắc tới như những người thiếu đạo đức hoặc yếu đuối trong cuộc chiến. Tuy nhiên, dường như bất cứ phi vụ nào đáng kể bị khám phá đều có liên quan đến những người có chức trách. Trong vụ Trương Văn Cam (Năm Cam), bên cạnh những nhân vật bợm trợn đồng bọn với Năm Cam còn có không ít những cán bộ cấp cao của nhà nước. Qua việc hối lộ những viên chức cao cấp, Năm Cam đã có điều kiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngoài vòng pháp luật: giết người, cờ bạc, ám sát, buôn ma túy, mại dâm, v.v. Những người này hay bị hoa mắt khi đối diện với một cơ hội làm tiền quá dễ dàng, tuy nhiên rất mạo hiểm. Ví dụ, những tiếp viên hàng không hoặc thủy thủ tàu viễn dương được Ngô Xuân Phương và Ngô Đức Minh trả công trung bình khoảng 15.000-40.000 USD/chuyến.[xxiii] Trong số 140 đối tượng bị bắt giữ trong đường dây tội phạm Minh “Sứt”, một số người đáng kể là cán bộ hải quan hoặc những cán bộ nhà nước khác. Trong tầng lớp cán bộ nhà nước, bên cạnh trực tiếp buôn ma túy, nhận hối lộ là một cách phổ biến nhất để họ tham gia vào tệ nạn ma túy. Năm 2002, Võ Văn Cư, một cảnh sát điều tra ở TP.HCM bị đình chỉ công tác vì nhận hối lộ từ một người buôn ma túy bị bắt để giúp anh ta chạy án.[xxiv] Rồi ngày 24.3.03, Cảnh sát Kinh tế tỉnh Tây Ninh phát hiện trong một lô hàng trái cây của doanh nghiệp tư nhân Hạnh Phúc đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có 300 viên thuốc lắc hiệu Wy.[xxv] Điều tra cho biết DNTN trên đã trốn thuế trên 6 tỷ đồng với sự "giúp đỡ" của các hải quan. Hai cán bộ hải quan là Phan Văn Hiên và Nguyễn Anh Hào đã bị khởi tố, bắt tạm giam, và cuối cùng bị thôi việc. Tháng 4, 2004, Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục khởi tố bị can đối với 21 cán bộ khác với tội danh "thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng". Theo báo Tuổi Trẻ, đây là những nhân vật trong "một tập thể cán bộ HQ cửa khẩu Mộc Bài sai phạm có hệ thống". Như chúng ta thấy nhiều cán bộ tham gia vào đường dây ma túy bằng cách nhận hối lộ thường chỉ bị kiểm điểm, chỉ trích, trừ lương, hay thôi việc khi bị phát hiện. Nhưng những án phạt này so với án phạt nặng nề dành cho người dân bị bắt vì tội tàng trữ, mua bán ma túy thật là không thỏa đáng.

Đường dây ngày càng tinh vi
Đối với nỗ lực hết mình để ngăn chặn những đường dây ma túy, thật sự là điều không đơn giản. Theo ông Nguyễn Việt Thành ở Bộ Công an TP.HCM, ngày nay, ma túy có hình dạng nhỏ và dễ cất dấu, dễ vận chuyển, và tiêu thụ. Nhiều người mua bán, vận chuyển, đặc biệt những người dân thiểu số, là những người dân bình thường có hoàn cảnh nghèo, thất nghiệp, và không hiểu biết nhiều về luật pháp. Họ ít hiểu biết về ma tuý, nên dễ dàng trở nên những con mồi cho các tay buôn lớn dùng làm tay sai. Họ thường trở thành những nạn nhân xui xẻo trong những vụ bị phát hiện và phải đối diện với luật pháp cứng rắn của Việt Nam đang khi đó những tay đầu sỏ lại thong dong.
Tất cả những nguyên nhân trên đều giúp cho chúng ta thấy tại sao ma túy vẫn còn lan tràn trong các thành phố và thị trấn ở Việt Nam. Trong những làng xã mà vài năm trước đây không ai tưởng tượng là heroin hiện diện, vậy mà bây giờ công an đang cố khám phá, và nhiều bậc làm cha làm mẹ đã phải sửng sốt khi chứng kiến những đứa nghiện lại là con mình. Ma túy được phân phối đến người sử dụng bằng nhiều cách thật tinh vi và càng lúc càng diễn ra trên diện rộng. Những người làm công tác phòng chống ma túy than phiền thiếu lực lượng cần thiết để thi hành công tác hiệu quả hơn cũng như thiếu những thiết bị hiện đại để giúp cho việc canh gác và phá những đường dây ma túy. Mặc dầu báo chí trong nước thường xuyên đăng tin về các vụ bị công an khám phá, đến bây giờ thì số lượng cung vẫn chưa thuyên giảm. Tháng 3, năm 2002, Nhà nước đã quyết định đầu tư 80 tỷ đồng phòng chống ma túy xuyên quốc gia cho năm 2002-2004.
[xxvi] Tuy vậy, ngân quỹ này vẫn còn rất ít so với số tiền cần có để khắc phục vấn đề một cách có hiệu quả. Không đủ ngân khoản đã là một vấn đề, nhưng bên cạnh đó, sở công an được thành lập năm 1998 có trách nhiệm phòng chống ma túy lại thiếu trầm trọng lực lượng được huấn luyện kỹ lưỡng và có khả năng để đối phó với những đối thủ đầy mưu kế. Nhiều đội công an vẫn thiếu trang thiết bị cần thiết trong khi những người buôn bán ma túy tiếp tục tích lũy những vũ khí và phương tiện tinh vi.[xxvii] Những người có trách nhiệm cũng hiểu rằng, bao lâu còn có những thị trường chưa được khai thác, những thanh thiếu niên tò mò hay có vấn đề buồn bã trong cuộc sống, hoặc còn những cán bộ tham lam thì vấn đề ma túy không thể giải quyết tận căn.

Vấn đề cũ, khuôn mặt mới

Ma túy đã có mặt ở Việt Nam từ lâu. Thuốc phiện được chế biến từ cây anh túc (papaver somniferum) đã có mặt ở vùng Trung Quốc-Ấn Độ nhiều ngàn năm. Ở vùng Tam Giác Vàng, Đông Nam Á, cây anh túc được trồng để sử dụng và bán không biết từ bao giờ. So với những nơi khác, thuốc phiện chỉ có mặt ở Việt Nam gần đây, khoảng từ thế kỷ 19. Trong thuốc phiện có nhiều chất dẫn đến nghiện nhưng nhiều nhất là chất morphine (10-15%). Thuốc phiện có màu đen hoặc nâu đậm, vì vậy dân chơi thường hay gọi nó là hàng đen. Những tên khác được gọi là cơm chín hoặc hàng cái. Thuốc phiện có thể hút, chích sau khi hòa trong nước, nuốt hoặc uống. Trước 1975, ở Việt Nam thuốc phiện thường được sử dụng bằng những hình thức này. Trong lúc ấy, khoảng 1960-65, những chất dẫn xuất từ morphine, phổ biến nhất là heroin (diacetyl morphine) cũng đã tìm đến Việt Nam qua sự hiện diện của binh lính Mỹ. Chất morphine được chế biến lần đầu năm 1874 ở Châu Âu và được sử dụng như một thuốc giảm đau, nhưng có hiệu quả ít hơn heroin 3 lần (3 mg heroin = 10 mg morphine). Từ đổi mới đến nay, heroin đã trở nên loại ma túy phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong thành phần thanh niên sử dụng ma túy 19-24 tuổi, tỷ số chơi heroin là 90%. Như ông Nguyễn Viết Thành nhận xét, ma túy ở Việt Nam đã đổi màu. Thuốc phiện đen đã nhường đường lại cho heroin, còn được gọi là bột trắng, hoặc hàng trắng. So với những loại ma túy trước đây thì heroin nguy hiểm hơn vì dẫn đến nghiện ngập nhanh hơn. Bên cạnh heroin còn có những loại ma túy tổng hợp được chế biến trong các phòng thí nghiệm như methadone, ATS gồm có ecstasy, meth-amphetamine, v.v. được sử dụng ở Việt Nam nhưng tỷ số đó nằm dưới 10%, và thường diễn ra trong các vũ trường, bar, hoặc quán café. Vì một viên ecstasy có giá từ 200.000 đến 700.000 đồng, chỉ có một số nhỏ người có điều kiện tiêu thụ loại ma túy này.
Tệ nạn heroin cũng đã xâm nhập vào các thành phần khác. Trước đây thì những người sử dụng thuốc phiện đa số là giới lớn tuổi, họ là những người thuộc dân tộc thiểu số ở các vùng cao nguyên miền bắc Việt Nam, nơi có trồng những cây anh túc để sử dụng trong các nghi thức tôn giáo. Ngày nay, những người sử dụng đa số dưới 30 tuổi, và số lớn là lứa tuổi thiếu niên và người sử dụng ma túy có mặt khắp nơi, trong các thành phố thị trấn, và còn ở các làng xã. Theo một nghiên cứu gần đây, ở Việt Nam có 7% người nghiện dưới 18 tuổi. Lứa tuổi từ 18-24 chiếm 50%; 20% là 25-34 tuổi; và 23% là 35-45 tuổi.
[xxviii] Như thống kê trên thì khoảng 75% người nghiện dưới 35 tuổi. Riêng các đô thị, tỷ lệ người nghiện dưới 30 tuổi chiếm 80-90%.[xxix] Hầu hết các người nghiện chưa đến tuổi trung niên là một mối lo toan cho giới lãnh đạo cũng như những cán sự xã hội bởi vì tệ nạn ma túy rơi vào thành phần dân số trẻ có nghị lực và khả năng lao động nhiều nhất. Và các bậc phụ huynh không mấy yên tâm khi thấy rằng con cái mình là mục tiêu cho những người buôn bán ma túy.
Sự xâm nhập của heroin vào thế hệ trẻ của đất nước bao gồm tất cả những tầng lớp xã hội và kinh tế. Những người nghiện sống trong các khu nhà ổ chuột cũng như trong những căn villa sang trọng, thành phần thất học cũng nhiều nhưng học sinh, sinh viên cũng không ít. Họ xuất thân từ những gia đình đầy đủ bố mẹ, anh em cũng như trong những gia đình tan vỡ. Những người nghiện là nhân viên văn phòng cũng như đạp xích-lô, làm cán bộ nhà nước cũng như làm gái mãi dâm. Tuy thế, chúng ta cần nêu ra cụ thể hơn để có thể nắm được hình ảnh xác thực về thành phần người nghiện. Chúng ta thấy rằng đa số các người nghiện (78%) vẫn sống trong gia đình trong khi chỉ 22% là vô gia cư. Bên cạnh đó, 80% các người nghiện là độc thân, và 68% chưa tốt nghiệp cấp 3.
[xxx] Thực ra, nhiều người nghiện phải bỏ học vì heroin ảnh hưởng đến khả năng học tập và giữ thời giờ đều đặn, đầu óc thường hay bị chi phối với những suy nghĩ và mưu toan tìm cách xin hoặc ăn cắp tiền nơi gia đình, bà con, bạn bè, và người lạ sử dụng lần tới.

Ở TP.HCM, dường như mọi khu phố đều có những biểu ngữ cảnh báo cho dân về sự nguy hại của ma túy. Có nhiều hình ảnh, những đầu lâu để cảnh giác về cái số phận phải chết của những ai dại dột thử ma túy. Những băngrôn khuyên không nên dùng thử “dù chỉ một lần”. Những biểu ngữ tuyên bố về mục tiêu ba giảm: ma túy, tội phạm và mại dâm, ba lĩnh vực khác nhau nhưng có nhiều điều liên quan đến nhau. Những tuyên truyền chống ma túy như trên đã trở thành những gì quen thuộc và gắn liền với cảnh quan thành phố và thị trấn cũng có lý do chính đáng. Trong những năm qua, đã bớt đi cảnh một đám thanh thiếu niên tụm lại với nhau trên đường cùng chích cho nhau rồi vứt kim còn dín máu tươi xuống đường một cách hờ hững. Những người trẻ, đặc biệt là thiếu niên, không chỉ là đối tượng tiêu thụ lý tưởng cho những người bán ma túy, mà còn là những đối tượng mà người bán muốn biến họ thành người giao nhận hàng vì thiếu niên không bị khởi tố trước luật pháp Việt Nam. Nhiều trẻ em bị lợi dụng để mang, vận chuyển, và giao hàng, cũng như canh gác và câu khách. Có nhiều trẻ em đã và đang sa vào con đường này chỉ vì bị dụ dỗ qua kẹo bánh, tiền bạc, trò chơi điện tử, v.v. Những người bán giới thiệu heroin cho đứa trẻ với mục đích sẽ làm cho nó bị nghiện. Giai đoạn hút ban đầu sẽ nhanh chóng chuyển qua chích và và dẫn đến nghiện ngập trầm trọng. Khi đứa trẻ đã nghiện, người cung cấp không cho nữa nhưng lại bắt nó phải đi bán để có tiền thỏa mãn cơn nghiện của nó. Đứa trẻ này cũng sẽ tìm đến những đứa trẻ khác trong xóm, trong trường dẫn đến ma túy lan ra trên diện rộng. Những đứa trẻ mắc vào bẫy ma túy thường là những trẻ lang thang hoặc những đứa có gia đình tan vỡ. Đã có những trường hợp các cha mẹ sử dụng con cái mình để bán ma túy. Ngày 27 tháng 8, 2000 báo Tuổi Trẻ đăng tin về một phụ nữ ở Quận Bình Thạnh, TP.HCM cố ý có thai để tránh đi tù bởi vì luật pháp Việt Nam cho phép tù tại gia nếu người đàn bà mang bầu hoặc phải chăm sóc cho con trẻ. Năm 2003, một người đàn ông và con gái trẻ bị bắt khi đang lấy hàng tại một nhà ở Quận 3, TP.HCM. Công an cho hay rằng người đàn ông này luôn cho con gái mặc đồng phục học sinh lúc đi với mình để tránh bị phát hiện.
Nhưng không chỉ con cái của những gia đình nghèo khó mới dễ rơi vào con đường ma túy. Tháng 11, 2002, báo chí cho hay về những thành viên của “câu lạc bộ con của VIP” lãnh án tù vì việc sử dụng, mua bán heroin và những chất ma túy khác với số lượng lớn. Vụ bắt nhóm này vào tháng giêng, 2002 đã làm xôn xao dư luận bởi đây là một trường hợp tượng trưng mà người Việt Nam cho là hậu quả của những cha mẹ có lắm tiền của, và nuông chiều con cái đến mức làm chúng hư hỏng. Trong số cha mẹ của câu lạc bộ này còn có những cán bộ nhà nước cao cấp, một người nguyên là chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, và một người khác là cựu phó Bộ trưởng Bộ Y tế.
[xxxi] Con cái của giới thượng lưu khét tiếng là những người góp phần gây ra những tệ nạn xã hội mà Nhà nước đang ra sức ngăn chặn. Những bậc phụ huynh giàu có cung cấp cho con cái, ngay cả những đứa mới học cấp hai, cấp 3 những chiếc xe gắn máy và điện thoại di động đắt tiền, và nhiều tiền bỏ túi. Tháng 5 năm 2003, người Việt Nam lại thêm một lần nữa bị sốc khi nghe tin về sáu quý tử trẻ bị cảnh sát 113 bắt vì đua xe hơi đời mới, từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM giữa đêm khuya. Nguyễn Quốc Cường, 22 tuổi, đã thừa nhận là có hành vi tìm cách hối lộ cảnh sát với số tiền 400 dollar khi bị ra lệnh ngừng xe và hứa sẽ có nhiều hơn hôm sau nếu được bỏ qua. Cường còn hứa với những phóng viên báo chí có mặt lúc đó sẽ cho họ tiền nếu không đăng hình của Cường lên báo. Chiếc xe Mercedes Benz của Cường trị giá 100.000 USD được đăng tin là chỉ một trong hai chiếc xe kiểu này có mặt tại Việt Nam. Tất cả sáu tay lái, theo báo chí, đều là con của những gia đình giàu có, và sở hữu những chiếc xe mà ít người Việt Nam dám mơ tới.
Người Việt Nam hình như có một cảm giác thỏa mãn lạ thường khi bàn về những thói hư tật xấu của những con cái xuất phát từ những gia đình giàu có và quyền lực bị rơi vào con đường ma túy, và phá hoại tài sản gia đình. Khi phát hiện được con mình rơi vào tệ tình như thế, các bậc cha mẹ này cũng sắp xếp cho con cái đi cai nhưng rồi đa số khi trở lại cũng tìm về lối cũ. Lý do chính yếu, theo Thiếu tá Bùi Văn Chính, là sự quản lý lõng lẻo và sự nuông chiều quá đáng nơi các bậc phụ huynh. Sẵn sàng cung cấp cho con cái hầu như bất cứ nhu cầu gì nó mong muốn hoặc đòi hỏi.
[xxxii] Nhưng quá nhiều tiền thường dẫn đến những hành vi phá hoại. Và những con cái của các gia đình giàu có không chỉ dùng nhiều để thỏa mãn sự thèm thuồng của mình, mà nhiều khi còn sẵn sàng bao nguyên cả nhóm bè bạn.
Mặc dầu câu chuyện về những gia đình kinh doanh, cán bộ giàu có làm ra tiền qua những phương cách thiếu đạo đức và con cái của họ là những cậu ấm cô chiêu hư hỏng cũng là một đề tài hấp dẫn, nhưng sự thật là phần lớn các người trẻ mắc bẫy heroin nằm trong thành phần “vừa đủ ăn”. Nhiều người trẻ biết đến heroin, thường qua bạn bè, lúc đang học trung học. Thời nay, người trẻ có nhiều lý do để đi ra ngoài. Vì vậy, trong khi cha mẹ nghĩ con em họ đang ở trường học hoặc tham dự tiệc sinh nhật, thì thật sự chúng nó lại đang tụ tập để chích hút trong những góc phố, những phòng karaoke, và những quán café đèn mờ. Những ổ chích thuốc phiện ngày xưa đã được thay thế bằng những nơi như vậy phù hợp với lối sống phóng đãng của một số người trẻ. Hiện tượng karaoke ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho những người nghiện có một nơi tương đối riêng tư và thoải mái để tụ họp và sử dụng. Những nơi đàng hoàng đã phải cẩn thận hơn, có bảng nhắc nhở cấm sử dụng ma túy. Con cái những gia đình “vừa đủ ăn” chơi ít tiền hơn, nhưng đa số thừa nhận là có bao nhiêu tiền chơi bấy nhiêu. Như vậy, có ngày thì 30.000, ngày khác thì mấy trăm ngàn. Tiền cho việc này thường kiếm từ cha mẹ, anh em, bạn bè, bà con, và những người thiếu may mắn trên đường trở thành những nạn nhân của những vụ móc túi cướp giật. Đ.V., một người nghiện 19 tuổi, cho hay, trong những năm vừa qua, anh đã tham gia vào 400 vụ cướp giật trên đường, những nạn nhân luôn là những đàn bà con gái. Không ít gia đình đã bị những con cái nghiện đem xe gắn máy đi cầm khi cơn nghiện heroin trở nên quá sức chịu đựng. Báo Công An đưa tin một người nghiện trẻ tuổi đã đâm chết một người bán thuốc tây vì không chịu bán thuốc ngủ cho anh ta do không có tiền. Một ước tính cho rằng 90% những vụ cướp giật và giết người ở nước ta có liên quan đến ma túy. Những người trẻ khác thay vì cướp giật thì chuyển qua buôn ma túy để vừa có tiền tự xài vừa có hàng để chơi.
Một thành phần người sử dụng khác nữa là những cô gái mại dâm. Theo ông Trần Chí Liêm ở Bộ Y tế, 30-50% những cô gái mại dâm ở Việt Nam sử dụng ma túy.
[xxxiii] Tại TP.HCM, trong tổng số gái mại dâm ở đây, có ước lượng là 40% sử dụng ma túy, và 22.5% trong số đó bị nhiễm HIV.

Ra tay chiến đấu

Quét, hốt, tập trungPhương cách đối phó của chúng ta đối với số người nghiện ngày càng tăng là xây dựng những trung tâm, trường trại để tập trung cai nghiện. Riêng TP.HCM có 17 nơi tập trung nội và ngoại với số học viên trên 30.000 người. Những người nghiện nhẹ thường được công an phường cảnh cáo và khuyên bắt đầu cai tại nhà với sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, nếu tái đi tái lại nhiều lần và không kiểm soát được nghiện ngập, chính quyền thường khuyên gia đình tự nguyện đưa con em vào những trung tâm cai nghiện. Nhưng những người nghiện tham gia vào những sinh hoạt phạm pháp dễ bị bắt và đưa đi cai cưỡng bức. Những chiến dịch bắt và tập trung những người nghiện diễn ra nhiều lần theo sự chỉ định từ một nghị quyết của chính phủ.
Nhà nước cũng đã phổ biến một chương trình cai tổng quát bao gồm năm bước. Đầu tiên, người nghiện được đưa đến và nhận vào trung tâm để xét nhận và phân hạng “nghiện nặng hay nhẹ”, bị dương hay âm tính đối với HIV, thiếu niên hay người lớn, v.v. Những thông tin này giúp những người quản lý sắp xếp nơi thích hợp cho học viên trong trung tâm. Thứ hai, người nghiện được đưa đi cắt cơn với chương trình là 10 ngày. Giai đoạn thứ 3 kéo dài khoảng 3 tháng, người nghiện được hồi phục sức khỏe và hành vi. Học viên tham gia vào chương trình lao động nhẹ để giúp quá trình bình phục sức khỏe. Giai đoạn thứ tư kéo dài 18 tháng, học viên được chuẩn bị để hội nhập cộng đồng bên ngoài. Trong thời gian này, học viên được tham vấn và dạy nghề. Học viên còn có cơ hội về thăm nhà một vài lần để thử thách ý chí từ bỏ heroin. Cuối cùng, lúc hội nhập lại với cộng đồng, học viên tiếp tục được tham vấn, giúp tìm việc làm, và có những cán bộ theo dõi và những tình nguyện viên nâng đỡ tinh thần để duy trì quyết tâm tránh ma túy. Quá trình này kéo dài thêm 12 tháng nữa.
Chương trình tổng quát này nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết về sức khỏe, xã hội, và tâm lý về mặt lý thuyết xem ra có nhiều ưu điểm, nhưng việc thi hành mô hình đã gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ thiếu nhân sự có chuyên môn, thiếu ngân sách, và tham nhũng nghiêm trọng nơi những cán bộ trung tâm. Ở trung tâm Nhị Xuân, TP.HCM, số lượng học viên tập trung là 2.300, gấp đôi so với khả năng của trung tâm. Mùa thu vừa qua, để chuẩn bị cho SEA Games, các phường được chỉ đạo là quét sạch phố phường để tạo ấn tượng tốt cho đại hội thể thao khu vực và sau này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang gặp áp lực từ chính quyền trung ương phải đưa tất cả những người nghiện bị phát hiện vào các trung tâm theo quy định của kế hoạch 2001-2005. Sau những chiến dịch bắt và đưa đi tập trung như vậy thì thành phố có phần an toàn hơn. Tuy nhiên, điều này dẫn đến vấn đề quá tải trong các trung tâm và ảnh hưởng đến việc phân loại mà chương trình đưa ra. Những trung tâm trở nên những “nhà kho” đối với người nghiện chứ không phải là nơi hồi phục. Sự đa tạp của người nghiện dẫn đến nhiều hậu quả không lường như lây lan HIV, vi trùng lao, và những căn bệnh khác. Theo ông Lê Trường Giang ở Sở Y tế TP.HCM, tỷ số học viên bị bệnh lao phổi trong các trung tâm gấp mười lần so với dân số bên ngoài.
[xxxiv] Trong số người nghiện tại trung tâm, có tới 80% bị nhiễm HIV. Ngoài ra, còn có những ảnh hưởng tiêu cực do việc tiếp xúc gần gũi giữa các học viên thuộc thành phần đại bàng đại bác cùng ở với những thiếu niên, học sinh. Không ít học viên khi mới vào trung tâm chỉ mới nghiện nhẹ nhưng khi rời trung tâm đã trở thành chuyên nghiệp, mà không chỉ trong vấn đề ma túy mà còn nhiều chuyện khác nữa. Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn ở Sở Y tế TP.HCM, một trong những ưu tiên của các trung tâm là hồi phục hành vi cá nhân, nhưng quá trình giáo dục này kém và chưa chuẩn bị đầy đủ cho những học viên để hội nhập cộng đồng.
Vấn đề quá tải còn ảnh hưởng đến khả năng của các trung tâm trong giai đoạn giúp cắt cơn khi người nghiện phải trải qua nhiều triệu chứng đau đớn trong thể xác và tâm lý do thiếu heroin và vì thân thể chưa kịp tiết ra chất endorphin giúp cho bệnh nhận bớt đau đớn. Những bệnh nhân thường chỉ được cung cấp vài viên thuốc ngủ và thỉnh thoảng được đấm bóp. Trong các giai đoạn kế tiếp, các trung tâm cũng đối diện với tình trạng không đủ cán sự xã hội, tham vấn tâm lý, dạy nghề, v.v. Những trung tâm trong TP.HCM được cho là chất lượng nhất cũng chỉ có thể “quảng cáo” là có những tham vấn viên với bằng cử nhân. Những nơi khác thì đa số các nhân viên tham vấn không có bằng cấp gì. Những tình nguyện viên có trách nhiệm theo dõi và hướng dẫn học viên sau khi hội nhập cộng đồng cũng rất thiếu. Bên cạnh đó, theo bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn, một kế hoạch rõ ràng với cách thức quản lý người nghiện sau khi rời trung tâm cai cũng chưa được đưa ra, và cũng chưa có tổ chức nào được giao phó trách nhiệm này. Nhiều người nghiện từng trải qua những trường trại cho hay là trên thực tế thì thời gian ở trong các trung tâm họ không được học hỏi gì. Thường là họ phải làm những công việc lao động nặng nề, và không ít học viên bị những nhân viên trong trại đối xử tệ.
Tháng năm 2003, TP.HCM cũng đã gây ra nhiều dư luận trên báo chí vì Ủy ban Nhân dân Thành phố đã yêu cầu Quốc hội cho phép thành phố tập trung các người nghiện tối đa là thêm 3 năm sau 2 năm cai đầu tiên, tổng cộng là 5 năm. Theo giới chức trách thành phố, mục tiêu của yêu cầu này là có thêm thời gian để quản lý, dạy nghề, và giải quyết công việc cho người nghiện để bảo đảm đời sống lành mạnh khi trở lại với cộng đồng. Cách ly người nghiện ra khỏi cộng đồng trong thời điểm này là cần thiết để đảm bảo họ không trở lại môi trường ô nhiễm và sẽ có nguy cơ tái lại. Theo ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, hai năm bắt buộc như trước đây không đủ để đảm bảo sự hồi phục hành vi và đời sống lành mạnh.
[xxxv] Theo ông, tiếp tục ở lại được khuyến khích tình nguyện, tuy nhiên đối với đa số người thì đó là điều bắt buộc. Ở đây các học viên sẽ làm việc trong những dự án sản xuất, xây dựng dưới sự quản lý của Nhà nước. Các học viên còn được khuyến khích lập gia đình tại đây!
Những tranh luận về tính khả thi và hiệu quả của những đề xuất trên phương tiện thông tin đại chúng và sau này trong Quốc hội xem ra chưa đủ. Những cuộc thảo luận xoay quanh việc tách biệt người nghiện khỏi gia đình cộng đồng một thời gian lâu dài có hợp lệ không, đặc biệt nếu người ấy không có tiền án tiền sự. Đa số chất vấn rằng không biết Nhà nước có thể tạo việc làm cho trong môi trường sống có sản xuất cho những học viên. Vài thành viên Quốc hội thắc mắc, liệu Nhà nước có thể làm sạch môi trường trong 5 năm sắp tới để cho phép các học viên trở về. Những bậc phụ huynh mệt mỏi trong việc đối phó với những đứa con hư muốn thấy chúng đi nơi khác làm cái gì đó có giá trị, và họ sẵn sàng hy sinh một vài năm. Nhưng cuối cùng thì những ưu tư đưa ra trong các cuộc thảo luận theo các quan sát viên là “chuyện nhỏ” và không có ảnh hưởng đến quyết định. Với 86,75% đồng ý với kế hoạch 5 năm, TP.HCM đã bắt đầu chương trình trên từ ngày 1, tháng 8, 2003 vừa qua.
Tạm gác qua một bên vấn đề chúng ta có khả năng thi hành những gì đã hứa cho “xã hội thu hẹp” này, những người hy sinh thời giờ và công sức cho những người nghiện đã đón nhận kế hoạch tinh vi của chính phủ với không ít sự ngờ vực. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người nằm trong cuộc, họ e ngại chương trình 5 năm này là kế hoạch của thành phố nhằm loại trừ họ ra khỏi cộng đồng. Những xét nghiệm trên các học viên trong trại cho thấy tỷ số bệnh lao phổi, HIV/AIDS, và những căn bệnh có khả năng lây lan khác cực kỳ cao. Học viên trong các trại phải tham gia vào những công việc nặng mỗi ngày. Ngay cả trong những trung tâm mà gia đình tự nguyện gởi con em tới trả tiền dịch vụ cũng phải lao động và ăn uống không được đầy đủ. Những thuốc ngăn chặn HIV phát triển và điều trị những bệnh khác gia đình phải cung cấp. Và chắc chắn là đa số những người Việt Nam mang bệnh HIV trong trại không có điều kiện để mua những loại thuốc tân tiến như ở phương Tây. Nhìn trung thực vào tình trạng lao động vất vả, thiếu dinh dưỡng, thiếu chăm sóc y tế, khả năng bị lây bệnh cao, sự tự do bị hạn chế, và thiếu sự nâng đỡ của gia đình và bạn bè cho chúng ta thấy khả năng một học viên mang một căn bệnh nghiêm trọng có thể vượt qua thời gian 5 năm trong trại rất khiêm tốn. Ngay cả trong hai năm đầu, nhiều học viên đã chuyển qua giai đoạn AIDS và phải trả về gia đình để chết. Trường hợp của V. là một thí dụ. Trước khi bị mời lên phường và đưa đi tập trung tháng 9 năm 2003, V. đã bị nhiễm HIV và lao phổi nặng. Do đời sống ở trại thiếu thốn nhiều điều, chỉ trong vòng bốn tháng, nhân viên của trại đã phải thông báo cho gia đình là sức khỏe của V. quá yếu và không thể tiếp tục, phải đưa về thành phố điều trị. Và cuối cùng thì V. cũng đã đầu hàng với căn bệnh tháng 3, năm 2004.
Những người nghiện có kinh nghiệm sống trong những trường trại đều lo lắng trước cảnh phải ở lại thêm ba năm nữa. Nhà nước chưa thuyết phục người nghiện được rằng sau 5 năm đầu chấm dứt, Nhà nước sẽ không đưa ra một kế hoạch mới để giữ họ lâu hơn nữa, nếu không phải là vĩnh viễn. Cơ hội để trở về nhà không phải là không có. Một người cho hay anh ta đã tìm cách rời khỏi trung tâm ở Bù Đăng với giấy tờ đầy đủ bởi vì gia đình “lo” với số tiền gần 20 triệu đồng. Những người khác không có khả năng nhưng nếu tìm ra 15 triệu đồng thì một nhân viên trại có thể “dẫn” học viên đi ra trong giờ làm việc bên ngoài. Trong trường hợp này thì người xuất trại sẽ không có giấy tờ và khi trở về thành phố thì phải luôn tìm cách lánh nạn vì có thể bị bắt lại.
[xxxvi] Cách đây 1 năm rưỡi, anh ấy nhập trại trong hoàn cảnh tự nguyện và gia đình có thể rút anh ta khỏi trại nếu họ muốn. Nhưng trong thời gian sau thì Nhà nước lại thay đổi và quyết định cần giữ học viên lại thời gian hai năm. Khi người này đã gần kết thúc hai năm thì thành phố lại yêu cầu cho phép giữ học viên lại 3 năm nữa. Chính vì vậy cho nên gia đình anh ta đã quyết định bỏ ra một số tiền lớn để “mua” con của họ về. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm việc này.

Tuyên truyền 360*
Một phương cách khác trong chiến dịch chống ma túy là tuyên truyền.Trên những kênh truyền hình, khán giả thường xuyên bắt gặp những bản kịch có nội dung xoay quanh những tác hại của ma túy. Tuy nhiên, khán giả Việt Nam lại quan tâm về những phim truyện Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều hơn là những bộ phim tuyên truyền về ma túy trong nước. Khắp các thành phố và thị trấn ở Việt Nam, người ta tìm thấy những biểu ngữ cảnh báo về tác hại của ma túy. Vô số phường và khu phố đều có những tấm bảng dài dòng biểu dương nỗ lực xây dựng khu phố văn hóa và đời sống văn minh đô thị. Mục tiêu 3 giảm của TP.HCM trong những năm qua cũng là nội dung của những tấm bảng lớn bé khắp nơi trong thành phố. Và TP.HCM cũng mở những khóa huấn luyện cán bộ nhà nước có trách nhiệm phòng chống ma túy. Những cuộc triển lãm về tác hại của ma túy cũng được tổ chức thường xuyên và Sở Y tế luôn có những tờ bướm tuyên truyền. Sở Y tế cũng thường xuyên phát hành tạp chí AIDS và Cộng Đồng nhằm mục đích ngăn chặn HIV/AIDS, và ma túy. Tuy nhiên, những nỗ lực tuyên truyền vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo bác sĩ Sơn, công việc giáo dục nằm bề mặt và thiếu chiều sâu. Chính quyền địa phương vẫn chưa có những chương trình thực tế nhắm vào những đối tượng có nguy cơ bị nghiện cũng như những đối tượng đã nghiện và cần sự giúp đỡ.
[xxxvii] Chiến dịch treo những tấm bảng cảnh cáo về ma túy ở hết khu phố này đến khu phố kia xem như là điều mà các phường các quận thi hành đều đặn nhất. Tuy nhiên, những kêu gọi cần có một chương trình giáo dục tổng quát trong trường học đã thúc đẩy Bộ Giáo dục quyết định đến năm 2005, 100% học sinh sẽ được dạy về những vấn đề liên quan đến ma túy.[xxxviii] Và gần đây, những trường học cũng được khuyến khích báo cáo về những học sinh bị phát hiện sử dụng ma túy mà không bị mất điểm thi đua để có thể biết được sự vấp phải và điều trị sớm.

Cái vòng lẩn quẩn

Trước tệ nạn ma túy tại Việt Nam, chúng ta thấy có hàng loạt khó khăn, vì thế mức thành công trong việc điều trị rất khiêm tốn nếu không nói là rất tệ. Một ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rằng tỷ lệ tái bình quân 1999-2000 là 74%. Nhưng đối với những người chuyên môn trong lĩnh vực này, thì tỷ số trên quá lạc quan. Những quan sát khác cho rằng số người tái sử dụng trong các thành phố ít nhất là 90%, và có nơi đến 100%. Ở các thị trấn cũng như các vùng nông thôn, mức tái sử dụng cũng khoảng 90%.
[xxxix] Việc tái sử dụng không phải chỉ xảy ra khi trở về nhà mà thường xảy ra ngay ở nơi đang cai, thậm chí trong các trung tâm nhà nước. Qua nhiều cách, trong đó có sự tiếp tay của cán bộ trung tâm để đưa heroin đến tay các trại viên. Những bậc "anh chị" trong trại khi nhận được hàng sẽ bán lại với giá cắt cổ cho những ai có điều kiện nhờ tiền thăm nuôi của gia đình. Ở trại T40, cách đây vài năm đã phát hiện bốn trường hợp tổ chức sử dụng trong trại, mà một số người liên quan chính là những cán bộ và những nhân viên văn phòng, quản lý và giáo dục![xl] Theo nhiều người nghiện thì thực tế tình trạng cán bộ trại lấy tiền để đưa những đồ cấm vào cho trại viên xảy ra thường xuyên. Vì vậy, ma túy tiếp tục nằm trong tầm với của những người nghiện và vì trong trại thường không có nhiều ống kim cho nên việc sử dụng chung là chuyện đương nhiên, dẫn đến sự lây lan các căn bệnh trong trại. Về mặt tâm lý, chứng kiến việc sử dụng trong các trung tâm làm nản lòng những học viên muốn bỏ hẳn nhưng không thể duy trì ý chí khi chứng kiến những người chung quanh không thể sống trong sạch.
Mặc dầu đến bây giờ chúng ta vẫn đang đối phó với nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ người nghiện hồi phục, nhưng những kêu gọi của Nhà nước đối với những tổ chức cộng đồng tham gia vào chiến dịch chống ma túy vẫn nhiều lần loại trừ thành phần tôn giáo, đặc biệt là cộng đồng Công giáo. Mối quan hệ đối lập giữa Đảng và Giáo hội là một yếu tố căn bản dẫn đến tình trạng thiếu hợp tác trong việc cải tiến những hệ thống xã hội đang cần đến những tổ chức dấn thân vào việc khắc phục vấn đề này cũng như hàng loạt vấn đề khác trong xã hội. Ngay cả Giáo phận TP.HCM cũng chưa có một chương trình chính thức để điều trị người nghiện, mặc dầu nhiều tu sĩ và giáo dân đã và đang tham gia qua những chương trình điều trị chính thức cũng như không chính thức. Chương trình cai nghiện do người Công giáo tổ chức mà không có phép của chính quyền sẽ bị giải tán. Ở Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có một nhóm người trẻ đang bình phục khỏi căn bệnh nghiện và chọn nơi này là môi trường lành mạnh để sống. Nhưng để có mặt tại đây, họ phải đăng ký tạm trú với lý do là giúp chủ nhà làm vườn điều. Địa điểm mà nhóm này đang sinh hoạt là nơi thứ tư, còn ba địa điểm trước đã bị giải tán khi chính quyền địa phương phát giác ra lý lịch của các thành viên trong nhóm.
Nguyện vọng của cộng đồng Công giáo là tham gia và hợp tác với Nhà nước một cách công khai và sáng tạo những chương trình lắp đầy chỗ trống tâm lý, tâm linh và tình cảm của người nghiện. Nhưng lòng mong muốn này chưa được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền là một điều đáng tiếc. Cách đây vài năm, Nhà nước đưa ra nghị định 56 CP nhằm mục đích khuyến khích những chương trình cai nghiện trong cộng đồng. Những người Công giáo nhìn vào nghị định này như một cơ hội để họ tham gia tích cực hơn bằng cách tổ chức những chương trình cai. Tuy nhiên, bất cứ chương trình nào dưới sự lãnh đạo của người Công giáo đều được đón nhận với nhiều ngờ vực. Nhóm hậu cai ở Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có mục đọc kinh cầu nguyện trong chương trình thường nhật của nhóm và có một nhà nguyện nhỏ cho việc này. Nhưng khi công an địa phương đến kiểm tra, họ đã bắt dẹp bàn thờ vì lý do “sinh hoạt tôn giáo trái phép”. Tuy nhiên, ở một bệnh viện nhà nước ở TP.HCM, bác sĩ viện trưởng đã cho phép những người Công giáo tổ chức những khóa cắt cơn và những sinh hoạt tâm linh, ngay cả những thánh lễ trong khoa.
Như các người nghiện ở khắp nơi, những người nghiện ở Việt Nam cũng đương đầu với cái vòng lẩn quẩn—nghiện, bỏ, và tái lại. Người nghiện cố bỏ cả chục lần là hiện tượng bình thường, ngay cả trong thanh thiếu niên. Có người đến những trung tâm cắt cơn. Những người khác tự cắt cơn ở nhà không nhờ đến sự giúp đỡ của những người chuyên môn và tự mình chịu đựng những triệu chứng đau đớn xảy ra trong những ngày đầu. Nhưng dù ở nhà hay ở bệnh viện, thời gian bỏ được thường không kéo dài và không bao lâu thì đâu lại vào đó. Một kinh nghiệm mà đa số những người nghiện có là vượt qua giai đoạn cắt cơn, nhưng sau đó vì thiếu tham vấn tâm lý, giáo dục, và cơ hội làm việc nên người nghiện dễ chán nản và việc tái lại xem như không tránh được. Vì thế, giai đoạn hồi phục thường rất khiêm tốn. Những người khác đầu tư một thời gian dài hơn để cai trong các trung tâm. Nhưng ngay cả những người đó cũng không có sự tham vấn thích đáng và được dạy nghề để tạo điều kiện làm việc sau này.
[xli] Vì thế, thời gian trong các trung tâm trở nên một “kỳ nghỉ” nhưng không giúp cho người nghiện bình phục. Nhiều người nghiện cho hay là vừa khi rời khỏi trung tâm họ đã tìm nơi mua ma túy và chơi trước khi về nhà. Thực tế thì nhiều người ngay khi đang cai đã vạch ra những kế hoạch sẽ tái sử dụng như thế nào khi rời khỏi trung tâm. Những người khác, sau khi trở về từ trường trại, thì duy trì thêm một vài tháng, nhưng trong thời gian này, họ phải nhốt mình trong nhà dưới sự quan sát của gia đình hoặc tìm cách làm việc liên tục để đầu óc không suy nghĩ về ma túy. Nhưng khi sự quản lý hoặc công việc giảm bớt, khả năng duy trì xa sút rất nhiều. Còn những người khác không đi vào trung tâm thì rời nhà đi ra quê hoặc đến những thành phố khác để thay đổi môi trường và tránh đối diện với heroin. Có người ở như vậy một vài năm và trong thời gian đó không đụng đến ma túy. Nhưng khi trở lại thành phố, việc tái nghiện trở lại, và nhiều khi còn chơi nặng hơn trước khi đi cai. Một số người khác rơi vào tình trạng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa và mặc dầu tránh xa thành phố bao nhiêu thì vẫn không trốn tránh được ma túy.
Những nhà chuyên môn, những người trong ngành pháp luật, những người làm công tác xã hội, gia đình, bạn bè, và ngay cả những người nghiện nhiều khi cảm thấy bất lực trước mức tái nghiện quá cao ở Việt Nam. Một tình nguyện viên chuyên giúp đỡ những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối cho hay trước kia, chị cũng đã giúp một số người nghiện cai, nhưng sau này chuyển qua lĩnh vực AIDS bởi vì chị không thấy công việc của chị mang lại hiệu quả. Chị cảm thấy thỏa mãn khi nhìn thấy những bệnh nhân AIDS chết trong bình an qua sự giúp đỡ của mình hơn là đấu tranh với công việc giúp người nghiện hồi phục mà không bao giờ thấy gì thay đổi. Sự bất mãn của nhiều tình nguyện viên có phần phản ảnh phương cách làm việc ở nước ta. Khi có một giải pháp đưa ra để khắc phục vấn đề, giải pháp đó thường được thi hành nửa vời hoặc bề bộn đưa đến phản tác dụng. Những trung tâm hồi phục của chúng ta, thay vì là nơi hy vọng, trở nên những mối lo toan cho người nghiện và gia đình. Thay vì là môi trường lành mạnh để người nghiện cách ly ma túy và có cơ hội được tham vấn tâm lý và học nghề để trở nên những thành viên giúp ích cho xã hội, thì nhiều học viên trong các trung tâm đã không được giúp đỡ trong bất cứ lĩnh vực nào. Những người đã từng ở trong các trung tâm đều cho biết việc sử dụng ở những nơi này diễn ra thường xuyên và nguồn cung cấp lớn là các cán bộ trung tâm. Mặc dầu số lượng không nhiều như bên ngoài, nhưng những ai có điều kiện thì vẫn có thể tìm ra “hàng” đều đều. Và vì các trung tâm không có nhiều kim cho nên sử dụng chung trở nên một nguyên nhân gây ra lây lan những căn bệnh qua đường máu. Những cán bộ trung tâm không chỉ bán heroin, nhưng còn bán những thứ cấm khác như thuốc tây, thuốc lá, và rượu. Tháng 2, 2003, Nguyễn Quốc Hưởng học viên trong trung tâm Bố Lá thừa nhận là những thành viên trong văn phòng giáo dục và y tế cung cấp cho mình thuốc Hero với giá 50.000 đồng/gói. Hưởng đem thuốc bán lẻ lại cho các học viên với giá đến 50.000 đồng/điếu. Đây là một điều sửng sốt vì trên thị trường, một gói Hero chỉ có giá 6.000-7.000 đồng.
[xlii] Nếu các học viên sẵn sàng bỏ ra số tiền này để mua thuốc lá, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng số tiền phải bỏ ra để có heroin là bao nhiêu. Việc heroin được đưa vào các trung tâm cho chúng ta thấy Nhà nước phải tăng cường việc quản lý các cán bộ trung tâm mới có thể điều khiển được quá trình hồi phục những học viên một cách có hiệu quả.
Các học viên trong thời gian ở trường trại bỏ được ma túy cũng khó duy trì khi rời cổng trung tâm. Quá trình tham vấn tâm lý cho các học viên thời gian ở trung tâm thường ít và qua loa. Ngành tâm lý học ở Việt Nam đang trong giai đoạn nẩy sinh và đa số những người có trách nhiệm giúp đỡ người nghiện hồi phục tâm lý có ít kinh nghiệm và huấn luyện. Những người nghiện khác cai tại nhà thường không được gì ngoài những lời khuyến khích “cố lên” từ gia đình và bạn bè. Ngay cả những người nghiện cũng nghĩ rằng, nếu họ quyết chí hơn nữa, cố gắng hơn nữa, họ có thể bỏ hẳn được. Những người nhận được lời khuyến khích còn may mắn. Những người khác không chỉ không có sự nâng đỡ mà còn hay bị nghi ngờ là đang chơi lén chứ không phải cai thật.

Quan điểm tiêu cực

Ở phương Tây, những người làm việc trong lĩnh vực nghiện ngập thường nhắc đến vấn đề này là một căn bệnh có bề mặt thể lý, tâm lý, và tâm linh. Nhưng trong xã hội Việt Nam, bệnh nghiện thường được xem như là một cái thói hoặc cái tật xấu xa mà người này truyền lại cho người kia. Đa số các người nghiện khi hỏi đến đều nêu lên bạn bè là nguyên nhân chính đưa họ vào con đường ma túy. Những bậc phụ huynh cũng đổ lỗi cho các bạn bè, xóm làng, và toàn xã hội. Các bậc cha mẹ khi đề cập đến vấn đề ma túy nơi con em mình luôn nêu lên một sức mạnh vô thường, thậm chí huyền bí của ma túy. Tác giả Nguyễn X.Y. và Trần V.L. trình bày, trong tiềm thức của người Việt Nam, ma túy là đồng nghĩa với những gì xấu xa và tội lỗi.
[xliii] Từ “ma túy” được đưa vào sử dụng chính thức lần đầu tiên năm 1985 trong Bộ luật Hình sự. Vì một sự trùng hợp trong từ ngữ, từ “ma” thường hay bị những người nghiện cũng như không nghiện gán cho nghĩa “ma quái” hoặc “ma quỷ” mặc dầu đây không hề là ý nghĩa của nó trong trường hợp này.[xliv] Tuy nhiên lối suy nghĩ này tạo ra một quan điểm về ma túy như một sức mạnh vô cùng huyền bí, thậm chí mang tính chất thần thoại. Đây là lối suy nghĩ có thể gieo vào tâm lý của người nghiện sự bất lực quá đáng. Khi ma túy và căn bệnh nghiện được “nâng lên” tới vị trí lạ thường như vậy có thể che khuất hiểu biết chính xác về căn bệnh nghiện ma túy với những khía cạnh thể lý, tâm lý, tâm linh, và làm cho việc điều trị người nghiện khó tiến triển.
Nhấn mạnh những điều tội lỗi xấu xa từ ma túy cũng có thể tạo nên sự xấu hổ và cảm giác thiếu tự lực. Trên thực tế, khi không nhìn vào nghiện ma túy như một căn bệnh, những người nghiện và gia đình hay đối phó bằng cách trốn tránh môi trường cung cấp với hy vọng là sau một thời gian người nghiện sẽ “quên” đi. Nhưng những người nghiện đã xác định nhiều lần, bất kể họ đi bao xa và ở đó bao lâu, họ không bao giờ quên hẳn cái cảm giác khó tả mà heroin tạo ra cho họ và cảm giác đó đã in xâu vào tiềm thức của họ. Sự đam mê tâm lý vẫn tiếp diễn. Họ có thể quên đi một thời gian khi họ trốn tới một vùng quê hẻo lánh nào đó, nhưng khi trở lại môi trường có ma túy, niềm đam mê lại nổi lên với sức mạnh như cũ. N.T.N. cho hay không có một nơi nào ở Việt Nam mà anh chưa đi để tránh heroin nhưng phương pháp chạy trốn đã hoàn toàn thất bại. Ngoài việc không giải quyết được vấn đề, bị gởi đi nơi khác một cách bí mật cũng củng cố cảm giác xấu hổ trong người nghiện và gia đình. Nhiều gia đình dùng mọi cách để che dấu sự thật về con em đối với bạn bè, xóm giềng, ngay cả bà con gần. Những gia đình có con em khi đi xa để cách ly môi trường hoặc đăng ký vào trung tâm thường bảo với những người khác là đi làm hoặc đi học xa. Những gia đình khác có điều kiện hoặc hết phương pháp tìm cách cho con cái đi du học nước ngoài. Sự giấu kín nơi một số gia đình có hiệu quả đến mức trong khi có thành viên trong gia đình đi cai thì gia đình lại nhận được giấy khen của phường là gia đình văn hóa. Nhưng một điều nhiều người không nhận ra là những mặc cảm xấu hổ có khả năng trở nên một sức mạnh áp bức trên gia đình và người nghiện làm ngăn cản quá trình hồi phục tâm lý.
Những người nghiện ma túy mang trên mình nhiều vấn đề tâm lý dẫn họ đến tình trạng bức xúc, cảm thấy bị hiểu lầm, xấu hổ, và thiếu tự tin. Họ rất nhạy cảm trước những lời nói và hành động của người khác. Nhiều người nghiện đã bỏ được một thời gian trong môi trường không có ma túy bắt đầu có những cảm giác hy vọng khi quay về nhà. Nhưng khi đối diện với đời sống hằng ngày, ngay cả một cái nhìn thiếu thông cảm từ một người xóm giềng cũng có thể đưa người nghiện trở lại một vòng nghiện ngập mới. Mặc dầu thật hoặc tưởng tượng, những người nghiện dễ cảm thấy chán nản khi có cảm giác không được gia đình và cộng đồng tin tưởng vì quá khứ của mình. Người nghiện có nhiều lý do khiến người khác e ngại bởi vì đa số những hành vi phạm pháp có liên quan đến họ cách này hoặc cách khác. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam nói chung đã được gợi ý nên ghê tởm và phỉ báng người nghiện. Bất kể người nghiện đã trải qua thời gian hồi phục bao lâu, cộng đồng luôn đón nhận họ với thái độ rất dè dặt. Ngay cả những báo chí, khi đăng tin về đề tài ma túy, thường sử dụng từ có tính cách làm nhục là “con nghiện”. Những chiến dịch chống ma túy, tập trung các người nghiện vào các trung tâm thường được gọi là những chiến dịch “quét sạch” thành phố. Thái độ khiển trách, hạ thấp danh dự người nghiện có phần không nhỏ trong việc họ tái đi tái lại. Yếu tố quan trọng ở đây như chúng ta thấy là mặc dầu người nghiện đã khắc phục được vấn đề về thể lý, nhưng những vấn đề tâm lý chưa được quan tâm và nó trở nên những điểm nguy hại cá nhân bất cứ lúc nào họ gặp phải những trắc trở cảm xúc trong cuộc sống. Điều này có thể là một cuộc cãi cọ giữa các thành viên trong gia đình, bị người yêu bỏ, mất việc làm, hoặc thậm chí một cái nhìn thiếu cảm thông từ người nào đó.

Kết luận

Chính quyền Việt Nam thừa nhận nhiều rắc rối trong chiến tranh chống ma túy. Những lực lượng chuyên môn để phòng chống chỉ mới được thành lập gần đây và kiến thức chưa cao. Hiện nay, Việt Nam chưa có một cơ quan trung ương nhưng chỉ có hai cơ quan phòng chống ma túy khác biệt. Một nơi có trách nhiệm thăm dò những đường dây rồi sau đó chuyển qua cơ quan công an để điều tra và thi hành những việc phá án. Sự phân chia trách nhiệm gây nên chậm trể và thiếu hiệu quả, cũng như làm gián đoạn quá trình và hạn chế số người bị bắt. Bên cạnh phải đối phó với những người buôn ma túy, chính quyền còn phải đối phó với những người trong hàng ngũ của mình. Những cán bộ có trách nhiệm đấu tranh chống lại ma túy thiếu đạo đức thường nhận hối lộ từ những người buôn ma túy, và thậm chí còn tổ chức hay tham gia vào những đường dây buôn ma túy. Những cán bộ nhà nước khác lại bị bắt quả tang làm lời từ các chất như morphine, dolargan được dùng để chế biến ma túy. Trong lĩnh vực pháp luật, bộ luật của Việt Nam về phòng chống ma túy vẫn thiếu rõ ràng và hiệu nghiệm. Ví dụ, không có sự phân biệt rõ ràng giữa người buôn ma túy và người vận chuyển. Những tay sai làm thuê cho những người cầm đầu vận chuyển một số lượng heroin nhỏ được trả 100.000 đồng cũng có thể bị phạt 20 năm tù. Bộ luật hình sự về ma túy hiện nay chỉ được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2000, mặc dầu những sửa chữa đã được thi hành nhiều năm trước. Ba hiệp ước Liên Hiệp Quốc đã có chữ ký của trên 100 quốc gia trên thế giới trước khi nước ta đồng ý tham gia cách đây vài năm. Chính quyền cũng thừa nhận là ngân sách cho cuộc chiến này chưa đủ và cũng chưa cố gắng học hỏi nơi những kinh nghiệm của những quốc gia khác đối với việc chống ma túy. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các cơ quan công an, cảnh sát biên phòng, hải quân, v.v. quá lỏng lẻo trong khi khả năng của người buôn ma túy có tổ chức và trốn tránh chính quyền ngày càng tinh vi.
Trong nỗ lực hồi phục người nghiện, những trung tâm nhà nước thất bại nhiều bởi vì những yếu tố quan trọng của chương trình không được thi hành do thiếu nhân viên có chuyên môn, và một hệ thống tham nhũng nhiều quá mức độ. Sự thất bại còn diễn ra trong việc giúp đỡ người nghiện xây dựng lại đời sống sau khi hội nhập cộng đồng. Lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục cộng đồng vẫn chưa được tổ chức đúng mức. Vì những lý do trên và còn rất nhiều vấn đề khác chưa được đề cập tới ở đây, khối lượng ma túy vào Việt Nam vẫn tăng cao và số người nghiện trong nước tiếp tục leo thang. Tuổi của người nghiện ngược lại thì ngày càng thấp, và ngày càng có nhiều người nghiện đi xét nghiệm HIV có kết quả dương tính.
Việt Nam đang đối phó với một cuốc chiến khó khăn hơn những cuộc chiến khác trong quá khứ và có thể nói đây sẽ là một thử thách dài hạn. Thừa nhận những vấn đề mà không kèm theo những thay đổi tổ chức và hệ thống cần thiết thì không thể làm cho cung và cầu giảm bớt. Việt Nam nhìn qua những nước lân cận như Thái Lan thì hoang mang rằng nước ta cũng sẽ cùng con đường. Thế giới sẽ nhìn vào chúng ta là đất nước ma túy, HIV, và sex tràn lan. Khả năng hoàn cảnh này trở thành sự thật không phải ít. Vấn đề là Đảng và Nhà nước có sẵn sàng “quét sạch” hàng ngũ mình cũng theo kiểu làm sạch thành phố và những người nghiện. Cùng một lúc khắc phục các khuyết điểm bàn tới trong bài này, vì thực trạng cho thấy, cuộc chiến chống ma túy rất đa dạng và phức tạp. Chúng ta không thể coi thường bất cứ một yếu tố nào mà không gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người Việt Nam, đặc biệt những người có trách nhiệm trực tiếp trong tệ nạn này, phải chuẩn bị tinh thần, vì chắc chắn cuộc chiến sẽ còn kéo dài rất lâu.

____________________________

[i] Ở Việt Nam thường gọi là con rồng Châu Á.[ii] Công An Thành Phố, 6.5.2003, tr.3.[iii] Nguyễn Xuân Yếm và Trần Văn Luyện, Hiểm Họa Ma Túy và Cuộc Chiến Mới, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội: 2002, tr.156.[iv] Ibid., tr.7[v] Tuổi Trẻ, 1.2.2002, tr.4.[vi] Ibid, 9.3.2002, tr.8.[vii] Công An Thành Phố, 6.5.2003, tr.3.[viii] Tuổi Trẻ, 25.6.2003, tr.4.[ix] Điều cần phải nhắc đến là vì nhiều lý do, hầu như không có ai trong những vùng cao nguyên trở nên giàu có qua việc sản xuất thuốc phiện.[x] N.X. Yếm và T.V. Luyện, tr.715.[xi] Viết Thực, Giã Từ Ma Túy, Mại Dâm, Nhà Xuất Bản Lạo Động, Hà Nội: 2002, tr.168.[xii] Tuổi Trẻ, 1.2.2002, tr.4.[xiii] N.X. Yếm và T.V. Luyện, tr.121.[xiv] AFP, 28.8.2002.[xv] Tuổi Trẻ, 23.2.2004, tr.4.[xvi] Ibid.[xvii] Tuổi Trẻ, 31.1.2002, tr.1,14.[xviii] N.X. Yếm và T.V. Luyện, tr.527.[xix] Những con số này là giá ma túy vài năm trước đây, bây giờ có lẽ còn cao hơn nữa.[xx] Viết Thực, tr.181.[xxi] Ibid., tr. 187.[xxii] Tuổi Trẻ, 23.2.2004, tr.4.[xxiii] Ibid.[xxiv] Tuổi Trẻ, 13.2.2002, tr.1,14.[xxv] Tuổi Trẻ, 2.04.2004, tr.1, 14.[xxvi] Tuổi Trẻ, 26.3.2002, tr.1,14.[xxvii] Tuổi Trẻ, 5.1.2001, tr.8.[xxviii] Huỳnh Tấn Sơn, “Các Chất Ma TúySử Dụng Hiện Nay và Tác Hại Của Chúng”, bài chưa xuất bản.[xxix] “Kế Hoạch Tổng Thể Cai Nghiện – Phục Hồi Giai Đoạn 2001-2010”, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống Tệ nạn Ma túy, Mại dâm, Hà Nội, tháng 10, 2002.[xxx] Phạm Văn Bình, phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống Ma túy TP.HCM báo cáo những số liệu này ở một khóa huấn luyện kỹ năng cai nghiện tại Viện Y dược học Dân tộc, Phú Nhuận, TP.HCM, năm 2003.[xxxi] Tuổi Trẻ, 2.11.2002, tr.4.[xxxii] Ibid., 14.11.2002, tr.8.[xxxiii] Ibid, 8-10-2002, tr.3.[xxxiv] Ibid., 12.7.2002, tr.8.[xxxv] Ibid., 7.5.2002, tr.7.[xxxvi] Tình huống trên là tiêu biểu cho một số câu chuyện mà các người nghiện trao đổi với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi không dám khẳng định mức phổ biến đối với những trường hợp trên.[xxxvii] Nguyễn Tấn Sơn, bài chưa xuất bản.[xxxviii] Tuổi Trẻ, 24.2.2001.[xxxix] Viết Thực, tr. 144.[xl] N.X.Yếm và T.V. Luyện, tr. 533.[xli] Theo báo Tuổi Trẻ (29.3.2004, tr. 9, 14), một nỗ lực của Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) chúng ta phải nhắc đến là công trình tổ chức sản xuất và giải quyết việc làm cho học viên sau cai nghiện ở trung tâm Nhị Xuân. Họ được tuyển vào công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân, xưởng may và xí nghiệp sản xuất gạch. Tổng cộng có khoảng 600 công nhân. "Theo ông Danh Quý, giám đốc Trung Tâm Nhị Xuân, các công nhân 'hậu cai' được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt, như được bố trí ăn ở theo đội hình riêng, ăn mặc thoải mái hơn…, được trả lương theo công sức lao động, sắp tới sẽ được mua bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ về phép và thưởng nghỉ phép". Nguyễn Hồ Trường, một công nhân trong công trình xây dựng tuyến đường Rừng Sắc (Cần Giờ, TP.HCM) trong hai tháng lao động đầu tiên lãnh được số tiền lương 500.000 đồng. Nỗ lực của lực lượng TNXP rất thiết thực và cần thiết để đáp ứng nhu cầu có việc làm của các học viên. Tuy nhiên, Nhị Xuân chỉ là một trung tâm đang thi hành mục tiêu cách tích cực. Đa số các trung tâm trong nước đều không có những chương trình với tầm mức này. Và còn nhiều câu hỏi khác phải đưa ra đối với nỗ lực này, nhưng phạm vi của bài viết không cho phép.[xlii] Tuổi Trẻ, 1.4.2003, tr.7.[xliii] N.X. Yếm và T.V. Luyện, tr.11.[xliv] “Ma túy” là danh từ Hán Việt. “Ma” có nghĩa là làm cho tê liệt. “Túy” có nghĩa làm cho say sưa, đê mê.

1 comment:

rgfr said...

ý nghĩa lắm cha ạ, con cảm ơn cha về bài viết