Saturday, April 21, 2007

ĐI TÌM MỘT THẾ HỆ '@'


Đi tìm một Thế hệ @
Thế hệ @” là cụm từ mới xuất hiện và gây được sự chú ý tại Việt Nam trong những năm gần đây khi báo Sinh Viên bắt đầu giới thiệu danh từ này để nói về một bộ phận giới trẻ Việt Nam sinh ra từ năm 1980 về sau, lớn lên và được hấp thụ môi trường kỹ thuật tân tiến, đặc biệt là internet. Cụm từ này đã có những biến dạng về cách giải nghĩa lẫn nhận thức.
Một cách khách quan, cụ từ này thường ám chỉ đến quan điểm tiêu cực về giới trẻ Việt Nam trong thời mở cửa, những người ngày đêm quanh quẩn ở các quán cà phê internet với những sinh hoạt như chat, voice chat, và truy cập những trang web vô bổ, cũng như bộ phận giới trẻ thích chạy theo lối sống đua đòi xe cộ, áo quần, và những hình thức giải trí xa xỉ thiếu lành mạnh. Người ta thường nói những người ấy là thực dụng, ích kỷ, thờ ơ và hưởng thụ… Tuy nhiên, thành phần này cũng được xem là năng động và cầu tiến. Họ có rất nhiều tiềm năng và khả năng để đạt được những gì mà các thế hệ đi trước không có cơ hội để thực hiện.

Trong bài này, người viết mạo mụi được trình bày về việc xuất hiện khái niệm “Thế hệ @” và những quan điểm xung quanh các đối tượng được liệt kê vào thế hệ này. Từ đó người viết cũng muốn phân tích tính hợp lý của cụm từ này trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

Các thế hệ được “đặt tên” ở Bắc Mỹ
Cụm từ “Thế hệ @” thoáng nghe có vẻ lạ tai, hiện đại, dễ gây sự chú ý. Sự xuất hiện khái niệm “Thế hệ @” xem ra có tác động rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hoá mà xã hội Việt Nam hiện nay đang cố gắng hội nhập. Ở phương Tây, việc đặt một cái tên thú vị cho các thế hệ đã có từ lâu. Ở Hoa Kỳ, những công dân sinh ra trong thời kỳ hậu Đệ Nhị Thế Chiến được gọi là “babyboomers” (tạm dịch “bùng nổ trẻ em”). Từ này ám chỉ đến một thế hệ được sinh trưởng trong xã hội Mỹ sau thành công của nước này thời hậu chiến và đã trải qua nhiều năm sống trong sự hoà bình và thịnh vượng. Những năm trong thập niên 50 và đầu thập niên 60, thế hệ này đã lớn lên trong môi trường phát triển có an ninh. Thời kỳ này dân số Hoa Kỳ tăng mạnh. Tuy nhiên, hành lang an ninh ấy cũng chỉ nhất thời vì trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 xã hội Mỹ đã bị rối ren do cuộc chiến dai dẳng của họ tại Việt Nam bên kia đại dương, đồng thời phải đối phó với phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự của người Mỹ da đen ngay trên sân nhà.

Trong bối cảnh hỗn độn và phức tạp đó, một thế hệ mới đã được sinh ra. Năm 1991, nhà văn Douglas Coupland, người Canada đã xuất bản cuốn sách với tựa đề Generation X nói về thế hệ đã sinh ra trong thập niên 70 và trưởng thành trong thập niên 90. Danh từ này đã trở nên phổ biến ở Bắc Mỹ. Chử “X” được tác giả sử dụng như một biểu tượng cho sự vô danh của thế hệ này. Khác với thế hệ đi trước, Thế hệ X ít có hoài bão trở nên thành đạt, mặc dầu họ có trình độ học vấn cao và rất am hiểu những vấn đề xã hội. Thế hệ này cảm thấy bất mãn và vỡ mộng trước hành động của thế hệ cha anh, đã tạo ra một thế giới không được tốt về nhiều mặt: xã hội, kinh tế, môi trường. Họ cho rằng thế hệ đi trước đã vô trách nhiệm trong sự lãnh đạo và đã để lại cho họ nhiều hậu quả mà họ phải gánh chịu. Thái độ bi quan của Thế hệ X cũng đã làm cho nhiều nhà xã hội học bày tỏ nhiều quan ngại về tương lai của họ. Dư luận xã hội cho rằng thế hệ này ích kỷ, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, và thờ ơ trong các lĩnh vực chính trị và công tác xã hội, trong khi bản thân những người trẻ X thì chỉ biết rằng: họ phải phấn đấu với việc mưu sinh. Sau khi đã phải gánh lấy nhiều thiệt thòi từ thế hệ đi trước gây ra, họ bất mãn và trở nên thu hẹp.

Đàn em của Thế hệ X được gọi là Thế hệ Y, bao gồm những người được sinh ra trong thập niên 1980 về sau. Thế hệ này sinh ra và lớn lên trong một xã hội hoàn toàn kỹ thuật hoá. Trong khi Thế hệ X, nhiều người có làm quen với máy đánh chữ thì các thành viên trong Thế hệ Y xem một dụng cụ như thế chỉ là thứ dành cho bảo tàng viện. Thế hệ này chơi nintendo thay vì “bịt mắt bắt dê” hay “trốn tìm”. Chúng lớn lên trong môi trường tân tiến, đầy cạnh tranh, và đòi hỏi họ phải nhanh nhẹn và đa năng. Ngày nay một số người trong Thế hệ Y đã bước vào môi trường làm việc, một số còn là “sếp” của những thành viên của các thế hệ cha anh.

Thế hệ Y ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới là một lực lượng tiêu thụ khổng lồ. Ở Hoa Kỳ, một bộ phim mới phát hành nếu tranh thủ được cảm tình của thế hệ này, mặc dầu chỉ trong thời gian ngắn, thì hãng phim cũng có thể an tâm về mặt thu nhập. Hàng tiêu dùng nhắm vào thị hiếu của Thế hệ Y thì vô vạn, và các nhà sản xuất đồ tiêu dùng luôn phải nặn óc nghĩ ra những cái mới nhằm thu hút những khách hàng khó tính và ít trung thành với bất cứ mặt hàng nào, từ giầy dép, tới áo quần, đến ca sĩ hoặc diễn viên điện ảnh.

Sự nảy sinh của “Thế hệ @”

Còn có thể viết rất nhiều điều về các thế hệ trên, nhưng nguời viết chỉ muốn đề cập đến bối cảnh xã hội ở nước ngoài như một lối đi vào chuyện “Thế hệ @” đang được chú ý tại Việt Nam. Thiết tưởng phải thừa nhận rằng khi nói về các thế hệ, chúng ta khó có thể tìm thấy một quan điểm đồng thuận. Những miêu tả về các thế hệ Babyboomers, X, và Y vừa đề cập trên chỉ là quan điểm phổ biến, đôi khi được gọi là “stereotypes”. Người Mỹ dùng từ này để nói về các tính cách đại loại được gán cho tất cả mọi người trong một tập thể, bất kể hoàn cảnh cá nhân thế nào. Ví dụ, ở Việt Nam, người Bắc thì thường được coi là lễ độ trong khi người Nam thì được đánh giá là phóng thoáng. Tuy nhiên, trên thực tế có khi trái ngược hoàn toàn. Vì thế, nhiều người bị liệt kê vào Thế hệ X đã tốn nhiều thời gian bút chiến để bác bỏ quan điểm trên về họ vì cho rằng đây là những quy kết thiếu cơ sở.

Trong khi những quan điểm về các thế hệ này đã có nhiều mâu thuẫn và thiếu sự đồng nhất thì trường hợp “Thế hệ @” tại Việt Nam xem ra nghiêm trọng hơn. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này sau. Trước tiên, xin được nói đến hiện tượng “Thế hệ @” trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ đang nhanh chóng hội nhập cộng đồng quốc tế chính là cơ hội cho sự xuất hiện việc đặt tên một thế hệ bằng một biểu tượng được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Ở đây, có một mối liên hệ rõ rệt giữa toàn cầu hóa và bối cảnh tại Việt Nam. Thoáng nhìn, ta sẽ thấy rằng có một số điểm tương đồng giữa “Thế hệ @” và Thế hệ Y ở Bắc Mỹ. “Thế hệ @” tại Việt Nam được coi là bắt đầu từ năm 1980 và các bạn trẻ được sinh ra trong môi trường kỹ thuật tân tiến. Điểm giống nhau rõ nhất là “@” ám chỉ một thế hệ giao lưu dựa vào địa chỉ email hơn là địa chỉ nhà. Cũng nên biết rằng, tại Hàn Quốc thế hệ mà chúng ta gọi là “Y” ở Bắc Mỹ hay “@” ở Việt Nam thì được người Hàn gọi là “Thế hệ vi tính” vì những lý do nêu trên. Nói chung, các thành viên trong “Thế hệ @” được đánh giá là nhanh nhẹn, đa dạng, và có nhiều hoài bão thành đạt.

Mặt trái của vấn đề, “Thế hệ @” lại bị xã hội đánh giá là thực dụng, thờ ơ và hưởng thụ. Các bậc thang giá trị của họ chưa được xã hội chấp nhận vì họ sống vội vã, sống tốc độ và khẳng định bản thân bằng cách chạy theo xe cộ, áo quần hiệu, kiểu tóc mới, và có đời sống tình dục tự do. Họ giải trí ở các quán cà phê, quán bar, quán karaoke, hậu quả là nhiều người lâm vào xì-ke ma tuý. Họ sử dụng internet chỉ để giải trí, kiếm bạn, đặc biệt là kiếm bồ bịch, chứ không màng gì đến việc khai thác những chức năng quý giá của mạng lưới internet. Những ai có khả năng và quyết chí đi học đại học thì với mục đích kiếm được tấm bằng để có việc làm cho một công ty nước ngoài, lãnh được lương cao để có thể tận hưởng những gì mà cuộc sống cho phép. Còn việc chính trị, xây dựng xã hội thì họ ít quan tâm tới.

Dư luận trong xã hội về thế hệ được gọi là “@” có nhiều điểm không mấy tích cực. Khi nói đến “Thế hệ @”, người ta lập tức liên tưởng đến những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu có nhưng lại hư hỏng. Thành phần này đã trở nên một biểu tượng tiêu cực đại diện cho “Thế hệ @” và là tâm điểm cho những than phiền và chỉ trích mà xã hội dành cho thế hệ trẻ. Việc nhiều người trong họ lại phóng trên đường phố một cách kiêu hãnh trên những chiếc xe máy với cái tên…@ lại càng củng cố cho quan điểm trên. Ngày nay khi nói về những cậu ấm cô chiêu, người ta quên hẳn về tính cách quý phái của con nhà sang trọng có địa vị trong xã hội, nhưng tập trung vào những thói hư tật xấu và những tai hại mà họ gây ra cho xã hội. Các tờ báo không ngừng đưa tin, làm phóng sự, hay bình luận về sự thiếu đạo đức của giới trẻ @ giàu có. Những tờ báo tầm cỡ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ…thường xuyên đăng tải về “dân chơi @” với những đề tài như: họ đi uống cà phê như thế nào; họ đổi đời xe hơi (Mercedes, Lexus, BMW…) như thế nào; họ chơi bar, chơi ma tuý, chơi áo quần như thế nào; họ đi du lịch như thề nào, và thậm chí họ quan hệ tình dục như thề nào …

Những bài báo bất kể thể loại tin tức, phóng sự, ký sự, hay bình luận luôn hàm chứa sự hiếu kỳ, tò mò, và nỗi sốc trước những hành động của họ, kèm theo những lời phê phán, răn bảo, và cảnh giác. Tờ báo Công An Thành Phố HCM ngày 25.11.04 mở đầu một bài về các quý tử như sau:

Trong thế giới của các quý tử, con những đại gia lắm tiền nhiều của thì vũ trường, thuốc lắc, rượu Tây, đua xe và... gái được xem là không thể thiếu; nhưng cuộc chơi quanh đi quẩn lại như thế mãi cũng nhàm, những cậu ấm cô chiêu đã nghĩ ra trò tiêu khiển có một không hai: đổi... “bồ”, chính xác là đổi người tình để vui qua đêm! Trò chơi thác loạn, bệnh hoạn này đang lan nhanh trong một bộ phận thanh thiếu niên như một thứ dịch đáng sợ.

Phóng viên Văn Cương và Hồng Lĩnh kết bài với một câu cảnh báo:

Do thiếu sự quan tâm giáo dục từ phía gia đình, tiêm nhiễm lối sống hưởng thụ, chạy theo những dục vọng điên cuồng, lại thêm tác động từ các loại hình văn hoá phẩm đồi truỵ khác nên mới xảy ra tình trạng này. Nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ kéo theo những hậu quả không lường trước được.

Một bài báo khác đăng trên Người Lao Động (28.6.2004) kể về một quý tử đã hào phóng bao trọn gói cho cùng lúc 20 người bạn đi dự sinh nhật mình ở Thái Lan. Cũng như trong tất cả các bài với chủ đề tương tự, phóng viến Nhất Tâm kết thúc với lời bình luận mang tính chất đạo lý:

Cả nước đang vào mùa hè và mùa thi. Các chàng trai, cô gái từ khắp mọi miền đất nước đang bằng mồ hôi và trí tuệ nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học. Nhiều người may mắn được đến giảng đường suôn sẻ, nhưng không ít số phận khó khăn phải đổ ra đường làm thêm ngoài giờ. Trong những quán bar, vũ trường, đêm cà phê, nhà hàng... có không ít bóng dáng sinh viên đang làm người phục vụ, bưng bê để kiếm tiền chuẩn bị năm học mới... Ngay bên cạnh họ là những cô cậu “công tử” ngồi vắt chân, đốt tiền vào những gói thuốc lá ngoại, chai rượu tây và các “cơn điên” ngẫu hứng...
Vẫn biết người ta có quyền tiêu đồng tiền của mình vào những việc họ thích, miễn sao đừng bất hợp pháp, nhưng sao vẫn thấy thật buồn! Cùng một thế hệ tuổi trẻ nhưng đang có hai hình ảnh, hai lối sống...

Có thể nói các cậu ấm cô chiêu trong tâm trí của người Việt đã trở nên biểu tượng cho “Thế hệ @” - một biểu tượng chứa đầy những tiệu cực. Cũng dễ hiểu tại sao thành phần này đã để lại một hình ảnh xấu trong mắt xã hội. Trong khi dân Việt Nam vẫn xếp hạng rất thấp về thu nhập trên thế giới mà có những người trẻ chạy xe với giá cả tỷ đồng, sáng tắm biển Vũng Tàu, trưa ăn ở Sài Gòn, tối uống Hennesy ở Hà Nội thì không thể nào tránh khỏi dư luận.

Tuy nhiên, cũng đã có một số người chủ động “xây dựng” một hình ảnh “Thế hệ @” đa dạng, nếu không nói là tích cực hơn. Năm 2003, một cô gái trẻ tên Phan Huyền Thư đã thực hiện một kịch bản phim tài liệu “Những Công Dân @” để đưa vào diễn đàn công chúng những hình ảnh về “Thế hệ @” theo cái nhìn của cô – một người đã tự liệt kê mình là “@”. Trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, Phan Huyền Thư đã nói về thế hệ của mình như sau:

Ra đời và trưởng thành sau chiến tranh, họ được hưởng một nền hoà bình vô giá mà biết bao thế hệ cha anh đánh đổi bằng cả cuộc đời, thậm chí cả sinh mạng của mình để giành cho được. Họ có quá nhiều thuận lợi khi được hưởng một nền giáo dục tốt, một cuộc sống đầy đủ vật chất mà các thế hệ đi trước nằm mơ cũng không thể có được. Họ thừa biết giá trị của chiếc máy tính điện tử không phải chỉ là chiếc máy chữ hay chiếc bút vẽ tự động... nó cho phép họ đối thoại trực tiếp, công khai và góp một tiếng nói của chính mình vào một thế giới đại đồng, không phân biệt sắc tộc, biên giới hay đẳng cấp giàu nghèo. Sự bình đẳng ấy (cho dù chỉ tồn tại trên một thế giới ảo của mạng Internet thôi) cũng khiến cho họ tự tin, muốn vực đất nước lên một tầm cao mới bằng kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình. Nhìn chung, mục đích lớn nhất của họ là muốn trở thành người thành đạt. Họ muốn khẳng định cái "tôi" bằng một thành quả cụ thể, bằng một giá trị kép "vật chất đồng thời là tinh thần; kinh tế đồng thời là văn hoá..." chứ không đơn thuần chỉ là một trong hai thứ đó.

Trong bộ phim tài liệu dài hơn 30 phút, Phan Huyền Thư và êkíp làm phim đã giới thiệu khoảng 20 nhân vật mà họ cho là thuộc về “Thế hệ @”, trong đó có nhà văn, giám đốc công ty, du học sinh, những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin… Có lẽ mục đích của người làm phim là giới thiệu đến khán giả tính phức tạp và đa dạng của thế hệ @, song vì bộ phim thì ngắn mà có quá nhiều nhân vật được giới thiệu, mỗi người nói lên những điều mà đã được lập đi lập lại nhiều lần trong dư luận nên cuối cùng chúng ta cũng không hiểu nhiều hơn về thế hệ này. Trong một bài bình luận về bộ phim, Lê Hồng Lâm đã viết:

Cứ sau mỗi mệnh đề đưa ra lại có dăm ba câu trả lời minh họa. Xen lẫn giữa những đoạn phỏng vấn kiểu bàn tròn đó là những lời bình, lời dẫn chuyện rời rạc và đôi khi chả ăn nhập vào chủ điểm nào. Và đôi khi vừa sáo rỗng vừa lên lớp vừa mâu thuẫn: "Mặt trái của mục đích kiếm tiền một cách mù quáng như một lưỡi dao khắc sâu vào nỗi cô đơn và ích kỷ của tuổi trẻ sống trong nhung lụa đầy bế tắc. Không ít người trẻ tuổi của các đô thị giả danh là thế hệ @ lại đang héo mòn cô đơn bởi sự bao vây của tiện nghi vật chất. Đồng tiền đang lạnh lùng giết chết tình người và đạo đức xã hội. Vũ trường đêm, những trò chơi dại dột và mạo hiểm của chất kích thích đang là một kiểu khẳng định mình của giới trẻ theo cách ngông cuồng, phô diễn bằng đồng tiền không phải do họ làm ra...”

Cũng theo ông, Phan Huyền Thư đã không tìm ra được một chủ điểm xuyên suốt cho bộ phim. Vì vậy, bộ phim đã “trở thành một vở kịch vụng về với những con rối nhảy múa loạn xạ dưới bàn tay điều khiển yếu ớt của người điều binh”.
Coi xong bộ phim, chúng ta hiểu được rằng: “Thế hệ @” không đồng nhất, có một số hoài bão nhất định, có nhiều khả năng thành đạt. Nhưng rồi chúng ta không hiểu được nguyên do của sự đa dạng này, họ sẽ làm gì với những gì họ có, và chúng ta có thể kỳ vọng những gì nơi họ. Khuyết điểm lớn nhất của bộ phim là việc nó không thoát khỏi cái gọi là “hiện tượng” để đi sâu vào những vấn để ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội - văn hoá đàng sau bề nổi mà chúng ta chứng kiến.

Có chăng một Thế hệ @?

Việc cuốn phim “Những Công Dân @” thiếu chiều sâu và chủ điểm thống nhất có lẽ cũng không tránh được. Phải chăng những người sáng chế cụm từ “Thế hệ @” và những người đã tiếp tục phổ biến nó chưa đầu tư đầy đủ thì giờ để xây dựng khái niệm trên một nền tảng vững chắc? Phải chăng chúng ta đang nóng lòng tìm ra một danh từ hấp dẫn để gán cho một bộ phận nổi cộm trong giới trẻ và biểu tượng @ tạm thời hợp lý vì nó nằm trong tất cả những địa chỉ email là một sáng kiến thời đại được phổ biến khắp mọi nơi? Ở Việt Nam, biểu tượng này được gắn vào chiếc xe Honda giá tới 6.000 đô mà nhiều người trẻ ao ước có được lại càng làm cho cụm từ “Thế hệ @” thêm sự thu hút. Tuy nhiên, nếu chúng ta không phân tích ý tưởng nền tảng của việc sáng tạo, thì việc sử dụng rất có thể mang lại tác động ngược chiều vì nhiều khi chỉ dựa trên logic lỏng lẽo và thiếu cơ sở.

Thứ nhất, mặc dầu chúng ta không thể miêu tả cách dễ dàng các thế hệ, nhưng để dễ chấp nhận, những điều nêu lên phải bao quát được vấn đề. Ở đây cụm từ “Thế hệ @” được sử dụng để nói về giới trẻ Việt Nam trong thời mở cửa chưa được hợp lý vì như chúng ta biết, Việt Nam là một đất nước chủ yếu là nông nghiệp, với khoảng 70% dân số sinh sống dựa vào nghề nông. Như vậy, đa số giới trẻ Việt Nam không sống ở thành thị có điều kiện sử dụng internet. Ngay cả ở các thành phố, một bộ phận lớn các người trẻ nhập cư phải phấn đấu với mưu sinh, bán rong, đánh giầy…và chưa hề bước vào tiệm internet lần nào. Vì vậy biểu tượng “@” chỉ gần gũi với một bộ phận giới trẻ rất nhỏ. Tuy thành phần này gây được nhiều chú ý qua các hành động của họ, song không bao quát đủ để đặt cho cái tên Thế hệ “@” đại diện một nhóm người gần 40 triệu. Để đối chiếu, ở Mỹ trong những năm cuối của thiên niên kỷ, hãng nước ngọt Pepsi-Cola đã tung ra một chiến dịch quảng cáo gọi là “Thế hệ Pepsi”. Cô ca sĩ trẻ Britney Spears đã ký hợp đồng quảng cáo cho công ty này như nói lên rằng tất cả những người trẻ trên thế giới đều thuộc về “Thế hệ Pepsi”. Ở đây hàm ý: nước ngọt Pepsi sẽ đi vào đời sống của tất cả các người trẻ và trở nên một biểu tượng nói lên sự trẻ trung của họ. Mặc dầu đây chỉ là một chiến thuật quảng cáo, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy rằng: khi chúng ta sử dụng một biểu tượng cho một tập thể thì nó phải gắn bó chặt chẻ với đại đa số thành viên trong tập thể đó.

Thứ hai, để có thể trở nên “@” thật sự, đời sống của người trẻ phải gắn liền với những gì liên quan đến công nghệ thông tin cách trực tiếp hay gián tiếp. Thiết nghĩ nên thừa nhận rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay có rất ít người có thể nói là “sống” và “thở” không khí công nghệ thông tin. Chắc chắn những nhân vật như Bạch Đình Vinh trong đội tuyển ROBOCORN hay những khuôn mặt trong Trí tuệ Việt Nam, hay là những sinh viên ngành công nghệ thông tin, thậm chí những người đứng đàng sau những trang web đồi truỵ bị xã hội lên án có thể được coi là “sống” và “thở” không khí CNTT. Còn đa số những người trẻ được liệt vào “Thế hệ @” thì thế nào? Họ chỉ biết sử dụng email, một số biết tham gia vào các diễn đàn và biết cách gõ tiếng Việt trên diễn đàn; một số khác biết truy cập những trang báo điện tử. Song quan sát cho thấy đa số sử dụng internet với mục đích duy nhất là trò chuyện qua mạng. Bất kể nơi nào và giờ nào, bước vào một tiệm internet chúng ta sẽ thấy đa số người trẻ sử dụng internet cho việc này. Nếu như vậy mà thôi thì chúng ta khó có thể liệt kê họ vào “Thế hệ @” vì kiến thức và khả năng ứng dụng và khai thác những khía cạnh của kỹ thuật còn quá hạn chế. Nếu chúng ta so sánh nhóm nhỏ người trẻ “@” ở Việt Nam với thế hệ Y ở Mỹ thì chúng ta thấy một khoảng cách rất lớn giữa hai bên. Có lẽ ai đó đã sáng chế ra từ “Thế hệ @” như một nỗ lực hội nhập giới trẻ Việt Nam vào hàng ngủ của giới trẻ trên thế giới, song việc này xem ra chưa đủ thuyết phục nếu không nói là còn vội vã.

Như vậy, cụm từ “Thế hệ @” có điều nghịch lý. Khi nói về một thế hệ, chúng ta ám chỉ một tập thể. Tuy nhiên, quan sát cho thấy rằng trong xã hội Việt Nam có thể tạm phân ra ba loại “Thế hệ @” cho ba bộ phận giới trẻ. Nhóm thứ nhất ở các thành thị với những đặc điểm như: học vấn cao, biết ứng dụng những sáng chế trong công nghệ thông tin cách trực tiệp hay gián tiếp, và có nhiều hoài bão thành đạt… Nhóm này thường xuất hiện trên báo đài như những niềm vinh dự cho Việt Nam vì những thành tích xuất sắc của họ trong lĩnh vực học vấn, nghiên cứu, kinh doanh... Nhóm “@” thứ hai là thành phần giới trẻ ở các thành thị chạy xe @ và những loại xe tay ga đắt tiền, và một số nhỏ chạy xe hộp như Mercedes, BMW, Lexus… Nhóm “@” này thường là con ông cháu cha, không phải học nhiều làm nhiều nhưng hầu bao luôn đầy. Vì rảnh rỗi và nhiều tiền nên họ dễ trở nên hư hỏng và có những hành động luôn làm cho dư luận xã hội phẫn nộ. Họ cũng xuất hiện trên báo đài, nhưng luôn nằm trong loại bài nói về những tệ nạn xã hội. Nhóm “@” thứ ba, có lẽ là nhóm lớn nhất, là thành phần giới trẻ ở các thành thị sống trong môi trường kỹ thuật hoá và thừa hưởng được nhiều ích lợi mà nền kỹ thuật tân tiến mang lại cho họ. Tuy nhiên, khả năng của họ trong việc cảm nghiệm và khai thác các kỹ thuật này rất hạn chế. Dư luận xã hội cũng quan tâm đến họ, nhưng không mạnh mẽ như thành phần “cậu ấm cô chiêu”. Tuy có những đặc điểm khác nhau, cả ba bộ phận giới trẻ này có một số điểm tương đồng như: 1) họ tập trung ở các đô thị; 2) họ tương đối am hiểu về những sự kiện trên thế giới, đặc biệt là những gì liên quan đến thế giới âm nhạc, giải trí; 3) những dư luận tiêu cực về họ thường đề cập đến vấn đề sống theo chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, và hưởng thụ.

Tuy nhiên, ba bộ phận giới trẻ này khi so sánh với toàn tập thể giới trẻ ở Việt Nam thì chỉ là một phần rất nhỏ. Mặc dầu họ là thành phần nổi cộm nhất trong xã hội hiện nay và được chú ý đến vì những thành tích tốt cũng như những hành vi xấu, nhưng việc chúng ta gọi họ là một “thế hệ” thì quả thực thiếu cơ sở.

Đặt tên cho thế hệ trẻ bây giờ?

Câu hỏi hiển nhiên mà chúng ta phải đặt ra ở đây là: Có cách nào để “đặt tên” cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không? Đây là thách thức cho các nhà xã hội học đang quan tâm về đời sống của giới trẻ ngày nay. Không có một danh từ nào có thể bao quát tất cả các thành phần giới trẻ. Hiện nay bên cạnh danh từ “Thế hệ @”, những danh từ như Thế hệ 7X, 8X, và 9X đang được sử dụng tương đối rộng rải để chỉ định thành phần sinh ra trong các thập niên 70, 80, và 90. Tuy nhiên, đây là cách phân loại tổng quát và thiếu sự sáng tạo nhất, và chưa hẳn phản ảnh đầy đủ hiện trạng. Tính chất phức tạp của xã hội không đơn giản cho phép phân loại thế hệ theo từng thập niên, nhưng thiết nghĩ phải dựa trên các hiện tượng chính trị, kinh tế, xã hội, kỹ thuật, văn hoá… ảnh hưởng và định đoạt tính cách của mỗi thế hệ con nguời. Vì thế, nếu một cụm từ nào đó có tính sáng tạo đồng thời thực tế được sử dụng phải đáp ứng một số điều kiện:

i. Từ ngữ được dùng phải mang tính bao quát trong một tập thể. Ở Việt Nam, chúng ta phải cân nhắc những đặc điểm của giới trẻ thành phố cũng như ở nông thôn, giới trẻ có học cũng như ít học….

ii. Từ ngữ phải hàm chứa những ý tưởng liên quan đến bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế của tập thể được miêu tả. Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới là một yếu tố không thể bỏ qua được. Việc thế hệ trẻ sinh ra trong thời kỳ đất nước thống nhất là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, ảnh hưởng của hiện tượng toàn cầu hoá trên xã hội Việt Nam phải được cân nhắc.
iii. Từ ngữ phải dựa trên yếu tố văn hoá của nhóm người được miêu tả. Ở Việt Nam, đây là một văn hoá đang biến đổi nhanh chóng vì nền tảng phương Đông đang tiếp nhận nhiều tính cách của phương Tây – trong đó có những điều phù hợp cũng như bất phù hợp. Đây là một văn hoá đang biến chuyển theo từng hiện tượng xảy ra trong xã hội.

Kết luận

Dẫu không đúng nghĩa là một thế hệ, nhưng bộ phận giới trẻ ở Việt Nam được gọi là “@” là một hiện tượng có thật. Thành phần được gọi @ vì đời sống họ gắn liền với những phát triển trong công nghệ thông tin là niềm hy vọng lớn cho đất nước. Xã hội đặt kỳ vọng nơi họ, những người sẽ giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và là nhịp cầu giúp đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Thành phần giới trẻ Honda @ cũng là một bộ phận luôn gây sự chú ý của dư luận vì họ xuất hiện trước chúng ta trên đường phố, trong những quán bar, quán cà phê, trong trường học như một chứng minh về những tiến bộ về chất lượng đời sống vật chất sau gần 20 năm đổi mới với sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, cũng như sự chú trọng đến việc cải tiến và hội nhập với xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng gợi ý cho chúng ta đặt lại vấn đề: Tài sản và những cơ hội đã được phân bố đồng đều cho người dân chưa? Hay là chỉ nằm trong tay một bộ phận rất nhỏ biết móc nối để tận hưởng những gì địa vị và quyền lợi cho phép. Thật ra, người dân bình thường bức xúc và lo âu về lớp trẻ “Honda @” không chỉ đơn giản vì hành động và lối sống của chúng trở nên một sự quan ngại cho xã hội, mà họ còn nhìn thấy những người đàng sau lớp trẻ này là thành phần đã lợi dụng quyền thế để hưởng lợi. Cuối cùng việc chúng ta chưa dám khẳng định có một thế hệ @ ở Việt Nam cũng là một lời nhắc nhở rằng, trong bối cảnh tân tiến trên toàn cầu, xã hội Việt Nam vẫn còn một quãng đường rất dài trong sự cố gắng theo đuổi các nước bạn. Sự nhận thức này nên trở thành động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy các nhà lãnh đạo đất nước nỗ lực cải tiến xã hội hầu khoảng cách kỹ thuật giữa Việt Nam và những quốc gia phát triển ngày càng rút ngắn lại, từ đó Việt Nam có một thế hệ trẻ có thể tự tin sánh vai với những đồng bạn trên toàn thế giới.




No comments: